06/10/2017 13:02 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa đã đề cập trong số báo trước, khán giả và truyền thông được xếp vào 2 vị trí "tiền đạo" trong đội hình 1-5-3-2, thuộc Chương trình "Tầm nhìn châu Á" của AFC. Nhưng không chỉ khán giả mà cả truyền thông cũng đã và đang trở thành thứ "tiền đạo ảo" theo đúng nghĩa đen từ này!
Bởi, bóng đá cũng là sản phẩm kinh doanh, nếu không có đội ngũ truyền thông quảng bá nhằm lôi kéo khán giả đến sân, cầu nối để doanh nghiệp nhảy vào đầu tư, tài trợ... thì thử hỏi thứ hàng hóa ấy bán được cho ai?
Truyền thông ở đây cũng không phải là câu chuyện riêng của những người làm bóng đá kiểu "tự quảng cáo cho mình", mà theo định nghĩa từ AFC, còn là sự tập hợp sức mạnh truyền thông báo chí, truyền thông xã hội. Cũng từ định nghĩa này, có thể lý giải tại sao, truyền thông là "tiền đạo ảo" của bóng đá Việt Nam trong hơn cả thập kỷ qua, khi AFC ưu ái đưa tới "Tầm nhìn châu Á", cho một quốc gia mà họ rất nhiều kỳ vọng.
Sẽ là quá lời khi nói báo chí không được những nhà quản lý bóng đá quan tâm. Bằng chứ ư? Cứ dịp “lễ lạt” lại có những buổi gặp mặt, quà tặng khá là vui vẻ. Nhưng xin thưa, thứ mà những người làm báo thể thao, những "tiền đạo" được tấn phong thực sự cần là điều kiện để hành nghề. Nói thẳng ra là sự hợp tác thông tin theo hướng minh bạch, sòng phẳng, cùng phát triển, để kịp thời chuyển tải những thông tin chuẩn xác, đa chiều, góp phần xây dựng nền bóng đá quốc gia ngày càng khởi sắc.
Những điều tưởng chừng đơn giản này hóa ra lại khó. “Tiền đạo” đặc biệt này đôi khi còn bị xem là "phá hoại sản xuất", với các thông tin phản biện, chứ nói gì đến hợp tác, chia sẻ. Rồi trong suy nghĩ của không ít nhà quản lý - điều hành, đưa tin bóng đá là công việc "đương nhiên" của giới phóng viên, để "lấp trang, lấp sóng", nhận nhuận bút. Hoặc, có người còn "quái thủ" hơn khi biết cách tận dụng báo chí cho những mục đích riêng của mình.
Hệ quả của suy nghĩ, cách làm ấy là gì? Là không ít trang báo, chương trình "đen đặc" những thông tin tiêu cực, gây sốc, câu view... Còn trên mạng xã hội hình thành những phe, nhóm với những chiến dịch tương tác liên quan đến bóng đá mà mục đích có… trời mới hiểu. Cho nên, nhiều người nói vui: “bóng đá nào, phóng viên thể thao vậy”, cũng chẳng quá lời!
****
Vậy nên, rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi, chỉ thực sự hạnh phúc khi tham gia đưa tin, thậm chí lập công ty tổ chức các giải phong trào, nhằm mang đến niềm vui cho cộng đồng vốn khao khát thứ bóng đá cống hiến, tử tế. Giữa một bức tranh V-League đang ngày càng vắng khách, quá nhiều hạn chế, thì những giải phủi như Thiên Long, HPL…, đầy ắp người xem trên khán đài, như những ngọn lửa cho nghề viết lách đang quá cần cảm hứng.
Đến ông cựu Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi, hay Giám sát trọng tài lão làng Đoàn Phú Tấn còn tham dự trong vai trò “cố vấn” cho HPL, đủ hiểu bản thân họ cũng đang muốn sống dậy đam mê cho cái nghiệp lỡ mang vào thân.
Ngược lại, V-League đang bị biến thành thứ sân chơi của riêng những người quản lý, điều hành nó, cũng như cả các ông bầu đã, đang "đổ tiền, dốc bạc" vào đó chứ không phải của "thượng đế"- khán giả! Nghịch lý của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lúc này là sẽ... "chết ngay", nếu các ông bầu “rút ống thở”, chứ cần gì khán giả đến sân.
Mong sao, khi các giải đấu phong trào đang được nhân rộng ra toàn quốc, sẽ là “liều thuốc” giúp các nhà quản lý - điều hành bóng đá phản tỉnh, để quyết tâm tạo ra sản phẩm bóng đá chuyên nghiệp “xanh- sạch- đẹp” đúng nghĩa. Lúc đó, lo gì 2 "tiền đạo": Khán giả và Truyền thông- không cùng chung sức vì sự phát triển của nền bóng đá.
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất