Bản anh hùng ca ly kỳ & hấp dẫn

19/05/2010 07:07 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trận Stalingrad đẫm máu nhất trong lịch sử thế chiến diễn ra từ ngày 17/7/1942 đến ngày 2/2/1943 là một bước ngoặt quan trọng trong Thế chiến thứ hai. Việc quân Đức thất bại trong việc đánh chiếm Stalingrad và việc Hồng quân Xô Viết phản công bao vây tiêu diệt 33 vạn quân Đức đã dẫn tới một trong những thất bại quan trọng nhất của phát xít Đức. Cuộc chiến bắt đầu cho giai đoạn Hồng quân Xô Viết chủ động tổ chức phản công trên toàn mặt trận và đóng góp một phần đáng kể vào sự đầu hàng của phát xít Đức hai năm rưỡi sau đó (theo Wikipedia).

>> Chuyên đề: Những bộ phim đi cùng năm tháng

Và bộ phim Enemy at the Gates (Quân thù trước cổng) chính là bản hùng ca ly kỳ và hấp dẫn từ đầu tới cuối về trận chiến này.

Từ sự thật đến huyền thoại lịch sử

Có thể nói, chiến thắng Stalingrad oanh liệt của Hồng quân Liên Xô gắn liền với những chiến công to lớn của các thiện xạ bắn tỉa. Họ thực sự là nỗi kinh hoàng của bọn phát xít Đức, trong đó nổi bật nhất là một cái tên bằng xương bằng thịt: Vasily Zaitsev.


Jude Law - gương mặt được chọn vào vai chiến sĩ Hồng quân Vasily
Được gia đình và bạn bè gọi bằng cái tên thân mật Vasha, Zaitsev lớn lên ở vùng thảo nguyên mênh mông của dãy Ural hùng vĩ. Ngay từ bé, Zaitsev đã được ông nội cho đi săn ở rừng Taiga (Siberie) và chẳng mấy chốc anh đã trở thành một tay thiện xạ cừ khôi. Biệt tài hiếm có của Zaitsev là sự kiên nhẫn đến mức khó tin: Anh có thể ngồi yên một chỗ, gần như không nhúc nhích cả nửa ngày trời để chờ đợi con mồi lọt vào tầm ngắm!

Ngày 20/09/1942, Zaitsev có mặt tại chiến trường Stalingrad để gia nhập vào đội bắn tỉa 284, trong lúc tinh thần của Hồng quân đang xuống rất thấp. Kể từ đó, cứ chu kỳ 10 ngày, anh lại hạ được 40 tên Đức. Cấp trên hạ lệnh in truyền đơn rải khắp mặt trận, ca ngợi chiến công của Zaitsev, và phong tặng cho anh danh hiệu “Anh hùng Liên bang Xô Viết”.

Để đối phó với hiểm họa từ đội bắn tỉa Xô viết, quân Đức bí mật mời đại tá Konig – chuyên gia bắn tỉa giỏi nhất nước Đức, xuất thân từ dòng dõi quý tộc – đến Stalingrad để theo dõi và hạ cho bằng được Zaitsev. Với tài thiện xạ và cái đầu khôn ngoan mưu mẹo, Konig đã âm thầm bắn hạ rất nhiều đồng đội của Zaitsev. Mãi đến khi một tù binh Đức bị bắt khai ra, thì phía Liên Xô mới biết sự có mặt và sứ mạng của Konig trên chiến trường Stalingrad.

Bắt đầu từ đấy, một cuộc đuổi bắt như mèo vờn chuột giữa hai tay bắn tỉa khét tiếng đã diễn ra âm thầm nhưng cực kỳ căng thẳng, bởi chỉ một sơ suất nhỏ họ sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Cuối cùng Zaitsev phải nhờ đến sự giúp sức của Kulikov – một bạn đồng đội liều mình làm mồi nhử. Kulikov đội chiếc mũ sắt đặc biệt vờ ló đầu lên, Konig nhả đạn, Kulikov ngã vật ra rồi vờ kêu lên như trúng đạn. Konig cẩn thận ngồi chờ đến tận trưa để nghe động tĩnh, sau đó mới hơi nhô đầu lên một chút để xem Zaitsev đã chết thật chưa. Ngay lập tức viên đạn từ nòng súng của Zaitsev đã bay thẳng vào giữa hai mắt của Konig. Sau đó Zaitsev đã tước ống ngắm khẩu súng của Konig để làm chiến lợi phẩm.

Giờ đây, khẩu súng trường lừng danh của Vasily Zaitsev và chiếc ống ngắm của Konig vẫn còn được lưu giữ tại Viện bảo tàng lịch sử Stalingrad. Tổng cộng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại chiến trường Stalingrad, Vasily Zaitsev đã bắn hạ 242 tên Đức bằng 243 phát đạn!

Từ huyền thoại lịch sử đến cuộc đối đầu hấp dẫn trên màn ảnh

Nhân vật thiện xạ bắn tỉa Vasily Zaitsev là hoàn toàn có thật, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có tài liệu chính thức nào công nhận cuộc đọ sức giữa Zaitsev và Konig trên chiến trường Stalingrad. Ngay cả trong các hồ sơ lưu tại Đức cũng không có một nhân vật nào là thiện xạ bắn tỉa có tên Konig. Có lẽ đây là một huyền thoại được các chính trị viên siêu hạng của Hồng quân Liên Xô tạo ra, nhằm nâng cao tinh thần binh sĩ. Nhưng câu chuyện hư cấu 100% này lại là chất liệu tuyệt vời để tạo ra một cuộc đối đầu hấp dẫn trên màn ảnh.

Năm 1996, Alain Godard đến gặp đạo diễn Jean Jacques Annaud với bản thảo kịch bản dựa theo 3 trang tiểu thuyết Enemy at the Gates: The Battle of Stalingrad (của William Craig năm 1973) đề cập đến cuộc đấu tay đôi giữa Vasily Zaitsev và Konig trong trận chiến Stalingrad… Để hiểu rõ câu chuyện, J.J.Annaud và Godard đến Stalingrad (hiện đã trở lại cái tên Volgograd) để tham khảo những tập tài liệu gốc, và những hiện vật ngày xưa vẫn còn được lưu giữ về người anh hùng vệ quốc Vasily Zaitsev.

Có quá nhiều câu chuyện khác nhau xung quanh nhân vật huyền thoại Vasily Zaitsev: Nào là sự tồn tại của nhân vật Đại tá Konig, rồi chuyện tình yêu của anh với một nữ quân nhân, rồi đến cuộc đối đầu “ảo” được tường thuật lại với một khối lượng thông tin khổng lồ qua những bài báo và truyền hình… Nhưng mỗi lần miêu tả đều khác nhau, và không thể phân biệt được giữa sự thật và tài liệu, giữa thực tế và huyền thoại.

Đạo diễn J.J.Annaud chọn diễn viên người Anh, Jude Law – người đã tạo ấn tượng khi được một đề cử Oscar trong phim The Talented Mr.Ripley – để vào vai Vasily Zaitsev. J.J.Annaud nhớ lại: “Jude Law rất lôi cuốn. Đặc biệt anh có một đôi mắt toát lên sự thông minh dữ dội và sống động. Jude có lối diễn xuất nội tâm một cách lạ thường, và ngay từ đầu anh đã hiểu và mê đắm nhân vật này”.

Còn với Jude Law, Vasily Zaitsev là một loại nhân vật từ lâu mà anh khao khát được thể hiện: “Đây là một câu chuyện quá hay và nhân vật này hoàn toàn khác xa những gì tôi đóng trước đây”. Anh đọc say sưa những tài liệu và nghiên cứu về thời kỳ lịch sử đó. Anh cũng được rèn luyện một cách tổng quát để thành thạo trong kỹ thuật sử dụng súng trường của lính bắn tỉa.

Diễn viên Mỹ kỳ cựu Ed Harris với đôi mắt xanh biếc lạnh lẽo, đã được chọn để đóng vai Konig – đối thủ không đội trời chung của Zaitsev. Ngoài ra còn hai diễn viên nổi tiếng người Anh thủ 2 vai quan trọng khác của phim: Joseph Fiennes – chính ủy Danilov – người đã phát hiện tài năng và lăng-xê Zaitsev trở thành người hùng ngoài mặt trận, đồng thời sau này cũng là tình địch của anh. Rachel Weisz – tay súng bắn tỉa Tania Chernova – người yêu của Zaitsev.

Phim trường Statalingrad khổng lồ… ở Đức

Một trong những thử thách mà những nhà làm phim phải đối mặt là tìm một khu vực đủ lớn để tạo ra Quảng trường trung tâm Stalingrad – trái tim của thành phố, và dòng sông Volga.

Nhà thiết kế bối cảnh Wolf Kroeger, cùng với đạo diễn Jean-Jacques Annaud và nhà sản xuất John D.Scholfield, đã bắt đầu một cuộc khảo sát bối cảnh rất quy mô qua 18 nước trên khắp châu Âu bằng máy bay cứu hộ, cuối cùng bối cảnh Stalingrad được quay ở Berlin, và khu vực sông Volga được chọn ở Cottbus (Đông Đức), tại vùng mỏ bỏ hoang gần biên giới Ba Lan.

Khu vực quay phim chính trước đây từng là trường học cưỡi ngựa cho quân đội Đức. Giữa năm 1945 và năm 1993, nó trở thành nhà ở cho hơn 25.000 người Nga sinh sống và vùng đất này đã bị ô nhiễm trầm trọng vì dầu mỏ làm nguồn nước ngầm không sử dụng được. Để phục vụ cho quá trình sản xuất phim, mỗi ngày 10.000 lít nước sạch được bơm vào bể chứa. Thêm vào đó là xây dựng mạng lưới điện mới hoàn toàn để phục vụ cho cảnh quay.

Để đền bù cho cư dân sinh sống xung quanh bối cảnh, đoàn phim đã ưu tiên để người dân gần đấy tham gia làm phim bằng việc thuê nhiều nhân công tại chỗ như thợ điện, thợ ống nước, nhân viên cứu hỏa và những người cung cấp lương thực thực phẩm trong vùng.

Việc xây dựng Quảng trường Đỏ bắt đầu vào tháng 10/1999 và tiếp tục cho đến tháng 02/2000. Những hạng mục được tái tạo lại với khối lượng công việc khổng lồ gồm phần bên ngoài của nhà in Pravda, nhà hát Gorky, cửa hàng bách hóa Univermag (nơi sau này Thống chế Paulus của Đức chấp nhận đầu hàng) và mốc ranh giới nổi tiếng của Stalingrad: Vòi phun nước mô phỏng cảnh các em thiếu nhi đang chơi đùa tại trung tâm quảng trường.

Những nhà làm phim đã tạo ra chiến trường bên dòng sông Volga tại ngôi làng Pritzen, phía Nam Brandenburg (Đức). Nơi đây, 600 diễn viên phụ đã mô phỏng cảnh tản cư của thành phố Stalingrad bị chiến tranh tàn phá. Đây là cảnh dựng phức tạp nhất, đòi hỏi nhiều tháng trời chuẩn bị và nhân viên đoàn phim lên tới 300 người cho quá trình quay cảnh này.

Với kinh phí sản xuất là 68 triệu USD, Enemy at the Gates lại không được thành công lắm về mặt doanh thu khi chỉ thu về có 97 triệu USD. Đặc biệt khi trình chiếu ở nước Nga, bộ phim đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ những cựu chiến binh vệ quốc. Họ lên án các nhà làm phim phương Tây, trong một vài trường đoạn, đã bôi nhọ hình ảnh của các sĩ quan Hồng quân. Thậm chí họ còn ký vào đơn thỉnh cầu gửi lên Viện Duma, đòi phải cấm chiếu trên toàn nước Nga.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link