Ngẫm ngợi cuối tuần: Loạn mùi vị

25/05/2024 06:46 GMT+7 | Văn hoá

Hôm trước ngồi xem một clip về làm món nướng. Thấy nhiều người khen đầu bếp rối rít vì quá trình làm có đến chục công đoạn, mỗi công đoạn là một loại gia vị trộn vào. Tài quá! Nhưng tôi thì nghĩ, có gì mà khen, đó sẽ là món hổ lốn vì nó sẽ loạn mùi vị. Còn đâu hương thơm đặc trưng nữa.

Lẩu cũng dễ là món như vậy. Ăn no đầy bụng thế thôi.

Nghe một diễn văn dài, người soạn văn bản nêm đủ thứ cũng cho cảm giác hổ lốn, như nồi lẩu nguội và nhất là cảm nhận thấy cả món thiu trộn vào. Diễn văn mà người nghe không lĩnh hội được cái gì là chính, phụ, không nắm được điều mấu chốt thì đó là diễn văn không thành công.

Gia vị thì quý, nhưng dùng ở đâu, dung lượng bao nhiêu thì vừa, phải người sành sỏi mới nắm được. Ớt, hạt tiêu, mắc khén, ba thứ cay thơm, để riêng mỗi thứ có mùi vị riêng. Nay trộn lẫn nhau thì cuối cùng nó cho vị gì? Có những thứ trộn vào làm dậy mùi cho nhau, nhưng có thứ triệt tiêu nhau. Phải hiểu biết mà dùng mới đem lại hiệu quả.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Loạn mùi vị - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong nghề vẽ, có người đưa lên mặt vải xanh đỏ tím vàng - màu "cãi nhau" chí chóe như chợ vỡ trên tranh - xem chỉ thấy hoa mắt thì còn cho cảm xúc gì. Người ta gọi thế là tranh không có màu. Đó là sự loạn sắc của người không có thẩm mỹ cầm bút vẽ.

Tranh phải có gam màu. Gam màu nào làm chủ, còn màu khác chỉ là phụ họa. Khách, chủ phải rõ ràng, khách không được lấn át chủ. Trang trí trên nhiều sân khấu hay mắc lỗi này. Tiền nong rủng rỉnh sắm đủ thiết bị, dùng quá nhiều xanh đỏ tím vàng và đèn nhấp nháy làm cho loạn sắc, và cử tọa của chương trình hoặc ca sĩ mất hút trong sắc màu lấp loáng. Có những bài hát lạm dụng múa phụ họa, làm cho ca sĩ mất tiêu, tiết mục rồi cuối cùng không biết là hát hay múa, chính, phụ tranh nhau, phù dâu đẹp hơn cô dâu là hỏng!

Giàu có quá mà không biết bày biện sẽ thành trọc phú là thế. Cứ sắm được gì là đem ra bày, sợ người ta nghĩ mình nghèo. Rõ khổ!

                   ***

Khắc phục yếu điểm này về nghề vẽ, trong giáo án có bài vẽ hạn chế màu. Giảng viên cho vẽ chỉ dùng ba màu đen trắng và xanh hoặc nâu. Xanh thuộc hệ màu mát, nâu màu nóng để học sinh điều tiết sao cho vẽ ra được bức tranh. Vẽ tranh là làm món ăn cho thị giác. Màu sắc là phương tiện chuyển tải cảm xúc cho người xem. Không biết dùng màu gia giảm cho thuận mắt khác gì làm bếp không biết chế biến món ăn. Hỏi thế thì nấu nướng gì? Đầu bếp tài là đầu bếp biết tiết chế gia vị khi làm món để tạo ra món ăn giản dị mà ngon miệng.

Ở đời, khó khăn một tí sẽ nảy ra sáng tạo, thuận lợi quá nhiều khi lại hỏng việc.

Làm cỗ cũng vậy, trên mâm có các món canh, xào, rang, kho, hầm, luộc, nướng, hấp, nước chấm…, thì cũng phải chọn làm món cho hợp vị với nhau, món nọ tôn món kia lên. Mâm cỗ mà trộn lẫn hải sản và các loài trên cạn như trâu, bò, gà, lợn thì nhiều vẫn không ngon. Khi loạn cào cào vị giác thì bữa ăn sẽ kém hấp dẫn. Ăn xong có khi lại sợ.

 Loạn thì dẫn đến ly tán. Nó náo động đến cuộc sống hàng ngày với mỗi chúng ta. Nên sự cẩn trọng trong mọi việc và sự học hỏi nâng cao không bao giờ là thừa!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link