Nghệ An: Bàng hoàng bão số 3

26/08/2010 09:11 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tính đến 12h ngày 25/8/2010 thiệt hại do cơn bão số 3 đối với tỉnh Nghệ An rất nặng nề. Trong toàn tỉnh đã có 6 người chết, 43 người bị thương, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật bị hư hại ước tính lên đến gần 600 tỷ đồng. Điều đáng nói là do tâm lý chủ quan của nhiều người dân dẫn đến hậu quả nặng nề.

6 người chết, 32 thuyền bị đắm, mất điện trên toàn tỉnh

Bão số 3 từ lúc hình thành đến lúc đổ bộ vào đất liền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Đến khoảng 17h ngày 24/8 bão số 3 đổ bộ vào hai huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu (Nghệ An) sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và tan nhanh thành vùng áp thấp vào sáng ngày 25/8/2010.

Đây là cơn bão mạnh có cường độ gió đo được tại vùng đổ bộ ở đất liền giật cấp 7, cấp 8, tại các địa bàn ven biển giật cấp 11 cấp 12 gây mưa to gió lớn, ở thành phố Vinh (cách tâm bão 40km) gió giật mạnh trên cấp 11, cấp 12. Chính sự ảnh hưởng của gió lốc cùng với mưa lớn kéo dài đã làm mất điện trên phạm vi hầu như toàn tỉnh (tính đến 19h ngày 25/8 vẫn chưa có điện lưới).

Theo báo cáo tổng hợp thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với tỉnh nghệ An rất lớn. Cụ thể: đã có 6 người chết (huyện Quỳnh Lưu: 3 người; Nghi Lộc: 1 người; Diễn Châu: 1 người; Yên Thành: 1 người) và có 43 người bị thương. Về các công trình hạ tầng có 295 nhà bị sập, 31.535 ngôi nhà bị tốc mái. Khu vực trên biển đã có 32 thuyền tàu bị bão đánh đắm, và 1 tàu lớn bị mắc cạn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Trên toàn tỉnh có 206.636m3 công trình thủy lợi (đê điều, hồ đập kênh mương...) bị sạt lở nặng, công trình điện hạ thế bị đổ gãy lên đến 7.771 cột và 234.190m dây điện và dây điện thoại bị đứt. Có 41.128 ha hoa màu và sản phẩm nông nghiệp bị gió mạnh quật ngã và có khả năng mất trắng. Ước tính thiệt hại vật chất do cơn bão số 3 gây ra cho Nghệ An lên đến 590 tỷ đồng.

Tại thành Phố Vinh, tuy không nằm vào trung tâm của bão số 3 nhưng lại chịu nhiều thiệt hại khi bị gió giật mạnh trên cấp 12. Cả thành phố chìm trong màn mưa mù và gió mạnh. Các tuyến đường trong thành phố bị ngập nước nặng (có những nơi nước ngập đến hơn 1m), nhiều tuyến đường chìm trong biển nước biến thành những dòng sông giữa lòng thành phố như ở phố Nguyến Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hồng Bàng, Nguyễn Thị Minh Khai... Nhiều cây xanh trên các tuyến đường đã bị đổ gãy, một số cây đổ sập gây thiệt hại cho các nhà dân. Toàn thành phố đã bị mất điện lưới từ 16 h ngày 24/8.

Tâm lý chủ quan?

Cơn bão số 3 để lại hậu quả nặng nề về người và của. Nguyên nhân có thể là do tâm lý chủ quan và coi thường diễn biến của bão. Ngay sau khi vùng áp thấp nhiệt đới chuyển lên thành bão, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Bộ NN&PTNT và Chi cục PCBL tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo đối phó với cơn bão số 3, kêu gọi được 4.482 tàu thuyền /23.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản vào bờ neo đậu các bến an toàn, di dân tránh bão tránh nước dâng và triều cường cho 1.817 hộ với 9.210 nhân khẩu đến nơi an toàn.


Hậu quả cơn bão số 3 ở Nghệ An
Tuy nhiên, có một bộ phận người dân đã không tuân theo sát sao sự chỉ đạo của Ban PCLB, rất nhiều thuyền viên ở Diễn Châu và Quỳnh Lưu đã tìm cách trở ra biển, chỉ khi có sự cưỡng chế của bộ đội biên phòng mới chịu trở vào. Nhiều thuyền tàu bị bão đánh chìm khi không nghe được sự chỉ đạo của Ban phòng chống bão lụt. Tâm lý chủ quan coi thường nên đã để lại hậu quả đáng tiếc về tính mạng. Như trường hợp của cháu Nguyễn An Khánh - xóm Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu bị chết đuối khi bị sóng biển cuốn đi trong khi gia đình đã sơ tán về trường học cấp 3 huyện Quỳnh Lưu.

Trong khi đó, sự nắm bắt thông tin về cơn bão số 3 đối với những huyện miền biển rất mơ hồ. Chỉ đến trưa ngày 24/8 một số gia đình mới biết được bão có thể đổ bộ vào khu vực Nghệ An, nên trở tay không kịp.

Ngay cả ở khu vực thành phố Vinh cũng chuẩn bị phòng chống bão chưa tốt. Chưa rốt ráo trong việc chặt cành các cây cổ thụ trên các tuyến đường, cũng như chưa chuẩn bị neo nhà chắn nhà cửa, nạo vét mương cống nên đến khi bão đổ bộ vào đã gây ra hậu quả nặng nề.

6 nạn nhân chết do bão số 3

1 . Dương Quang Luận (73 tuổi) - Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu
2. Nguyễn Thị Hiền (5 tuổi) - Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu
3. Ngô Văn Khánh (9 tuổi) - An Hòa, Quỳnh Lưu
4. Nguyễn Đình Hòe (44 tuổi) - Nghi Mỹ, Nghi Lộc
5. Nguyễn Tất Thục (72 tuổi) - Diễn Châu
6. Võ Thị Kim Oanh (3 tuổi) - Tân Thành, Yên Thành.

Ngay trong khi bão đổ bộ vào rất nhiều người dân vẫn lưu thông ở các tuyến đường. Khi được PV TT&VH hỏi về tình hình chuẩn bị bão lụt của bản thân và gia đình, anh Nguyễn Tuấn Dũng ngơ ngác: “Em tưởng bão đổ bộ mô trong Hà Tĩnh chứ? Em có nghe nói chi mô, kể cả cơ quan em cũng không điều động đoàn thanh niên đi chống bão như những lần trước mà”.


Không chỉ riêng tâm lý của người dân chủ quan vì bão lụt mà cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn cũng không có sự chuẩn bị cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi nhiều cơ quan không có cắt cử nhân sự chống bão ở cơ quan, nên rất nhiều cây cảnh, và mái che, cửa kính đã bị phá nát chỉ trong một đêm.

Nhiều cơ quan và xí nghiệp đã phải nghỉ hết các công việc thường nhật trong ngày 25/8 để khắc phục và thu dọn đống đổ nát do bão gây nên, nhưng đến tối qua, 25/8, điện lưới vẫn chưa có để đảm bảo cho cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Đại Nghĩa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link