05/09/2012 07:13 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - “Chúng tôi có lỗi là chắc chắn. Nhưng phần nào, sự việc đáng tiếc vừa rồi cũng đến từ việc lúng túng trong hướng giải quyết - khi mà lãnh đạo thành phố chưa... hết mình, chưa ưu tiên vốn trùng tu cho chùa Trăm Gian, trong khi chùa đã quá xuống cấp” - Lãnh đạo huyện Chương Mỹ chia sẻ như vậy trong cuộc họp kỷ luật diễn ra chiều qua (4/9) tại địa phương.
Trong cuộc họp này, các lý do: “quá tin tưởng vào nhà chùa”, “lỏng lẻo về phối hợp làm việc”, “nôn nóng chủ quan”... đã được những người tham dự nhắc tới rất nhiều. Gần như, toàn bộ các cá nhân và tập thể liên quan tới vụ việc (chính quyền xã, phòng văn hóa cấp huyện, chính quyền huyện....) đều được yêu cầu khẩn trương viết kiểm điểm và “nghiêm túc rút kinh nghiệm” - để từ đó, các đề xuất về mức kỷ luật sẽ được đưa ra và chờ UBND TP. Hà Nội thông qua trước 15/9.
Cuộc họp chiều kỷ luật tại Huyện Chương Mỹ, HN chiều 4/9.
1. Được biết, từ năm 2010, đề án trùng tu chùa Trăm Gian với tổng giá trị gần 14 tỉ đồng đã được Sở VH,TT&DL Hà Nội thông qua. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề, công việc này vẫn chưa được thực hiện cho tới giữa năm 2012 vừa rồi. Trong khi đó, theo lãnh đạo địa phương, di tích này đã xuống cấp vô cùng nghiêm trọng. Thậm chí, cách đây vài tháng, một xà gỗ trong chùa đã bung ra và rơi xuống nền nhà.
“Cái khó là quy chế quản lý hiện nay giao cho chúng tôi trách nhiệm bảo vệ chùa, trong khi việc sửa chữa lại do Sở VH,TT&DL Hà Nội làm chủ đầu tư. Phân cho địa phương quản lý nhưng lại không có biên chế cho bộ máy đi kèm, không có kinh phí hoạt động, điều đó giống như giao cho chúng tôi trách nhiệm mà lại không có điều kiện để hoạt động” - ông Vũ Văn Đông (Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ) cho biết.
Được biết, toàn bộ số tiền 5 tỷ đồng dành cho việc trùng tu chùa Trăm Gian vừa qua đều là nguồn vốn được sư trụ trì Thích Đàm Khoa huy động, trong đó một nửa là do bà đi vay, một nửa là do khách thập phương đóng góp. “Tôi thấy các chùa xung quanh (là di tích cấp thành phố - TT&VH) báo cáo chính quyền xong là sửa nên làm theo chứ có biết gì đâu” - Sư Thích Đàm Khoa (ảnh) khóc và nói trong cuộc họp. Theo nhận xét của lãnh đạo huyện, sự việc do bà tiến hành vừa qua được coi là “ có thiện ý, có mục đích tích cực nhưng làm sai vì không hiểu Luật Di sản”.
Nhà Tổ tại chùa Trăm Gian hiện vẫn "trùm chăn" chờ trùng tu lại
2. Trao đổi với TT&VH, bà Khoa cho biết: Hai hạng mục được trùng tu vừa qua (nhà Tổ và gác Khánh) chỉ là một phần trong tổng thể chùa Trăm Gian. Trong đó, nhà Tổ là nơi để thờ các sư trụ trì sau khi viên tịch, cũng như nơi đặt bình tro của những cá nhân có nguyện vọng hóa cốt và gửi lên chùa. “Khi xưa, thầy tôi trụ trì và từng cho cơi nới nhà Tổ nên bây giờ tôi mới làm theo. Nếu là nhà Tam Bảo thì không đời nào tôi dám động tới...”.
Về việc bị đánh giá là làm sai so với thiết kế “chuẩn”, bà Khoa nói: “Tôi bảo kíp thợ cứ theo cấu trúc nóc như gian chính mà làm. Đến khi báo chí nói mới biết mỗi gian lại phải có một...kiểu riêng”.
Theo chia sẻ của một số cán bộ địa phương, việc trùng tu chùa Trăm Gian lẽ ra sẽ rất hoàn hảo- nếu như sư trụ trì chuyển số vốn 5 tỉ đồng và đề nghị Sở VH,TT&DL thực hiện việc trùng tu theo thiết kế “chuẩn” đã được duyệt (Khi đó, số tiền này có thể được tạm coi như tiền được nhà chùa... ứng trước một phần trong điều kiện thiếu vốn đầu tư cho dự án). Tuy nhiên, chính vì sự thiếu phối hợp này nên sự cố đáng tiếc mới xảy ra
Rõ ràng, bên cạnh vấn đề phổ biến kiến thức về Luật Di sản, việc tìm một hướng phối hợp quản lý di tích có hiệu quả hơn cũng là vấn đề đang đặt ra cho ngành văn hóa. Được biết, UBND huyện Chương Mỹ cũng sẽ sớm có ý kiến đề nghị UBND Thành phố tìm mô hình phân cấp quản lý di tích cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Chùa Trăm gian đã nhiều lần bị “vá víu” Theo thông tin được cung cấp tại cuộc họp, mặc dù xây dựng từ thời Lý nhưng chùa Trăm Gian cho đến thời điểm này đã rất nhiều lần trải qua những đợt trùng tu và xây dựng lại trong suốt 9 thế kỷ. Đặc biệt, ít nhất một lần chùa đã bị quân Minh phá hủy hoàn toàn vào đầu thế kỷ XV. Gần đây nhất, vào các năm 1929 và 1939, chùa Trăm Gian cũng đã trải qua hai lần sửa chữa khá cơ bản, tiếp đó là một số lần sửa chữa vào các năm 1986, 1994 và 1997. Khi hạ giải, phía thi công đã phát hiện rất nhiều các cấu kiện bằng gỗ xoan, gỗ tạp được “vá víu” vào những thiết kế gỗ và mái của chùa. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất