02/11/2014 07:22 GMT+7 | Di sản
1. Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sau 20 năm kể từ khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, những chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã và đang được triển khai tích cực. Các giá trị đặc biệt, độc đáo của vịnh Hạ Long được gìn giữ, bảo tồn tốt. Những tiềm năng, thế mạnh của vịnh Hạ Long đã được phát huy, đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bà Katherine Muller-Marine, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đánh giá, các cơ quan quản lý đã đạt được những bước tiến đáng kể trong công tác bảo tồn Vịnh Hạ Long. “Các cơ quan quản lý Vịnh Hạ Long đã có những hành động nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động phát triển công nghiệp bên ngoài khu di sản như việc xây dựng đường bộ. Các vấn đề xã hội đi đôi với tăng trưởng nhanh dân cư làng nổi, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản không bền vững và số lượt khách du lịch gia tăng cũng đã được giải quyết” – bà Katherine cho biết.
Được biết, tháng 6 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh do bà Vũ Thị Thu Thủy làm trưởng đoàn đã trực tiếp tham dự hội nghị thường niên (lần thứ 38) của Ủy ban di sản thế giới (UBDSTG) tổ chức tại Doha, Qatar. Tại cuộc họp, UBDSTG đã ghi nhận công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long có nhiều chuyển biến tích cực.
2. Tại Hội thảo Quảng bá Di sản Thế giới diễn ra tại Hà Nội tháng 10/2014 vừa qua, ông David Robinson đến từ tập đoàn truyền thông quốc tế QUO, đưa ra ý kiến với Ban quản lý các di sản thế giới tại Việt Nam: Cần tạo sức hút cho các di sản bằng sức hút của bản sắc. Theo đó, mỗi di sản nên có một slogan riêng, slogan này sẽ được in lên trên hình ảnh của các di sản, khi nhìn thấy các nhận diện chung này trên các kênh thông tin hình ảnh, công chúng sẽ nhớ tới di sản, muốn đi thăm di sản nhiều hơn. Ông David Robinson cũng lưu ý việc các di sản cần chú ý đến đối tượng khách của riêng mình, để tìm cách phát triển phù hợp.
Trong khi đó, GS-TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho rằng: Ngoài việc đem lại mặt lợi ích về kinh tế - xã hội, hoạt động du lịch cũng tác động tiêu cực đến di sản cả về mặt cơ học, hoá học, môi trường văn hóa, cảnh quan và sinh thái của khu vực di sản. Bởi vậy, việc phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới phải được kiểm soát, phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý du lịch bền vững; trong đó phải có nghiên cứu những tác động từ khách du lịch, khả năng có thể đón tiếp du khách của khu di sản, quản lý, điều phối lượt khách tham quan và kế hoạch tạo công ăn việc làm, cộng đồng trách nhiệm giữa đơn vị chức năng và cộng đồng sở tại.
Về vấn đề “Quản lý bền vững các khu di sản thế giới ở Việt Nam, định hướng và kế hoạch hành động”, ông Nguyễn Viết Cường (Cục Di sản văn hoá) cũng nêu quan điểm: Quảng Ninh cần tiếp tục triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2010-2020, trong đó có khu vực Vịnh Hạ Long gắn với việc sắp xếp nhà bè trên Vịnh và tái định cư trên đất liền, ổn định nghề nghiệp; bố trí các điểm nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ nhu cầu, tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ di sản bằng nhiều thức khác nhau, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn kinh phí, kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản lý di sản mà Việt Nam còn yếu và thiếu.
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long. Các đại biểu cũng đã trao đổi những kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam nói chung và Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nói riêng.
Nguyễn Lan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất