27/06/2023 11:35 GMT+7 | Tin tức 24h
Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, muốn hiện thực hóa khát vọng của dân tộc, xây dựng những hệ giá trị của đất nước trong thời kỳ mới phải gắn liền với việc xây dựng, giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình.
“Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023.
* Hạt nhân của xã hội là gia đình
Khi nói về vai trò của gia đình, cụ Phan Bội Châu đã từng khẳng định: "Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ".
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân gia đình tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình" (1).
Trải qua nhiều thế hệ, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chức năng sinh sản của gia đình mang lại con người, nguồn lao động, bảo đảm quy mô và chất lượng dân số. Chức năng giáo dục của gia đình xây dựng cho trẻ em nhân cách, trí tuệ và sức khỏe. Chức năng kinh tế của gia đình bảo đảm an ninh, an toàn cho mỗi thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế của xã hội. Chức năng tâm lý, tình cảm của gia đình là “van an toàn” cân bằng, bảo vệ mỗi thành viên trước khó khăn, giúp cá nhân đứng vững và phục hồi trước những thách thức, rủi ro. Gia đình giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Như vậy, gia đình có vai trò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi một con người, mỗi một xã hội, mỗi một quốc gia, dân tộc. Con người là chủ thể sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Nhưng gia đình lại là nơi khởi nguồn sinh ra con người, nuôi dưỡng, dạy dỗ… để con người trưởng thành. Vì thế, muốn có những con người tốt, muốn có một xã hội lành mạnh thì phải quan tâm xây dựng những gia đình tốt. Mỗi gia đình tốt là cả xã hội tốt, quốc gia tốt. Mỗi gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh thì xã hội, đất nước mới giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
* Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước
Xác định vai trò quan trọng của gia đình, vun đắp giá trị gia đình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục chủ trương: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định, trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" ban hành ngày 24/6/2021 cũng nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".
Tiếp đó, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học-công nghệ.
Trên cơ sở thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hơn 35 năm đổi mới, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình ngày càng được nâng lên. Cùng với việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình ngày càng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ.
Hệ thống pháp luật hướng tới xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam tiến bộ, văn minh cũng đã được ban hành khá toàn diện. Đó là: Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em (2016)… cùng các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển. Với việc thực thi hiệu quả pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội đã được đẩy lùi.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về công tác gia đình, thời gian qua, nhiều phong trào thi đua liên quan đến việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình cũng được các địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình. Tiêu biểu như các phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới… đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.
* Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới
Trong những năm gần đây, thiết chế gia đình Việt Nam đang có sự thay đổi từ truyền thống (3,4 thế hệ cùng sống chung) sang hiện đại (hai thế hệ: cha mẹ và con cái), song văn hóa gia đình vẫn tương đối ổn định và được tôn trọng. Những quan niệm cơ bản về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự tồn tại, phát triển của cá nhân và đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, gia đình vẫn là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, che chở và là nơi nương tựa của mỗi người trong suốt cuộc đời. Từ khi sinh ra đến khi rời bỏ cõi đời, trong cuộc đời mỗi người không đâu có được những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, bền vững như trong gia đình.
Tuy nhiên, trước những tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học và công nghệ, giá trị truyền thống của gia đình cũng không tránh khỏi những biến đổi. Mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình đang trở nên lỏng lẻo và thiếu gắn kết. Mối quan hệ vợ chồng có những lúc, những nơi bị biến đổi theo chiều hướng xấu; sự thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng có biểu hiện suy giảm; quan hệ hôn nhân của một số gia đình trẻ trở nên dễ đổ vỡ, do bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, làm cho tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu có biểu hiện thiếu gắn kết, do không gian sống và giao tiếp gia đình thu hẹp, nhu cầu, sở thích cá nhân được đề cao. Không ít người làm cha, làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, không chăm lo cho thế hệ tương lai và cũng có không ít nghịch cảnh con cháu thiếu trách nhiệm với cha mẹ, ông bà, bất hiếu, bất nghĩa. Quan hệ anh em cũng nảy sinh những bất ổn, có khi chỉ vì đồng tiền, lợi ích nhỏ mà đánh mất tình nghĩa anh em ruột thịt. Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin các vụ việc liên quan đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt là sự ứng xử lệch chuẩn của con cái đối với ông, bà, cha, mẹ.
Khẳng định vai trò to lớn của gia đình trong việc xây dựng các hệ giá trị, bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, giàu bản sắc, với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới”.
Gia đình quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi con người, mỗi xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc. Gia đình cũng là pháo đài chống lại các tệ nạn xã hội, nuôi dạy con người trưởng thành. Để hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng, ước nguyện của Bác Hồ và khát vọng của mỗi người dân, mỗi gia đình được “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, vấn đề mấu chốt vẫn là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình về vai trò, vị trí của gia đình, của việc xây dựng hệ giá trị gia đình đối với sự phát triển của mỗi con người cũng như của đất nước, từ đó biến thành những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng, gìn giữ “tổ ấm” của chính mình.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các thành viên trong gia đình phải luôn gắn bó, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đối diện khó khăn cùng nhau. Trong cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng có niềm vui, nỗi buồn đan xen, sự quan tâm, lời động viên đúng lúc, đúng chỗ của những người thân sẽ là điểm tựa, là động lực tinh thần quan trọng để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại bên cạnh tập trung xây dựng những giá trị tinh thần là tổ ấm của mỗi người, cần tập trung xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, mạnh về kinh tế. Nếu mỗi gia đình vững mạnh về kinh tế sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, giúp các thành viên trong gia đình có đủ điều kiện để học tập, phát triển toàn diện, thực hiện những ước mơ, dự định của mình.
Bên cạnh đó để gia đình thực sự phát triển bền vững, là động lực để phát triển xã hội, cần phải duy trì sự tôn trọng và bình đẳng trong mỗi gia đình, đó cũng chính là thể hiện sự văn minh, sự tiến bộ trong mỗi gia đình. Trong xã hội hiện đại, trình độ dân trí, cũng như hiểu biết của mỗi người đã ngày càng được nâng lên, tuy nhiên, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, điều này rất dễ dẫn đến sự thiếu tôn trọng của người chồng đối với người vợ; hay trong mối quan hệ của cha mẹ với con cái, nhiều bậc cha mẹ luôn áp đặt theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, dẫn đến việc con cái cảm thấy bất mãn, tìm cách chống đối, tách khỏi cha mẹ.
Trở lại câu nói của cụ Phan Bội Châu: “Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ”. Thật vậy, trong mối quan hệ "Nước và nhà", Nước được ví như cái nhà to, Nhà được ví như xã hội thu nhỏ. Vì vậy, “Nhà - Gia đình” no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh thì “Nước - quốc gia” sẽ giàu mạnh. Đó là chân lý và cũng là động lực để mỗi chúng ta thể hiện trách nhiệm cũng như nỗ lực không ngừng vun đắp hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất