10/09/2019 08:30 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Như thông lệ, ngày 12/8 hôm nay là Ngày Sân khấu Việt Nam. Và, dịp này cũng là thời điểm Nhà hát Tuồng Việt Nam kỉ niệm 60 năm ngày thành lập.
Thực chất, cho đến trước thời điểm Nhà hát này được thành lập năm 1959, các gánh tuồng của nghệ nhân vẫn biểu diễn khá rộng rãi ở nhiều đô thị trên toàn quốc – đặc biệt là tại các rạp Tuồng nổi tiếng của Hà Nội như Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài. Xa hơn, nhìn lại, loại hình này đã có hàng trăm năm tồn tại.
Và, trong khi kịch nói mới chỉ du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, Tuồng chính là một trong những loại hình biểu diễn truyền thống để làm nên bộ mặt sân khấu Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua.
Nói như NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), trong những cuộc hội thảo trước đây, có chuyên gia quốc tế từng gọi tuồng là “opera” của Việt Nam. Bởi, về bản chất, đó là loại hình sân khấu bác học, mang tính “tả ý”, “tả thần” thay vì tả thực, luôn đi kèm những trình thức rất khắt khe về biểu diễn, hệ thống mặt nạ của diễn viên hay tính ước lệ của không gian…
Để rồi, sau giai đoạn hội nhập, trong bối cảnh vất vả chung của cả nền sân khấu, nghệ thuật tuồng lại “khó càng thêm khó” từ đặc thù nghệ thuật ấy. Bởi, với nhu cầu của khán giả hiện tại, không dễ để họ có thể kiên nhẫn tìm hiểu “ngôn ngữ tuồng”, có thể tưởng tượng ra muôn vàn diễn biến từ một mảnh sân khấu trống được cách điệu, hay gật gù vì ẩn ý sâu xa khi nhân vật trên sân khấu làm động tác vuốt râu…
***
Những gì diễn ra ở rạp Hồng Hà (Đường Thành, Hà Nội) là minh chứng rõ nhất cho gian nan - cũng như nỗ lực - của Nhà hát Tuồng Việt Nam trong việc tìm lại khán giả cho mình. Từ năm 2002, khi được bàn giao rạp diễn này, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn khá thường xuyên tổ chức các đêm biểu diễn nghệ thuật tuồng vào dịp cuối tuần. Như chia sẻ từ giám đốc NSND Hoàng Khiềm với người viết khi đó, anh em nghệ sĩ quyết tâm duy trì nhịp diễn, dù chỉ có… một khán giả tới xem. Bởi, đó là chặng đường phải đi, khi nghệ thuật tuồng tại Thủ đô đã trải qua gần 20 năm vắng bóng.
Thực tế, từ đó tới nay Nhà hát may mắn chưa gặp cảnh… chỉ có một khán giả tới xem. Nhưng, đa phần, lượng khách tới các đây vào mỗi cuối tuần thường cũng chỉ vào khoảng vài chục người. Nhiều năm nay, tình cảnh vẫn thường xuyên như thế, trong sự nhẫn nại và kiên trì của người làm nghề.
Rất nhiều giải pháp đã được nghiên cứu triển khai: liên kết với các tour du lịch, tổ chức các đêm diễn có giới thiệu sâu về nghệ thuật tuồng - thậm chí chủ động mang loại hình nghệ thuật này giới thiệu tới các trường học để các em sớm có nhận thức về một bộ môn nghệ thuật sân khấu đặc biệt của cha ông. Đặc biệt, từ năm 2016, 2 đêm diễn mỗi cuối tuần đã được Nhà hát duy trì tổ chức miễn phí tại 64 Mã Mây để phục vụ hàng trăm du khách và người dân trong khu phố cổ.
Như lời họ, càng trong bối cảnh khó khăn ấy, các vở diễn và chương trình nghệ thuật càng phải cố gắng để giữ nguyên "chất tuồng". Thay đổi lối diễn, "kịch hóa" để chiều ý người xem là đánh mất bản sắc và sẽ không bao giờ còn khách.
Những nỗ lực đó chắc chắn sẽ cần thêm một thời gian dài để phát huy hiệu quả. Và chặng đường đó cũng không thể thiếu vắng sự hỗ trợ của Nhà nước với những cơ chế đặc thù để nghệ sĩ có thể phần nào chuyên tâm cho việc gìn giữ loại hình nghệ thuật này.
“Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Từ vài thế kỷ qua, 2 câu hát nam trong vở tuồng “Hộ sanh đàn” của cố soạn giả Đào Tấn đã trở nên vô cùng nổi tiếng và quen thuộc - tới mức, trong đời sống hàng ngày, người ta có thể trích dẫn nó bất cứ lúc nào. Với sân khấu tuồng trong bối cảnh bây giờ, cảnh “gian nan” tìm khán giả chính là thử thách cam go mà một loại hình sân khấu truyền thống cần vượt qua.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất