09/12/2021 22:56 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hải Phòng thêm 235 ca, quận Hồng Bàng chiếm nhiều nhất
Thông tin từ ngành y tế thành phố Hải Phòng cho biết, ngày 09/12/2021 địa phương ghi nhận thêm 235 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố lên 1.932 ca.
Cụ thể, quận Hồng Bàng có số ca dương tính cao nhất với 55 trường hợp, chủ yếu là diện F1, các trường hợp lấy mẫu sàng lọc cộng đồng tại phường Sở Dầu.
Tại quận Lê Chân, trong ngày ghi nhận 31 ca là các trường hợp F1 liên quan tới ổ dịch chợ Sắt, KCN VSIP, các mẫu sàng lọc cộng đồng, sàng lọc trong hệ thống y tế.
Tại quận Ngô Quyền, tiếp tục ghi nhận thêm 30 ca chủ yếu là diện F1 của ổ dịch chợ Sắt, KCN VSIP và F1 của các trường hợp F0 trước đó tại địa bàn, các mẫu sàng lọc cộng đồng, sàng lọc từ nhân viên y tế.
Trong ngày, huyện Thủy Nguyên ghi nhận 27 ca là các trường hợp sàng lọc tại công ty Regina KCN VSIP và các F1.
Tại Tiên Lãng hôm nay ghi nhận 23 trường hợp là diện F1, các mẫu sàng lọc tại cộng đồng.
Quận Đồ Sơn và Hải An cùng ngày đều ghi nhận 13 ca dương tính mới, đều là diện F1 có liên quan tới các F0 trước đó.
Huyện An Dương cũng ghi nhận thêm 11 ca, quận Dương Kinh 8 ca, huyện An Lão 7 ca, huyện Vĩnh Bảo 6 ca, huyện Cát Hải 5 ca, quận Kiến An 3 ca, huyện Kiến Thụy 3 ca, chủ yếu là F1 và sàng lọc tại bệnh viện.
Thông tin về trường hợp tử vong sau 7 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Quảng Trị
Chiều 9/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị xác nhận có một trường hợp học sinh tử vong sau 7 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trường hợp tử vong là em N.T.N.N. (17 tuổi), học sinh lớp 12, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thận (huyện Triệu Phong). Nữ sinh này tiêm vaccine phòng COVID-19 vào chiều 2/12, tại Trạm Y tế xã Triệu Đại (Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong). Loại vaccine phòng COVID-19 em N. tiêm là Pfizer-BioNTech có hạn sử dụng đến tháng 2/2022.
Sau khi tiêm vaccine khoảng 25 phút, em N. có biểu hiện choáng, sốc phản vệ, mạch và huyết áp tụt. Ngay lập tức, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong đã tiến hành xử lý theo hướng sốc phản vệ. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của em N. không cải thiện nên đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Trên đường đi, em N. có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở.
Em N. được đưa đến phòng cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị ngay trong chiều 2/12. Tại đây, em được điều trị hồi sức tim phổi, chuyển hồi sức tích cực chống độc. Quá trình điều trị, em N. bị rối loạn đông máu. Bệnh viện đã huy động các y, bác sĩ, cán bộ và người dân đến hiến máu cho em. Đến ngày thứ 7 sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, em N. tử vong vào lúc 13 giờ ngày 9/12.
Ông Võ Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong cho biết: Đơn vị thực hiện tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Trong quá trình khám sàng lọc, em N.T.N.N. và gia đình có thông báo về việc em N. có tiền sử dị ứng với một số loại thuốc kháng sinh. Khi biết được thông tin trên, bác sĩ đã khuyên gia đình nên cân nhắc trước khi tiêm, đồng thời khuyến cáo nếu gia đình muốn tiêm vaccine cho em nên đưa lên tuyến huyện (Bệnh viện huyện Triệu Phong) để tiêm. Tuy nhiên, mẹ em N. đề nghị tiêm ngay cho em tại Trạm Y tế xã Triệu Đại. Đối với trường hợp này, trong khuyến cáo của Bộ Y tế không chống chỉ định tiêm, do vậy, các bác sĩ đã tiêm cho em theo đúng nguyện vọng của gia đình. Sau khi tiêm, em có biểu hiện sốc phản vệ…
Có 15.311 ca mắc COVID-19, riêng Hà Nội 822 trường hợp, tăng 426 ca so với hôm qua
Bản tin dịch COVID-19 ngày 9/12 của Bộ Y tế cho biết có 15.311 ca mắc COVID-19 tại 61 tỉnh, thành phố, riêng Hà Nội 822 ca- tăng 426 ca so với hôm qua; trong ngày có 14.568 ca khỏi; 256 trường hợp tử vong.
Thông tin về ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 08/12 đến 16h ngày 09/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.311 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 15.300 ca ghi nhận trong nước (tăng 705 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.843 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP HCM (1.453), Tây Ninh (895), Hà Nội (822), Sóc Trăng (789), Đồng Tháp (730), Cà Mau (720), Cần Thơ (670), Bình Phước (631), Bà Rịa - Vũng Tàu (576), Vĩnh Long (568), Tiền Giang (568), Bến Tre (517), Đồng Nai (501), Khánh Hòa (494), Bình Dương (489), Bạc Liêu (427), Bình Định (345), Đắk Lắk (317), Kiên Giang (314), An Giang (300), Trà Vinh (295), Hậu Giang (275), Bình Thuận (249), Lâm Đồng (210), Gia Lai (187), Đà Nẵng (180), Bắc Ninh (154), Thừa Thiên Huế (150), Thanh Hóa (142), Nghệ An (139), Quảng Nam (118), Quảng Bình (114), Phú Yên (106), Ninh Thuận (89), Long An (79), Hà Giang (66), Thái Bình (64), Hải Phòng (58), Đắk Nông (54), Lạng Sơn (49), Vĩnh Phúc (49), Nam Định (49), Hưng Yên (44), Ninh Bình (32), Hà Tĩnh (28), Quảng Ninh (28), Thái Nguyên (28), Hòa Bình (21), Quảng Ngãi (21), Bắc Giang (20), Kon Tum (15), Yên Bái (14), Phú Thọ (14), Tuyên Quang (9), Điện Biên (6), Lào Cai (5), Hà Nam (4), Bắc Kạn (3), Sơn La (3), Quảng Trị (2), Cao Bằng (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-223), Hải Phòng (-207), Trà Vinh (-148).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+426), Tiền Giang (+261), Cà Mau (+209).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 14.322 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.367.433 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.869 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.362.111 ca, trong đó có 1.048.162 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (483.376), Bình Dương (286.078), Đồng Nai (91.056), Long An (39.039), Tây Ninh (35.980).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.586 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.050.979 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.697 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.272 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.302 ca
- Thở máy không xâm lấn: 285 ca
- Thở máy xâm lấn: 823 ca
- ECMO: 15 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 08/12 đến 17h30 ngày 09/12 ghi nhận 256 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (76) trong đó có 12 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), Đồng Nai (1),Lâm Đồng (1), Long An (2), Phú Yên (2), Tây Ninh (3), Tiền Giang (1), Thanh Hóa (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (37 ca tử vong trong 02 ngày 08-09/12/2021), Tây Ninh (16), Bình Dương (16), Đồng Nai (13), Tiền Giang (11), Kiên Giang (11), Đồng Tháp (17 ca tử vong trong 02 ngày 08-09/12/2021), Cần Thơ (10), Vĩnh Long (8 ), Long An (6), Bình Thuận (5), Bến Tre (5), Sóc Trăng (5), Đắk Lắk (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Hậu Giang (3), Bạc Liêu (2), Hà Nội (1), Bắc Ninh (1), Bình Định (1), Ninh Thuận (1), Hải Phòng (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 218 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.688 xét nghiệm cho 264.323 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 08/12 có 662.110 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 129.965.296 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.039.917 liều, tiêm mũi 2 là 55.925.379 liều.
30/30 quận huyện của Hà Nội đều có ca nhiễm mới, 222 ca cộng đồng
Sở Y tế Hà Nội tối 9/12 cho biết trong 24 giờ qua TP ghi nhận 704 ca COVID-19 trong đó có 222 ca cộng đồng, khu cách ly (419), khu phong tỏa (63).
704 bệnh nhân tại 215 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện: Đống Đa (95); Thanh Trì (50); Tây Hồ (49); Gia Lâm (48); Đông Anh (42); Bắc Từ Liêm (39); Hoàn Kiếm (38); Hai Bà Trưng (36); Thanh Xuân (33); Hà Đông (26); Nam Từ Liêm, Hoàng Mai (23); Cầu Giấy (21); Quốc Oai (20); Gia Lâm (17); Mê Linh, Sóc Sơn (15); Chương Mỹ (14); Đan Phượng (13); Ba Vì, Phúc Thọ (12); Ba Đình, Thường Tín(11); Thanh Oai, Mỹ Đức (9); Thạch Thất (8); Phú Xuyên (6); Hoài Đức (5); Ứng Hòa, Long Biên (2)
222 ca cộng đồng phân bố tại 108 xã phường thuộc 30/30 quận huyện: Đống Đa (34); Hoàn Kiếm (29); Hoàng Mai (17); Bắc Từ Liêm (16); Thanh Xuân (13); Hà Đông (12); Hai Bà Trưng (11); Thanh Oai, Cầu Giấy, Đông Anh (8); Thanh Trì (7); Thạch Thất, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ (6); Thường Tín, Phú Xuyên (5); Tây Hồ, Gia Lâm, Quốc Oai (4); Chương Mỹ, Ba Đình, Sóc Sơn (3); Gia Lâm, Đan Phượng, Mỹ Đức (2); Ứng Hòa, Ba Vì, Hoài Đức, Long Biên (1)
Đến nay, Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19 cho gần 90% trẻ em từ 12-17 tuổi. Với người trên 18 tuổi, tính tới hết ngày 8/12, có hơn 6,16 triệu người ở Hà Nội đã tiêm mũi 1 (đạt 94,3 % dân số trên 18 tuổi); trong đó hơn 5,57 triệu người tiêm đủ 2 mũi (đạt 85,2 % dân số trên 18 tuổi). 84% người trên 50 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Bến Tre: Thêm 501 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Từ 18 giờ ngày 8/12 đến 11 giờ ngày 9/12/2021, tỉnh có 509 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 13.074 ca. Trong đó, có 5.648 ca ra viện, 72 ca tử vong.
Trong số ca mắc mới, có 501 ca ghi nhận tại cộng đồng trong tỉnh, 2 ca trong khu cách ly, 6 ca ngoài tỉnh.
Tính đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của Bến Tre đạt 96,60 %, trong đó 81,10% dân số tiêm đủ 2 mũi. Riêng đối tượng từ 12-17 tuổi đạt 93,87% kế hoạch.
Hải Phòng phát hiện 8 cô gái ở Đồ Sơn làm nghề tự do dương tính SARS-CoV-2
Thông tin từ BCĐ phòng chống dịch quận Đồ Sơn, Hải Phòng vừa cho biết, trên địa bàn mới ghi nhận thêm 8 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, là người địa phương khác đến sinh sống, thuê trọ tại tổ dân phố Trung Nghĩa 2, phường Hợp Đức, Đồ Sơn. Chùm ca mắc này đều là F1 của một trường hợp được ghi nhận trước đó, họ ở cùng khu trọ và chưa tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 nào.
Theo dịch tễ cho thấy, khoảng 10 ngày nay (từ 1/12-9/12/2021), nhóm 8 cô gái (làm nghề tự do) đã bị ngừng việc khi xuất hiện ổ dịch gần khu vực. Lịch trình di chuyển của 8 cô gái chủ yếu là đi ăn lẩu ở đường Trung Nghĩa gần khu trọ, đến nhà bạn ở Thọ Linh, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy chơi. Ngày 3 và 4/12/2021 khi thấy một số bạn cùng nhà trọ có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, nhóm cô gái này đã ghé một số hiệu thuốc gần khu vực mua que test COVID-19.
Tối ngày 8/12, khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR của CDC Hải Phòng khẳng định cả 8 F1 đều dương tính SARS-CoV-2, chính quyền quận Đồ Sơn đã đề xuất chuyển các F0 này tới khu cách ly, điều trị tập trung; đồng thời phối hợp TTYT quận Đồ Sơn tổ chức phong tỏa các hộ gia đình F0, khu vực nơi các F0 đã đến, phun khử khuẩn và mở rộng truy vết các F1, F2 liên quan.
Thái Bình ghi nhận 60 ca F0, ngành y tế triển khai thu dung, điều trị bệnh nhân tại các huyện
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, trong số 40 ca mắc mới, địa phương ghi nhận nhiều ca cộng đồng nhất là huyện Đông Hưng với 23 ca đều ở xã Đông La, tiếp đến là TP. Thái Bình 12 ca; huyện Quỳnh Phụ 04 ca; xã Việt Hùng (Vũ Thư) 01 ca.
Như vậy, số bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch từ 13/10 đến nay là 1.468 bệnh nhân (đợt cao điểm từ 10/11/2021 đến 07h00 ngày 09/12 là 1.408 bệnh nhân, trong đó 1.060 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 11 bệnh nhân chuyển viện và 337 còn điều trị).
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, chưa bao giờ số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Bình cao như thời điểm gần 1 tháng qua, trong đó có ngày số ca mắc mới lên tới hơn 140 ca. Số ca mắc tăng, áp lực điều trị, gánh nặng đặt lên vai đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế càng lớn. Song, vượt lên khó khăn, đội ngũ cán bộ y tế đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác điều trị. Số bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện mỗi ngày cao hơn số bệnh nhân mắc mới.
Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, trong đợt dịch cao điểm diễn ra gần 1 tháng, tỉnh Thái Bình ghi nhận trên 1.400 F0 nhưng số trường hợp được công bố khỏi bệnh cũng rất lớn, đến nay đã lên tới hơn gần 1.000 người. Đây là tín hiệu đáng mừng góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế đảm nhận thu dung, điều trị bệnh nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình Hà Trung Kiên cho biết: "Đa phần bệnh nhân sử dụng thuốc Molnupiravir có kết quả đáp ứng điều trị tốt, rút ngắn được quá trình điều trị, giảm kinh phí điều trị và người bệnh sớm được ra viện. Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng được chỉ định dùng Remdesivir cũng có kết quả đáp ứng điều trị tốt. Các bệnh nhân sử dụng thuốc Đông y qua theo dõi đã giảm triệu chứng ho".
Cùng với việc điều trị, các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng và tâm lý của bệnh nhân; thường xuyên động viên bệnh nhân yên tâm điều trị để sớm được xuất viện.
Căn cứ tình hình thực tế, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" nhằm giảm chi phí điều trị và để người bệnh được chăm sóc y tế sớm, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã đề xuất việc triển khai thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các huyện với quy mô mỗi huyện, thành phố từ 300 - 500 người. Thời gian các huyện bắt đầu thu dung, điều trị dự kiến từ ngày mai (10/12). Khi số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng sẽ vận hành các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, đồng thời tổ chức điều trị người bệnh nhẹ, không triệu chứng tại nhà và vận hành hoạt động các trạm y tế lưu động.
Về công tác tiêm chủng, theo đại diện Sở Y tế tỉnh Thái Bình, mục tiêu đặt ra từ nay đến hết quý I năm 2022, Thái Bình sẽ phủ xanh 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vaccine, và tiếp tục phấn đấu để người dân được tiêm mũi 3 nhằm tăng mức độ bảo vệ của vaccine với cộng đồng.
Yên Bái ghi nhận 222 trường hợp dương tính, có 55 ca cộng đồng
Sáng 9/12, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID 19 tỉnh Yên Bái cho biết, địa phương này vừa ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính tại khu cách ly tập trung.
Trong ngày hôm qua (8/12), tỉnh Yên Bái cũng phát hiện nhiều trường hợp F1 liên quan đến các chùm ca cộng đồng có kết quả xét nghiệm dương tính.
Luỹ kế từ khi phát hiện trường hợp dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng ngày 27/11, đến sáng 9/12, tỉnh Yên Bái ghi nhận 222 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 55 ca cộng đồng.
Hiện 1.896 trường hợp F1 đang được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định (trong đó 195 trường hợp từ F1 chuyển thành F0).
F0 nặng tăng trở lại, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM nâng lên 500 giường
Báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, trước thực tế lượng F0 nặng gia tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 bắt buộc phải mở rộng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là bài toán nhân lực.
BS CK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, trong khoảng 10 ngày gần đây, số lượng F0 lẫn số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại TP.HCM đã gia tăng trở lại.
Trước tình hình đó, TP.HCM đã triển khai phân chia các cụm để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo sự phân chia này, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách sẽ là trung tâm hồi sức ở tầng 3 của cụm 1, gồm TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh và Quận 4. Hiện tại, mỗi ngày nhu cầu chuyển bệnh nặng lên tầng 3 tại của cụm là khoảng từ 30-35 bệnh nhân.
Tuy nhiên, trước đây, khi tình dịch bệnh tại TP.HCM tạm lắng xuống, lực lượng y bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc chi viện cho TP.HCM đã rút về. Và từ đầu tháng 11/2021, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã thu hẹp phạm vi hoạt động, chỉ còn khoảng 150 giường bệnh. Đội ngũ nhân lực chủ yếu ở đây vẫn là các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115…
Trước thực tế lượng bệnh nhân nặng gia tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 bắt buộc phải mở rộng hoạt động trở lại.
Vào ngày 5/12/2021, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã đưa vào hoạt động trở lại khoa 2B, với đội ngũ nhân lực là các y bác sĩ hiện có ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, cùng 20 bác sĩ, 30 điều dưỡng của Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Ung bướu được Sở Y tế TP.HCM điều động chi viện.
Ths.BS Phạm Minh Huy, Trưởng khoa 2B, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, khoa mới mởi lại cách đây 3 ngày trước tình trạng quá tải bệnh nhân COVID-19 ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức và Quận 4. Hiện khoa có 25 bác sĩ và 48 điều dưỡng. Trước đây bệnh nhân trẻ tuổi có thể tự sinh hoạt, ăn uống, đi lại, giờ bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền trong khi không còn lực lượng tình nguyện viên tôn giáo hỗ trợ nên nhân viên y tế phải chăm sóc nhiều hơn.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là bài toán nhân lực. Bởi hiện tại, đội ngũ nhân viên y tế của TP.HCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như chi viện cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tăng cường cho các tuyến y tế cơ sở…
"Chúng tôi đang đề xuất tăng cường lực lượng để trong một tuần nữa Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có thể nâng lên ít nhất là 300 giường bệnh và dự kiến thời gian tới sẽ là 500 giường bệnh. Lúc đó, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mới có thể đảm bảo tiếp nhận người bệnh vào đúng tầng điều trị của mình, qua đó giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.
F0 vẫn "leo thang", nhiều tỉnh ở miền Tây quyết liệt rà soát, thống kê các trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19
Ngày 8/12, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 725 ca mắc COVID-19, tăng 28 ca so với hôm qua, trong đó có 271 ca trong cộng đồng; có 7 ca tử vong trong ngày.
Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo việc rà soát, thống kê các trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn (là các trường hợp chưa tiêm có nhiều bệnh lý nền, người hoãn tiêm, người không thể đi đến điểm tiêm chủng, trường hợp F0 sau điều trị).
Tính đến ngày 8/12, tỉnh đã tiêm được 2.244.693 liều vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó tiêm mũi 1 đạt 98,87% dân số tỉnh; tiêm mũi 2 đạt 81,4% dân số tỉnh. Người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm được 148.350 liều vaccine, trong đó mũi 1 đạt 87,58% dân số tỉnh; mũi 2 đạt 4,86% dân số tỉnh.
TP Cần Thơ ghi nhận 875 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng số ca mắc lên 34.882 ca, đã điều trị khỏi 16.683 người; tổng số ca tử vong là 261.
Bến Tre ghi nhận thêm 702 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 694 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 12.565, ca điều trị khỏi 5.678; Số ca tử vong cộng dồn 72.
Vĩnh Long ghi nhận 525 ca mắc COVID-19, trong đó 259 ca cộng đồng.
Cà Mau ghi nhận thêm 511 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 279 trường hợp tại cộng đồng.
Sóc Trăng có 466 ca mắc COVID-19, trong đó có 324 ca cộng đồng; tổng số tử vong là 139 ca.
Bạc Liêu có 438 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó 215 ca cộng đồng; tổng số tử vong lên 148 trường hợp.
Trà Vinh ghi nhận 433 ca mắc, trong đó 307 ca cộng đồng. Ca mắc cộng dồn 10.409 trường hợp, đã điều trị khỏi 3.538 trường hợp, có 60 trường hợp tử.
Kiên Giang có 314 ca mắc COVID-19, trong đó 115 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 23.170, ca điều trị khỏi 19.674.
Tiền Giang có 307 ca F0, trong đó 34 ca cộng đồng, 273 ca trong khu cách ly; tổng số trường hợp tử vong là 622 ca.
An Giang ghi nhận 300 trường hợp mắc COVID-19, điều trị khỏi bệnh 870 trường hợp; lũy kế bệnh nhân tử vong là 545 ca.
Bao phủ vaccine và thực hiện 5K để phòng, chống COVID-19 trước biến thể mới
Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 7/12 đến 16 giờ ngày 8/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.599 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 14.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố; có 8.322 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (341 ca), Cần Thơ (222 ca), Bình Dương (190 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (510 ca), Bến Tre (299 ca), Kiên Giang (193 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.777 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.352.122 ca mắc, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.714 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.346.811 ca, trong đó có 1.033.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 24.737 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.036.393 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.506 ca.
Ngày 8/12 ghi nhận 230 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 204 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.930 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bộ Y tế đã có Quyết định 5619/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng".
