14/05/2022 07:21 GMT+7 | Văn hoá
Mặc dù có số lượng ghi chép đồ sộ, khá chi tiết về hơn 1.000 vị thần và vài nghìn địa danh, nhưng cho đến nay, rất nhiều vị thần trong Nam Việt thần kỳ hội lục vẫn là những ẩn số của lịch sử.
Để tỏ tường hơn về sử liệu đã tồn tại hơn 200 năm này, Thể thao&Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Trọng Dương – đồng tác giả cuốn sách.
Từ vụ án “phong thần nhầm” hơn 200 năm trước…
* Được biết, “Nam Việt thần kỳ hội lục” vốn là một thư tịch cổ đã có từ thế kỷ XIX. Xin ông cho biết, đôi nét về lai lịch của thư tịch này?
- Cuốn sách này là một “tàn bản” duy nhất còn sót lại từ một vụ án lớn vào năm 1810. Nguyên uỷ, năm 1804, vua Gia Long đã ra lệnh các địa phương thống kê tất cả thần linh trên lãnh thổ vương quốc để tiến hành quản lý và ban cấp sắc phong thần. Một số quan ở Bắc Thành (gồm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn, tương đương với các tỉnh thuộc đồng Bằng Bắc Bộ và Đông Bắc, Tây Bắc) khi đó đã tiến hành thống kê nhầm các “nguỵ quỷ” (ví dụ như tướng Hoàng Ngũ Phúc - kẻ thù của triều Nguyễn), đồng thời gian lận khiến cho triều đình phong nhầm cho hơn 560 vị.
Vụ án bị phát giác năm 1810 khiến cho nhiều quan lại bị trừng phạt, cách chức, thậm chí xử trảm. Triều đình buộc phải đình chỉ việc ban cấp sắc phong, và tiêu huỷ 560 sắc phong kia.
Cho đến năm 1820-1826, vua Minh Mệnh mới tiếp tục khảo hạch lại hệ thống thần linh. Lúc này, một vị quan nhỏ nào đó đã tranh thủ tiếp cận và chép lại văn bản cũ từ năm 1804. Nhưng vì vừa làm việc công, vừa chép trộm, nên ban đầu thì chép kĩ và đủ, càng về sau càng sơ lược, và đến hơn nửa cuốn về sau thì bỏ mất. Vị này sau đó đem bản chép trộm ấy về dùng riêng, rồi để ở đình làng Lương Yên.
Đến đầu thế kỷ XX, văn bản được chép lại để bán cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), nhưng đã được ghi thêm một dòng niên đại giả là “Bản của bộ Lễ soạn năm 1760” nhằm tăng giá trị và giá tiền cho văn bản. Tất cả hồ sơ của Bắc Thành và Bộ Lễ xưa đều đã bị thiêu huỷ qua chiến tranh và thời gian. Còn bản chép trộm tàn khuyết kia lại may mắn còn giữ được thông qua một vụ ngụy tạo niên đại để buôn bán thư tịch cổ.
* “Nam Việt thần kỳ hội lục” (được vua Gia Long lệnh cho biên soạn) ghi chép có tính hệ thống về các thần linh tại các địa điểm thờ tự ở miền Bắc. Liệu rằng, đây có phải là một văn bản đơn thuần được soạn ra nhằm mục đích để triều đình quản lý hành chính các cơ sở thờ tự và hoạt động tín ngưỡng của người dân?
- Nam Việt thần kỳ hội lục nguyên uỷ chép 2.824, nhưng do chép trộm, nên chỉ chép được 1.260 vị, trong 1.260 vị này thì các thần từ số 1 đến 245 được chép đủ thần hiệu, hành trạng và số lượng các cơ sở thờ tự (từ cấp thôn xã đến cấp huyện, xứ/ trấn), các vị từ số 246-1260 về sau chỉ kê khai thần hiệu, đôi khi có thêm 1 địa điểm thờ (chính từ). Tính chất kê khai, thống kê, tổng hợp cả về số lượng thần linh lẫn đơn vị thờ tự (cấp thôn, làng) cho phép hiểu rằng đây là một loại văn bản hành chính dùng để quản lý thần linh.
Ta biết một ông vua Nho giáo (như Gia Long, hay Minh Mệnh) vừa có quyền cai quản triều đình chốn nhân gian, đồng thời có khả năng quản lý tất cả các loại thần linh, ma quỷ. Trong khi, bề tôi văn võ trong triều được phân theo phẩm, trật, tước, hiệu; thì thần linh trong cõi u minh cũng được phân hạng thượng – trung – hạ đẳng, với các chế độ lễ nghi, tế tự, tài vật tương ứng.
“Dương phù âm trợ” không phải là một câu nói ước lệ trong văn tế, hay sắc phong – thần tích, mà thực sự thể hiện bản chất của quyền lực hoàng đế. Tức là, các thần linh cũng được sắp xếp như là một “triều đình nơi âm giới”, và mỗi vị thần cũng chỉ như là các bề tôi trong cõi linh thiêng phục vụ cho ông hoàng đế chốn dương gian. Văn bản này phân thần làm 3 nhóm: thượng liệt, trung liệt, hạ liệt, và loại bỏ hơn 1.500 vị chưa đạt tiêu chuẩn và các “dâm thần”. Cho nên, việc sót lại một văn bản như Nam Việt thần kỳ hội lục là điều rất quý để hình dung về công việc “quản giám bách thần” của Bộ Lễ thời xưa.
* Trong sự đối sánh với các nguồn sử liệu khác, xin ông cho biết liệu còn có thư tịch nào ghi chép về thần linh tương tự như “Nam Việt thần kỳ hội lục”? Nếu có, điều gì làm nên giá trị độc đáo của “Nam Việt thần kỳ hội lục”, thưa ông?
- Các nguồn sử liệu về thần linh Việt Nam thời trung đại tuy không còn nhiều, được chép rải rác ở một số thư tịch cổ ví dụ Đại Nam nhất thống chí, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái… Gần với tác phẩm đang xét, thì Bách thần lục là sưu tập các thần tích của vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, Thanh Hóa chư thần lục ghi chép về hệ thống thần kỳ thuộc Thanh Hóa và Ninh Bình, Bắc Ninh tỉnh khảo dị ghi chép cặn kẽ về các vị thần được thờ cúng ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 1920.
Nhưng phần lớn các văn bản trên đều chỉ là cóp nhặt, không có hệ thống, và không phải là “chuyên thư”. Ví dụ nhất thống chí thì chỉ chép sơ lược một vài vị thần tiêu biểu của từng địa phương. Việt điện u linh chỉ chép trên dưới 20 vị thần thời Lý Trần. Còn Nam Việt thần kỳ hội lục là một bản sách thống kê, phân loại, so sánh, tổng hợp tất cả các vị thần được thờ cúng ở tất cả các địa phương ở Bắc Thành. Nó quý ở chỗ đó không phải là một tác phẩm văn học, hay sử học, mà là một văn bản hành chính, dùng để “quản giám”, “thăng trật”, hay thanh lọc - truất phế các thần linh.
Đến cuộc giải mã thư tịch “quản giám” hơn 1.000 vị thần linh
*Được biết, một trong những công việc quan trọng và cũng đầy thách thức của các tác giả khi thực hiện cuốn sách này đó chính là khảo cứu đến hơn 1000 các nhân danh được phong thần, các địa danh thờ tự. Xin ông có thể chia sẻ thêm về công việc “khó nhằn” này?
- Mỗi một cuốn thư tịch cổ là một hố khảo cổ lưu trữ các thông tin và giá trị từ quá khứ. Nghiên cứu giải mã chúng gần giống như phải “phá án” từ những cứ liệu còn sót lại. Như trên đã nói, niên đại sách thì là ngụy tạo, cơ quan soạn sách cũng là ngụy tạo. Để phủ nhận thông tin “Lễ bộ biên soạn” ở đầu sách, chúng tôi cũng đã phải mướt mồ hôi thì mới có thể xác định được Bắc Thành mới là cơ quan khởi thảo.
Nhưng do sách chép trộm, cắt cúp, và được sao chép lại nhiều lần trong khoảng 70 năm, nên có nhiều chữ viết sai, nhiều địa danh bị “siêu chỉnh”. Chúng tôi phải “dò mìn” ở từng vảy chữ, từng dòng, từng nét một. Rồi cả ngàn vị thần (đã bị lược lý lịch) chỉ còn thần hiệu, ví dụ như Tương Liệt Hiển Hoá Đại Vương, không biết là ai, được thờ ở đâu, tên làng này nay là gì, tên thần kia xưa ra sao, còn thờ hay không? Đó là một ma trận của sử liệu. Rất nhiều vị trong cuốn này đến nay vẫn còn là ẩn số của lịch sử.
*Từ việc khảo cứu hơn 1000 vị thần linh, cũng như các địa danh thờ tự khắp ở miền Bắc trong giai đoạn từ thế kỷ XVIII – XIX, xin ông cho biết những vị thần linh được ghi chép có gì đặc biệt?
- Thần linh thì đời nào cũng vậy, đều do chính quyền kiến tạo trong sự thương thảo với các cộng đồng tín ngưỡng. Dân gian thì có gì thờ nấy, sợ gì cúng nấy. Triều đình phải đưa ra các chính sách để thúc đẩy chủ trương giáo hoá (Nho hoá), và gạt bớt dị đoan, tà giáo.
Họ phân loại các thần kỳ làm ba nhóm, gồm: 1/ phúc thần/chính thần (những vị thần chính danh/chính đáng, theo quan niệm về thần linh chính thống của Nho giáo), 2/ dâm thần (những thần linh không chính đáng, thuộc tà đạo hoặc dị đoan, có hại cho thuần phong mĩ tục cho nền chính giáo), và 3/ nhóm nghịch quỷ – nguỵ quỷ – ma giặc (mồ mả, điện thờ những đảng tặc phản nghịch, hoặc các thế lực thù địch của bản triều...).
Những vị được liệt vào nhóm chính thần sẽ được biên chép thành một danh mục riêng với các thông tin cơ bản về thần hiệu, thần tích và địa danh hành chính. Những vị trong nhóm dâm thần và nguỵ quỷ sẽ bị phế truất và huỷ bỏ đền miếu, sắc phong. Các vị trong nhóm chính thần sẽ được phân loại thượng – trung – hạ đẳng, với chế độ đi kèm, gần giống như cách phân hạng di tích nhà nước hiện nay: cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Nhóm thượng đẳng/ thượng liệt là các vị tiên vương lịch triều, nhóm trung đẳng là các công thần, liệt sĩ. Nhóm hạ đẳng chủ yếu là nhiên thần (gồm thiên thần, thuỷ thần, địa thần,…).
* Ở khía cạnh nào đó, có thể coi bản dịch thuật - khảo cứu “Nam Việt thần kỳ hội lục” là một cuốn “từ điển” về thần linh, địa danh thờ tự. Theo ông, cuốn sách có những ý nghĩa quan trọng như thế nào, nhất là trong công tác quy hoạch, bảo tồn các địa danh văn hóa?
- Nói rằng đây là một cuốn từ điển thì không sai, bởi tính liệt kê phân loại rất là cao. Bản dịch của nó thì không thể tra theo ABC như từ điển hiện đại. Nhưng chúng tôi đã cố gắng sắp chỉ mục (index) ở cuối sách để độc giả có thể tiện tra cứu. Chỉ mục bao gồm các thần hiệu, nhân danh, địa danh, cơ sở thờ tự,… để mọi người đều có thể tìm kiếm những thông tin mình quan tâm.
Cuốn sách này quan trọng ở chỗ, lần đầu tiên chúng ta có trong tay một văn bản quản lý, phân loại chư thần của một cơ quan hành chính, với niên đại được xác định là giai đoạn 1804 - 1810. Đây là một nguồn sử liệu cho biết hệ thống thần linh của Việt Nam từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, tuy chỉ là một lát cắt, nhưng nó là một “mảnh vỡ di sản” để chúng ta có một cái nhìn tổng quan và hệ thống hơn về văn hoá tâm linh, cũng như việc quy hoạch bảo tồn quản lý các cơ sở thờ tự trong quá khứ, và góp phần soi chiếu cho công tác văn hoá trong thời điểm hiện nay.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Văn bản này phân thần làm 3 nhóm: thượng liệt, trung liệt, hạ liệt, và loại bỏ hơn 1.500 vị chưa đạt tiêu chuẩn và các “dâm thần”. |
Công Bắc – Đỗ Doãn Tú (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất