Ngẫm ngợi cuối tuần: Khoảng sáng ngôn ngữ

27/10/2024 06:51 GMT+7 | Văn hoá

Có lần đi trên tàu hỏa, tôi được cầm trên tay một cuốn sách của bạn đường. Không nhớ đó là cuốn truyện hay thơ của cụ Tản Đà dày trăm trang nhưng nhẹ bẫng. Giấy màu ngà như kiểu giấy làm bằng rơm xốp. Người có cuốn sách bảo tôi đây là giấy bổi. Nghe thì cũng biết thế. Khi ấy tôi cũng chưa biết thắc mắc về tên giấy.

Những năm xa xưa đó, ở các hàng tạp hóa bên cạnh giấy bản còn có giấy bổi. Giấy bổi không dai như giấy bản, gặp nước mủn ngay. Giấy được gấp lại thành tệp nhỏ, mỗi tệp vài chục tờ, giá vài hào, người ở quê vẫn dùng giấy đó lót mông cho trẻ sơ sinh, dễ thấm nước bẩn khi chúng "tè", "ị". Thời ấy làm gì đã có bao bỉm như mấy chục năm nay.

Từ "bổi" tôi lại được nghe thêm từ mẹ khi mẹ mắng yêu chị gái, ăn mặc luộm thuộm: Trông cứ như con mẹ bổi.

Mẹ bổi không phải người xấu, mà là người dễ tính, ruột để ngoài da, tính tình xởi lởi, tốt bụng, xuề xòa trong ăn nói. Nói tóm lại mẹ bổi là thứ người xuất thân dân dã chứ không phải xuất thân từ nhà nền nếp, gia giáo hoặc quyền quý cao sang.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Khoảng sáng ngôn ngữ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Hôm mới đây, trên mạng xã hội tôi bất ngờ được đọc và xem tấm ảnh cất nhà mới và lợp nhà. Mái lợp không bằng ngói, bằng tôn mà như lợp rạ. Nhưng khi đọc phần giới thiệu thì ra là lợp bằng cỏ bổi. Thì ra bổi là tên một loại cỏ họ cói. Mái bổi bền được vài ba năm thì phải thay. Nó mềm như rạ.

Lúc này tôi mới biết thêm một loại cỏ được sử dụng rất nhiều trong đời sống nghe tên từ lâu mà chưa biết mặt mũi nó. Ngoại thất tuần mới biết tông tích "bổi" là gì. Thế đấy… Mới hiểu giấy bổi từ đâu và ngọn nguồn tên tuổi nó. Mẹ bổi đều có xuất xứ, từ cỏ bổi là danh từ, sang con người, bổi thành tính từ gợi tính cách người. Mà người ở đây là phụ nữ chứ không phải nam giới. Nó mang màu sắc bình dân và cách gọi "bổi" thì đúng với tính cách người như cỏ cây .

***

Nhân đó lại nhớ đến chuyện làm nhà, cũng mới hiểu hai chữ "thượng lương" là cái nóc nhà. Nhà xưa ba, hoặc năm gian, hai trái khi đặt nóc ghi năm tháng ngày dựng nhà, như kiểu "lạc khoản" trong bức tranh. Nhìn thượng lương viết rõ năm tháng, ngày giờ cất nóc ngôi nhà.

Có nhiều chữ là từ Hán Việt, có nhiều từ là việt cổ, nhưng do sự phát triển đời mới không dùng tới nữa nên nhiều người không biết và nhiều từ bị mòn mỏi dần theo thời gian rồi mất hẳn.

Tôi yêu ngôn ngữ Việt, những từ ngữ trước đây cha ông mình dùng còn từ nào, biết từ nào quý từ ấy, rất trân trọng. Nhưng hình như chỉ ai đọc sách nhiều mới quý chữ. Có những người thói quen đại khái, khi gặp từ lạ không gắng tìm hiểu, mà sổ toẹt ngay với lí lẽ chủ quan: Tôi chả thấy bao giờ, hoặc tôi chưa được nghe bao giờ!

Chưa thấy, chưa nghe không có nghĩa là không có. Đừng mang cái dốt của mình ra đo khi đọc sách.

Thế giới bao la, có phải cái gì ai cũng biết. Chỉ có học và tìm hiểu thường xuyên thì mới bước ra được khoảng sáng ngôn ngữ.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link