Ngày đại dịch, đọc lại thư tình viết tay của Beethoven, Goethe…

07/04/2020 07:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch Covid-19 là thời điểm đầy thách thức đối với nhiều cặp đôi xa nhau, khi họ phải sống trong các khu vực bị cách ly hoặc hạn chế đi lại để phòng dịch. Nhưng, họ hẳn sẽ được an ủi khi nhìn lại cách mà người ta chỉ có thể trao nhau lời yêu thương qua những dòng thư viết tay, trong thời điểm thế giới chưa thể kết nối các cặp đôi bằng internet và mạng xã hội như bây giờ.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước từ các cơ quan chức năng.

Những bức thư tình cũ ở đây là của các danh nhân văn hóa như Beethoven, Goethe... Họ gửi những dòng thư đầy mãnh liệt khi phải sống xa người yêu.

Đam mê như Beethoven

Nếu có một điều không thay đổi qua nhiều thế kỷ, đó là việc khi yêu, người ta chỉ muốn một điều duy nhất là được ở bên người yêu của mình. Ngày xưa, người ta thường viết những bức thư tình say đắm cho nhau. Ngày nay, mọi thứ có thể ít lãng mạn hơn. Thậm chí, đối với một số người, chỉ cần viết “ILY” (Anh yêu em) là đủ để gửi biểu tượng cảm xúc hình trái tim trên WhatsApp (ứng dụng nhắn tin đa nền tảng).

Nhưng với Beethoven, ông không chỉ bất tử hóa âm nhạc của mình trên giấy mà còn viết những bức thư chứa đựng những từ ngữ đầy đam mê, có thể khiến trái tim của bất kỳ người phụ nữ nào đập nhanh hơn.

Trong bức thư viết cho “Người tình bất tử” (người vẫn là một bí ẩn cho đến nay), hồi năm 1812, nhà soạn nhạc Đức vĩ đại này viết: “Thật là một cuộc sống đặc biệt. Không có em. Anh cứ đi lang thang mãi từ khoảng cách xa xôi ấy, cho đến khi có thể bay vào vòng tay em”.

Chú thích ảnh
Nhà soạn nhạc vĩ đại Đức Beethoven...

Tất nhiên, không giống như những người yêu nhau ngày nay, Beethoven phải kiên nhẫn và chờ đợi sự hồi đáp của người tình. Nhiều khi, có thể mất nhiều ngày để một lá thư đến được người nhận. Nhà soạn nhạc đã viết rằng ông đã khóc khi tưởng tượng rằng người phụ nữ yêu mến của mình sẽ nhận được thư.

Trong thế kỷ 18 và 19, các bức thư tình được gọi là “những cuộc thăm hỏi tâm hồn”. Phải thừa nhận rằng, Beethoven là người yêu nhiều và đã có “cuộc thăm hỏi tâm hồn” tới nhiều phụ nữ. Theo người bạn thời thơ ấu của ông, Franz Gerhard Wegeler, “nhà soạn nhạc luôn luôn yêu”. Tuy nhiên, điều đó dường như không làm ảnh hưởng đến chất thơ trong những lá thư của ông.

Chú thích ảnh
...và những dòng thư tay đầy đam mê gửi “người tình bất tử”

Goethe lãng mạn, Voltaire tha thiết

Nhà thơ nổi tiếng người Đức, Johann Wolfgang von Goethe, cũng là người yêu rất say đắm. Chỉ riêng với Charlotte von Stein, nhà thơ đã viết khoảng 1.700 lá thư và “những mẩu giấy”. Charlotte von Stein là một thị nữ (theo hầu hoàng hậu) tại triều đình ở Weimar và hơn nhà thơ 7 tuổi.

Trong một lá thư gửi Charlotte von Stein, Goethe viết: “Tâm hồn anh đang tràn ngập những lời ngọt ngào mà anh muốn dành cho em. Đó là tất cả những gì anh muốn, thậm chí việc đôi môi em đọc những điều ngọt ngào nhất cũng đang lặng lẽ xâm chiếm tâm hồn anh”.

Chú thích ảnh
Đại thi hào Đức Goethe...

Cả Goethe và Charlotte von Stein đều sống ở Weimar và họ thường viết thư cho nhau 2 - 3 lần/ngày. Nhưng nữ nam tước đã kết hôn và vì thế sự mê đắm của Goethe trong suốt những năm này mang tính lý tưởng thuần khiết.

Mối quan hệ của 2 người nguội dần khi Goethe sang Italy. Ngay sau khi trở về vào năm 1788, Goethe bắt đầu mối quan hệ với Christiane Vulpius, người xuất thân từ một gia đình khiêm tốn. Từ những chuyến đi, Goethe liên tục viết thư cho “kho báu” của mình - theo cách gọi của nhà thơ.

“Mong ước duy nhất của anh là có em ở đây. Chúng ta chỉ muốn được yêu nhau, đó vẫn là điều tuyệt vời nhất trên thế giới. Và khi chúng ta lại ở bên nhau, chúng ta sẽ nói với nhau rằng việc chung thủy với nhau tuyệt vời như thế nào” - ông viết trong một lá thư.

Chú thích ảnh
...và Charlotte von Stein, người tình hơn tuổi

Nhà thơ còn thừa nhận tính ghen tuông của mình: “Nhiều khi anh nảy sinh tính ghen tuông trong suy nghĩ của mình và tưởng tượng rằng em có thể thích một người đàn ông khác tốt hơn, bởi vì anh thấy nhiều người đàn ông đẹp trai và dễ chịu hơn mình. Nhưng em không cần phải thấy tính ghen tuông của anh. Em phải nghĩ rằng anh là người tốt nhất, bởi vì anh yêu kinh khủng và không có gì làm anh vui ngoài em. Anh thường mơ về em, gồm đủ thứ khó hiểu, nhưng chúng ta luôn yêu nhau. Và điều đó luôn là như vậy”.

Còn Christiane Vulpius háo hức viết lại cho nhà thơ: “Sáng nay, suy nghĩ đầu tiên của em là sẽ nhận được thư của anh, nhưng lần này em hy vọng vô ích. Buổi tối, suy nghĩ cuối cùng của em là nghĩ về anh và sáng ra, đó cũng là suy nghĩ đầu tiên của em. Hôm nay em nghĩ mình sẽ không thể chịu đựng được nếu như em không còn có anh nữa”.

Trong khi đó, những bức thư của Voltaire, nhà triết học Pháp đã yêu Marie-Louise Denis, cũng được nhắc đến nhiều qua các thời đại. Năm 1745, ông viết cho cô từ triều đình hoàng gia ở Versailles: “Anh rất bất hạnh khi không thể sống với em trong yên bình và tĩnh lặng ở một nơi nào, cách xa các vị vua, triều thần và ánh sáng từ các ngọn nến. Nhưng số phận buộc chúng ta phải liên tục xa cách! Ta khao khát nhau mà không thể gặp nhau!”.

Những mối tình “trong lao, ngoài lao”

Nhà thơ và nhà viết kịch người Ireland Oscar Wilde đã viết một lá thư đặc biệt cảm động từ nhà tù vào năm 1895 cho người yêu của mình, Huân tước Douglas, người mà Wilde dịu dàng gọi là “Bosie”: “Hãy hạnh phúc khi được lấp đầy một tình yêu bất tử của một người đàn ông đang khóc trong địa ngục, nhưng vẫn mang thiên đường trong trái tim mình”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ, nhà soạn kịch Oscar Wilde

Là người đồng tính, Wilde khi ấy bị cầm tù vì những cuộc gặp gỡ với nam mại dâm. Ở Anh thời Victoria (1837-1901), quan hệ đồng tính bị coi là một tội ác ghê tởm.

Một cặp đôi rất nổi tiếng trong thế kỷ 20 là Winnie và Nelson Mandela cũng dành cho nhau tình cảm nồng nàn và chân thành trong thời gian phải sống “trong lao, ngoài lao”, thời Nam Phi đang chiến đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở quê nhà.

Chú thích ảnh
Nelson Mandela

Trong tù, Nelson viết cho vợ vào năm 1969: “Em yêu, một trong những tài sản quý giá của anh ở đây là lá thư đầu tiên em viết cho anh vào ngày 20/12/1962, ngay sau lần kết án đầu tiên của anh. Trong suốt 6 năm rưỡi qua, anh đã đọc đi đọc lại nhiều lần và những tình cảm trong đó vẫn quý giá như vàng và tươi mới như ngày anh nhận được thư”.

Nhiều năm sau, tình yêu này đã tan vỡ, nhưng trong thời gian buộc phải sống xa nhau, những lá thư được gửi qua lại giữa 2 người đã góp phần gắn kết mối quan hệ của họ.

Với những cặp đôi đang bị ngăn cách bởi đại dịch Covid-19, liệu họ có “tái khám phá” nghệ thuật viết thư cho đến khi có thể lại được ôm hôn nhau?

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link