05/08/2015 06:52 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Với "Học thuyết biển" mới được Putin thông qua, nước Nga đã không chỉ khởi động chiến lược mới nhằm thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập để giành thế chủ động trên các vùng nước "sống còn"; mà còn hướng tới một sức mạnh có tính toàn cầu
Trong những tháng gần đây, mối lo về một kỷ nguyên đối đầu mới giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng hiện hữu, khi các bên liên tục tung ra những động thái và tuyên bố làm gia tăng tình trạng căng thẳng.
Dư luận cho rằng, những động thái này đang làm rạn nứt quan hệ Nga - NATO sau hai thập kỷ nỗ lực hàn gắn và xây dựng.
NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu
Tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra tại Brussels, Bỉ, cuối tháng 6/2015, NATO tuyên bố tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu.
Các bộ trưởng NATO cũng quyết định tăng quân số cho Lực lượng phản ứng lên 40.000 người từ mức 13.000 người hiện nay, tái triển khai 150 xe tăng M1 Abrams và các loại xe chiến đấu bộ binh (IFV) Bradley của Mỹ tại khu vực Đông Âu, gia tăng máy bay chiến đấu F-16, có khả năng mang theo bom hạt nhân chiến thuật B-61 trong Vùng Baltic.
Trước cuối năm nay, NATO sẽ thành lập các bộ tham mưu ở 6 quốc gia Đông Âu, gồm Litva, Latvia, Estonia, Bulgaria, Romania và Ba Lan, với thành phần mỗi bộ tham mưu dự kiến gần 40 người. Các bộ tham mưu này sẽ thực hiện nhiệm vụ phối hợp hành động và chỉ huy các lực lượng của NATO trong trường hợp triển khai quân đến các quốc gia Đông Âu, ví dụ khi tiến hành tập trận.
NATO cũng thông qua quyết định chuẩn bị đáp lại những tuyên bố về hạt nhân của Nga và những thách thức hiện nay từ phía Đông. Trước đó, Nga đã công bố kế hoạch bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới cho lực lượng hạt nhân chiến lược nước này, trong bối cảnh có nhiều thông tin cho biết Mỹ và NATO sẽ đưa vũ khí hạng nặng tới Đông Âu và Baltic, hành động mà Moskva coi là đe dọa tới an ninh nước Nga.
Mặc dù vậy, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố NATO không tìm kiếm sự đối đầu và chạy đua vũ trang với Nga, nhưng liên minh quân sự này chịu trách nhiệm về an ninh của các nước thành viên. Vì vậy, NATO sẽ đáp trả tất cả những hành động của Nga tại phía Đông. Ông Stoltenberg cũng cho biết, tuy hợp tác quân sự giữa Nga và NATO đang bị đóng băng, song hai bên vẫn tiếp tục tiến hành đối thoại chính trị ở các cấp khác nhau.
Trong thông tin công bố ngày 31/7, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc trong vài năm gần đây, NATO đã gia tăng hoạt động quân sự gần biên giới Nga lên nhiều lần. Trong hai năm 2012 - 2013, NATO tiến hành trung bình khoảng 90 - 95 cuộc tập trận gần biên giới Nga, chiếm hơn một nửa tổng số cuộc tập trận (khoảng 150 cuộc) hàng năm. Năm 2014, số cuộc tập trận tăng 1,8 lần so với năm 2013.Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện xung quanh biên giới nước này có khoảng 400 căn cứ quân sự của Mỹ và các nước thành viên NATO. Các máy bay RS-135 của Không quân Mỹ cũng thường xuyên tiến hành các chuyến bay do thám chiến lược dọc biên giới Nga.
Trong năm 2014, các máy bay này thực hiện tổng cộng 137 chuyến bay, so với chỉ 22 chuyến trong năm 2013. Tại khu vực Kaliningrad và vùng Biển Baltic liên tục xuất hiện các máy bay trinh sát của không quân Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Bồ Đào Nha. Các chiến đấu cơ này xuất phát từ căn cứ không quân Zokniai ở Litva.