Hướng dẫn này áp dụng đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng (bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống), cửa hàng tiện lợi/cửa hàng tiện ích sau đây gọi chung là khu dịch vụ. Theo hướng dẫn, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng...phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 cụ thể.
Khen thưởng cá nhân, tập thể xuất sắc trong phòng, chống COVID-19
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký các quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 79 tập thể và 101 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 14 cá nhân thuộc Bộ Công an; 1 cá nhân thuộc Bệnh viện Bưu điện, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; 79 tập thể và 86 cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng
Ngày 8/12, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 327/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về vaccine, thuốc điều trị COVID-19.Trước diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá kỹ lưỡng toàn diện, triển khai căn bản, khoa học, kịp thời, hiệu quả hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát lại quy trình vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, đánh giá chính xác, khách quan, khoa học các sự cố xảy ra để truyền thông kịp thời, đúng bản chất; kiến nghị rút kinh nghiệm và xử lý nếu có sai phạm.
Bộ Y tế cũng đã khẳng định số lượng vaccine mua, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, đã cam kết trong năm 2021 đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa phải xem xét tiếp việc xin, mua thêm. Các trường hợp tài trợ miễn phí hoặc cho, tặng vaccine vẫn tiếp tục được khuyến khích, ghi nhận, hoan nghênh.
Nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể Omicron vào nước ta là rất lớn
Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng này đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, được các chuyên gia nhận định "có nhiều đột biến hơn tất cả các biến thể trước đó". Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: ính đến ngày 5/12/2021, có 45 quốc gia tại tất cả 6 khu vực của WHO, báo cáo sự xuất hiện của biến thể này. "Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều quốc gia phát hiện biến thể này khi tăng cường giám sát và phân tích", Tiến sỹ Kidong Park cho biết; đồng thời nhấn mạnh một số thông tin đã biết của biến thể và những điều chưa biết đang được điều tra.
Theo đó, về khả năng lây truyền vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền lớn hơn Delta (biến thể chiếm ưu thế) hay không và sẽ mất thêm thời gian để biết về điều này.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh, vẫn chưa rõ liệu mắc bệnh với Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng, biến thể này có thể gây ra bệnh nhẹ hơn, tuy nhiên, hiện tại còn quá sớm để nhận định bất cứ điều gì.
Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao ở tất cả các nhóm đủ điều kiện tiêm; kết hợp với biện pháp 5K - phương pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch này. "Điều quan trọng là, tất cả các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, phải được tiêm đủ hai mũi", Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.
Trong ngày 7/12 có 861.193 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 129.408.202 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.899.767 liều, tiêm mũi 2 là 55.508.435 liều.
Tăng cường giường ICU dành cho bệnh nhân nặng
Những tuần gần đây, số ca mắc mới gia tăng ở hầu khắp các địa phương miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội (hiện có khoảng gần 70 bệnh nhân của Hà Nội chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Nhu cầu chuyển bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương rất lớn. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là cơ sở điều trị COVID-19 tuyến cuối, chuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Tính đến ngày 8/12, cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19, trong số này có hơn 100 bệnh nhân phải can thiệp oxy trở lên (đánh giá là mức độ nặng trở lên).
Hiện khoa Cấp cứu bệnh viện đang điều trị cho gần 80 ca F0 ở mức độ nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu... Mỗi ngày, có thêm khoảng 10 bệnh nhân diễn biến nặng, phải hỗ trợ hô hấp với oxy liều cao (HFNC).
Theo các bác sĩ, phần lớn bệnh nhân diễn biến nặng tại khoa đều chưa hoặc mới tiêm một mũi vaccine COVID-19. Những tuần gần đây, khi số mắc tại miền Bắc tăng cao, số bệnh nhân vào khoa Cấp cứu cũng tăng lên.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường, Bệnh viện đang lắp đặt thêm các đầu cung cấp oxy, bổ sung trang thiết bị cho toàn bộ giường bệnh tại tất cả các khoa, phòng. Việc lắp đặt được tiến hành theo từng nửa khoa phòng, hình thức cuốn chiếu. Đến nay, đã hoàn thành trên 50% tiến độ chuyển đổi công năng.
Ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, khu vực miền Bắc còn có các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 lập 1.000 giường ICU; Việt Đức cơ sở 2, Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 mỗi nơi 500 giường; Phổi Trung ương 200 giường. Việc các bệnh viện chuyển đổi công năng thành trung tâm ICU nằm trong đề án thành lập 12 trung tâm ICU COVID-19 ở ba miền Bắc, Trung, Nam…
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất