Thế giới nín thở trước tin tức về sức khỏe Mandela

25/06/2013 07:35 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/6, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela được thông báo vẫn ở trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện. Tình trạng sức khỏe tồi tệ của ông đã khiến nhiều người nghĩ tới viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra và tác động của nó tới tương lai đất nước Nam Phi.

Cho tới Chủ nhật vừa qua, chính quyền Nam Phi vẫn thông báo tình trạng sức khỏe của Nelson Mandela là "nghiêm trọng, nhưng ổn định".

Chuẩn bị tinh thần

Trong đêm 23/6, phủ Tổng thống Nam Phi cập nhật thông tin mới, nói rằng sức khỏe của Mandela đã xấu đi nhanh và ông đã ở trong tình trạng "nguy kịch". Tại cuộc tiếp xúc mới nhất với báo chí vào sáng ngày 24, Tổng thống Jacob Zuma tiếp tục lặp lại thông tin, nhưng không nói rõ về tình trạng bệnh của Mandela, cũng như ông đang được chăm sóc ra sao.

"Tất cả chúng ta, với tư cách một quốc gia, nên chấp nhận rằng Madiba (tên thường gọi của Mandela) đã già. Và khi ông già đi, sức khỏe sẽ trở thành một vấn đề" - Zuma nói.

Sức khỏe của Mandela đang yếu đi nhanh chóng

Việc Mandela được điều trị tại Bệnh viện tim Mediclinic, nơi chuyên điều trị tim mạch, đã làm dấy lên các câu hỏi về việc vì sao Mandela lại được đưa tới đây, khi ban đầu người ta nói ông bị viêm phổi. Ngoài ra bệnh viện nằm ở Pretoria, cách phía Bắc nhà Mandela ở Johannesburg tới 45km, xa hơn nhiều một bệnh gần đó, nơi ông từng tới điều trị.

Và chuyến đi tới bệnh viện Mediclinic cũng diễn ra không êm thấm. Văn phòng của ông Zuma thừa nhận vào cuối tuần trước rằng xe cứu thương chở Mandela đã bị hỏng trên đường, buộc các bác sĩ phải chuyển ông tới một chiếc xe thứ hai để kết thúc hành trình. Tuy nhiên phát ngôn viên của Zuma là Mac Maharaj đã bác bỏ thông tin rằng Mandela bị trụy tim trong lúc tới bệnh viện và bị kẹt lại trên đường tới 40 phút.

Hoa, các tấm bưu thiếp, bóng bay và lời nhắn chúc sức khỏe đã được để rất nhiều bên ngoài bệnh viện Mediclinic. Nhưng trong khi thế giới chăm chú theo dõi diễn biến tình hình, bản thân những người dân Nam Phi đã gần như chấp nhận với số phận. "Thật không may, chuyện đã không còn do chúng tôi quyết định nữa rồi. Chúng tôi chẳng thể làm gì được cả" - Aphiwe Ngesi, một giáo viên ở Mthatha nói - "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là hy vọng điều tốt nhất".

Sự nghiệp lẫy lừng

Nhân việc Mandela ốm nặng, nhiều người Nam Phi đã nhìn lại quãng đời lừng lẫy của ông. Ngày 24/6 đã đánh dấu kỷ niệm 18 năm diễn ra một trong những sự kiện trọng đại nhất trong sự nghiệp của ông - ngày ông bước vào một sân bóng bầu dục, mặc chiếc áo của đội tuyển quốc gia. Chỉ một hành động đó thôi, ông đã đoàn kết về một khối hàng triệu người, cả da trắng và da đen, ở đất nước Nam Phi.

Mandela sinh ngày 18/7/1918 trong gia đình hoàng gia Thembu. Ông đã theo học tại Đại học Fort Hare và Đại học Witwatersrand ở Nam Phi. Thời gian sống tại Johannesburg, ông đã tham gia vào các hoạt động chính trị chống lại chủ nghĩa thực dân, gia nhập đảng Đại hội các dân tộc Phi (ANC) và trở thành thành viên sáng lập Đoàn thanh niên của tổ chức này.

Báo chí Nam Phi đã đưa tin dày đặc về sức khỏe của Mandela

Sau khi những người Afrikaner theo đường lối dân tộc chủ nghĩa lên nắm quyền vào năm 1948 và bắt đầu áp đặt chính sách apartheid đề cao người da trắng, phân biệt đối xử người da đen, Mandela đã hoạt động mạnh trong ANC. Với tư cách một luật sư, ông đã thường xuyên bị bắt vì hành vi chống chính quyền. Mặc dù ban đầu chỉ thực hiện các cuộc biểu tình phi bạo lực, ông sau đó đã tham gia thành lập lực lượng vũ trang Umkhonto we Sizwe (MK) vào năm 1961, dẫn tới việc diễn ra hàng loạt chiến dịch đánh bom nhằm vào chính quyền.

Năm 1962, ông bị bắt, bị kết tội phá hoại, chống chính quyền và bị tuyên phạt tù chung thân. Mandela đã có 27 năm ngồi tù, đầu tiên là ở nhà tù trên đảo Robben, trước khi tới nhà tù Pollsmoor và cuối cùng là Victor Verster. Một chiến dịch vận động quốc tế để thả tự do cho ông đã diễn ra và thành công vào năm 1990.

Với tư cách chủ tịch ANC, Mandela đã tham gia các cuộc đàm phán với Tổng thống F.W. de Klerk để hủy bỏ chế độ apartheid và tổ chức một cuộc bầu cử đa chủng tộc đầu tiên vào năm 1999, trong đó ông dẫn ANC tới chiến thắng.

Với tư cách Tổng thống, ông đã thiết lập Hiến pháp mới và thành lập ủy ban điều tra vi phạm nhân quyền, bên cạnh việc triển khai các chính sách cải cách ruộng đất, chống đói nghèo, mở rộng dịch vụ phúc lợi. Ông chỉ cầm quyền có 5 năm, nhưng ngay cả khi về hưu vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng thông qua các hoạt động từ thiện chống đói nghèo và HIV/AIDS. Ngày hôm nay, người dân Nam Phi vẫn tôn sùng ông, vì đã giúp chuyển Nam Phi sang chế độ dân chủ mà không đổ máu, tạo nền tảng vững chắc để đất nước đi lên.

Gánh nặng trên vai ANC

Nhưng cũng từ đó, người ta băn khoăn về việc liệu đảng Đại hội các dân tộc Phi (ANC) và chính quyền có thể thực hiện những lời hứa và viễn cảnh mà Mandela đã vạch ra.

Tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở Nam Phi hiện là hơn 1/4 lực lượng lao động và tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chỉ đạt gần 2% trong năm nay. Sự trì trệ kinh tế có một phần nguyên nhân do hoạt động đình công tại các khu mỏ và nhiều bộ phận khác trong nền kinh tế Nam Phi. Đã có những luồng ý kiến trong xã hội thể hiện sự bất bình với cách chính quyền và đảng ANC điều hành đất nước, với nạn tham nhũng liên quan tới các quan chức lãnh đạo...

"Trước kia người da đen chỉ toàn dân nghèo. Giờ thì người da đen đã có người giàu và người nghèo, với khoảng trống giữa hai tầng lớp không hề biến mất" - Yandi Sigenu, một nhà phân tích kinh doanh 24 tuổi ở Johannesburg nói.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link