16/11/2014 07:53 GMT+7 | Di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Việc phối hợp với tỉnh Bắc Giang để bổ sung diện tích Tây Yên Tử vào hồ sơ trình UNESCO được coi là một bước đi đặc biệt quan trọng của Quảng Ninh trong việc tìm kiếm danh hiệu cấp thế giới cho di sản này.
1. Trước đó, từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã lên ý tưởng lập hồ sơ đưa danh thắng Yên Tử "ứng thí" trước UNESCO. Với sự tư vấn của các cơ quan chuyên ngành, phần diện tích trong hồ sơ lên tới hàng ngàn ha, bao gồm khu vực chính là danh thắng Yên Tử (Uông Bí) và phần mở rộng là cụm lăng mộ Nguyên Lăng, Phụ Sơn Lăng... của các vua Trần tại An Sinh (Đông Triều). Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Quảng Ninh cần phối hợp với các tỉnh Hải Dương và Bắc Giang để tiếp tục mở rộng diện tích lập hồ sơ, qua đó tăng thêm sức nặng cho danh thắng Yên Tử.
Trong bối cảnh tỉnh Hải Dương không thể tham gia vì nhiều lý do, đại diện các tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đã có buổi làm việc vào cuối tháng 10 vừa qua để thông qua dự thảo kế hoạch xây dựng hồ sơ cho quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Theo kế hoạch giữa 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, bộ hồ sơ này sẽ được khẩn trương xây dựng để có thể hoàn thiện vào tháng 9/2015, sau đó tiếp tục chỉnh sửa và nộp lên UNESCO trong năm 2016 (kết quả cuối cùng sẽ có vào 2017). Được biết, ở thời điểm hiện tại, website chính của UNESCO cũng đã đưa tên Yên Tử vào danh mục các di sản dự kiến sẽ được nộp hồ sơ trong giai đoạn tới.
Nhìn từ đỉnh danh thắng Yên Tử"Việc Quảng Ninh và Bắc Giang không giữ tâm lý cục bộ và cùng lên kế hoạch lập hồ sơ là một tư duy cần được ủng hộ trong giai đoạn UNESCO đang xiết chặt những tiêu chí xét danh hiệu Di sản Thế giới như hiện nay"- một chuyên gia của Ủy ban UNESCO Việt Nam cho biết. Như vậy, nhiều khả năng, Yên Tử sẽ là bộ hồ sơ "liên tỉnh" đầu tiên của Việt Nam được đệ trình lên UNESCO. Trước đó, một số ý tưởng phối hợp xây dựng hồ sơ di sản cũng từng được đưa ra như cụm danh thắng hang Con Moong và rừng Cúc Phương (Ninh Bình và Hòa Bình) hay di tích Óc Eo ( một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) nhưng đều chưa thành hiện thực.
2. Theo phân tích chung của các chuyên gia, cụm di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang) vốn ít được biết tới nhưng lại có sự gắn bó không thể tách rời với phần danh thắng Yên Tử tại Uông Bí. Rộng hơn 100 km2, trải dài từ huyện Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến huyện Yên Dũng, cụm di tích nói trên bao gồm nhiều thảm thực vật và đặc biệt là hàng loạt kiến trúc, chùa chiền ghi đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý - Trần.
"Giá trị xuyên thời gian và có tính chất quốc tế của cụm di tích Yên Tử chính là dòng thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng tạo. Cần nhớ, dấu ấn từ sự ảnh hưởng, giao thoa với văn hóa khu vực là một trong những tiêu chí rất quan trọng mà UNESCO yêu cầu ở các Di sản Thế giới" – PGS Nguyễn Văn Huy (Hội đồng Di sản Quốc gia) – cho biết. "Việc từng nhận danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới cho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chính là một minh chứng cho sức nặng từ Bắc Giang đối với khu vực danh thắng này".
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất