Ngẫm ngợi cuối tuần: Mắt sáng

13/10/2024 16:16 GMT+7 | Văn hoá

Chữ Braille cho người khiếm thị là những chấm nổi trên bề mặt giấy, gỗ hoặc các vật liệu khác. Người khiếm thị đọc bằng các đầu ngón tay. Người bình thường, dù có tinh mắt đến đâu thì cũng chỉ thấy những chấm tròn, còn người khiếm thị thì nhận ra ngay nội dung ngữ nghĩa.

Trong trường hợp này thì có phải người sáng mắt đã như bị "mù", còn người khiếm thị lại là người "sáng"? Mù hay không mù trên đời này chỉ là khái niệm tương đối. Muốn thoát mù theo nghĩa rộng (ví dụ mù chữ, mù ngoại ngữ, mù kiến thức…) thì phải học để biết thôi.

***

Bài thơ Hạt nảy mầm của Tô Hà trong sách giáo khoa, thật hay như thế (theo tôi) mà có cả đám đông xông vào chê bai, phê phán. Không chỉ phê phán hội đồng tuyển chọn, mà còn công kích cả nhà thơ về một từ mà họ cho là không hiểu.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Mắt sáng - Ảnh 1.

Bài ''Tiếng hạt nảy mầm'' được in trong sách Tiếng Việt 5 - Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Trang Umbalena

Vậy chúng ta hãy thử đọc lại một lần nữa nào: "Mắt sáng, nhìn lên bảng/ Lớp mươi nụ môi hồng/ Đôi tay cô cụp mở/ Báo tưng bừng thanh âm// Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi/ Các bé vẫn lặng chăm/ Nhìn theo cô mấp máy// Sau ngón tay cô đấy/ Là tiếng hạt nảy mầm/ Tiếng lá động trong vườn/ Tiếng sớm mai mẹ gọi"… (trích Tiếng hạt nảy mầm).

Có gì khó hiểu đâu nhỉ? Ở đây có lẽ là năng lực đọc, hiểu, hay năng lực thẩm mỹ của người tiếp nhận, và cũng có thể là quan điểm thẩm mỹ và quan điểm giáo dục của họ nữa. Người ta có thể không nhìn thấy những thứ rất rõ ràng.

***

Trở lại với chữ Braille, ở chiều hướng khác, ta cũng phải nói thẳng với nhau là không phải cứ có những dấu chấm nổi là thành chữ Braille. Thứ chữ nổi này là một hệ thống rất khoa học, có tính quy chuẩn cao, được Louis Braille sáng tạo từ năm 1821… Chữ nghĩa khi được sáng tạo ra có luật của nó. Chấm nhăng cuội thì thành vô nghĩa, sao thành chữ Braille được?!

Thơ cũng vậy, nhiều ông chỉ cố bắt vần từ ngữ tùy tiện, ra vẻ cao xa, bí ẩn thì cũng không thể thành thơ. Trường hợp này chỉ những người có năng lực thẩm thơ tinh tế, có con mắt "tinh đời" thì mới bóc tách ra được thật giả. Cho nên sự học vô biên là vậy. Muốn biết, phải học. Học không cùng mà có khi vẫn chưa biết hết mọi chuyện trên đời!

Không Tử nói rất chuẩn xác: "Không biết thì nói không biết, ấy là người biết vậy". Nên nói năng cần thận trọng, phê phán phải có nguồn gốc chứ đừng cảm tính.

Tranh trừu tượng cũng ví như chữ Braille. Người quen vẽ hiện thực thì trông vào chẳng thấy gì, nhưng người hiểu được, thấm được thì thích thú, vì họ đọc được cái hay của trừu tượng. Tất nhiên cũng có người giả trừu tượng. Những người đó sẽ cho ra những tranh loạn óc! Cho nên thấy tranh trừu tượng chưa hiểu thì ta nói chưa hiểu chứ đừng gật, lắc bừa bãi khi chưa hiểu hết. Chả ai bảo cái mình chưa biết là ngu dốt đâu. Mà phát ngôn bừa mới là kém hiểu biết.

Trên đời này đúng sai chỉ tương đối!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link