Việc NATO không ngừng tiến sát đến biên giới Nga được Moskva nhận định là đi ngược lại những cam kết mà NATO đưa ra trong dự luật Nga - NATO, vốn quy định liên minh quân sự phương Tây này không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới, nằm sát với Nga.
Nga thông qua “Học thuyết biển”
Trong một động thái nhằm củng cố và tăng cường vị thế chiến lược của nước này tại hàng loạt khu vực trên thế giới, ngày 26-7-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua "Học thuyết biển" sửa đổi gồm 4 hướng chức năng và 6 khu vực.
Theo đó, 4 hướng chức năng là hoạt động quân sự biển, vận tải biển, khoa học biển và khai thác khoáng sản; 6 khu vực bao gồm: Đại Tây dương, Bắc cực, Thái Bình dương, biển Caspi, Ấn Độ dương và Nam cực. Trong đó, "Học thuyết biển" sửa đổi đặc biệt chú trọng đến khu vực Đại Tây dương và Bắc cực, do việc NATO mở rộng về phía Đông và thiết lập cơ sở hạ tầng sát với biên giới Nga.
"Học thuyết biển" cũng đặt ra nhiều mục tiêu mới bao gồm: giảm các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Liên bang Nga và đảm bảo ổn định chiến lược tại khu vực Bắc cực, củng cố vị thế hàng đầu của Liên bang Nga trong việc nghiên cứu và khai thác các khu vực biển ở Bắc cực; hoàn thiện thành phần và cơ cấu lực lượng Hạm đội Biển Đen, phát triển cơ sở hạ tầng của lực lượng này tại Crimea và khu vực Krasnodar, củng cố các vị trí chiến lược tại Biển Đen, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đó còn là mục tiêu đảm bảo sự hiện diện đủ của Hải quân Nga tại Đại Tây dương; đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của Hải quân Nga trong khu vực Địa Trung hải; củng cố Hạm đội phương Bắc; Ưu tiên đóng tàu tại các xưởng đóng tàu quốc gia; Kiềm chế hoạt động của NATO gần biên giới Nga....
Trước đây, Liên bang Xô Viết (nước Nga hiện nay) một thời cũng từng là cường quốc hàng hải, với những chiến hạm tối tân và tàu phá băng nguyên tử tiên tiến bậc nhất thế giới. Liên Xô cũng đã từng phát triển và duy trì được lực lượng không quân hải quân mạnh, có khả năng tác chiến rất tốt ở nhiều khu vực.
Liên Xô tan rã đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của nước Nga với các vùng biển chiến lược như Baltic, Biển Bắc và Thái Bình Dương... Trên thực tế, 14 năm trở lại đây, Nga đã nỗ lực không ngừng nhằm lấy lại vai trò một cường quốc biển. Trong năm qua, nhịp độ đưa các tàu ngầm vào đội ngũ phục vụ quân sự đã tăng 50% so với năm 2013.
Một số nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự thay đổi chiến lược của hải quân Nga là do NATO liên tục đưa cơ sở hạ tầng quân sự tiến tới gần biên giới Nga. Đây được xem như một bước chuyển chính thức của Moskva nhằm thích ứng với chiến lược biển mới của Nga trong thời gian tới.
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, hơn 80 tàu hải quân thuộc nhiều lớp khác nhau đang làm nhiệm vụ tại nhiều vùng biển như Đại Tây dương, Địa Trung Hải và Vịnh Aden được coi là lực lượng nòng cốt trong chiến lược hải quân mới.
Như vậy, với "Học thuyết biển" mới, nước Nga đã không chỉ khởi động chiến lược mới nhằm thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập để giành thế chủ động trên các vùng nước "sống còn"; mà còn hướng tới một sức mạnh có tính toàn cầu mà Nga từng sở hữu với một định hướng lâu dài.
Phương Nam (tổng hợp)
Nguồn: TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất