Hoan hô “nghe có ý thức”, nhưng…

17/10/2012 10:47 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Một thời gian dài, việc nghe nhạc, tải nhạc miễn phí trên các website bị ngành sản xuất đĩa VN và các nhạc sĩ, ca sĩ hết lời ta thán… Vì vậy mà việc bắt đầu thu phí tải nhạc từ 1/11 tới được xem là sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển biến mới cho lĩnh vực nhạc số và cũng là lĩnh vực mới mẻ của thị trường âm nhạc VN.

VN đã ký kết với những tổ chức thế giới về quyền tác giả, quyền liên quan đã khá lâu, nhưng việc vi phạm quyền tác giả vẫn kéo dài trong nhiều năm qua. Việc thu phí tải nhạc trên môi trường internet sắp tới được xem là một thắng lợi bước đầu của những nhà sản xuất âm nhạc, ca sĩ, nhạc sĩ… Người ta hy vọng rằng, số tiền thu được từ những sản phẩm ghi âm, ghi hình sẽ là “nguổn lực” góp phần chấn hưng nền công nghiệp ghi âm nước nhà.

Tuy nhiên, nói thắng lợi bước đầu vì con đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan, mà chủ yếu là ý thức của “người tiêu dùng” các sản phẩm trí tuệ.

Chủ yếu vẫn là “ý thức”

Theo ông Tạ Anh Quân, người phụ trách dịch vụ nhạc của Công ty MV Corp - đơn vị hợp tác với Hiệp hội Ghi âm VN (RIAV) trong việc thu phí sử dụng các sản phẩm ghi âm, ghi hình trên internet - thì từ ngày 1/11, có 15 đơn vị đã đạt được thỏa thuận với MV Corp để thu phí tải nhạc. Trong đó có những trang web lớn đã hoàn chỉnh hợp đồng cùng cơ sở hạ tầng để thu phí gồm: Zing, nhaccuatui.com, nhacso.net, nghenhac.infor, go.vn, nhacvui.vn, yeucahat.com và music.vnn.vn.

Cũng từ ngày 1/11 bước đầu MV Corp sẽ cung cấp thu phí thử nghiệm 100 album thuộc quyền khai thác của RIAV, trong đó chủ yếu là các ca khúc “trữ tình tiền chiến”, những ca khúc đi cùng năm tháng. Đại diện MV Corp cũng cho biết, sau đó chương trình sẽ liên tục cập nhật cho kho nhạc và đến đầu năm 2013 thì hoàn tất gần như toàn bộ những gì đã có trên thị trường âm nhạc.

Thí sinh mặc áo “nghe có ý thức” trên sân khấu Vietnam Idol

Ông Tạ Anh Quân khẳng định, từ ngày 1/11, nếu có website nào vi phạm quyền khai thác những sản phẩm ghi âm, MV Corp sẽ làm công văn đề nghị dừng việc cho tải nhạc miễn phí. Nếu không chấp hành, thanh tra của Bộ TT-TT và Bộ VH,TT&DL sẽ can thiệp bằng cách đề nghị các nhà mạng cắt đường truyền củawebsite đó.

Thực tế, nhiều người lo ngại, sẽ có một vài website có máy chủ đặt ở nước ngoài sẽ cho tải nhạc miễn phí để thu hút lượng view lớn nhằm phục vụ cho những mục đích kinh doanh khác.

Hiện nay, MV Corp cho biết biện pháp chủ yếu là chặn không cho người dùng internet ở VN có thể truy cập vào các website này (nếu có). Ông Quân cho rằng, có thể cộng đồng mạng có những đường link “đi vòng” hoặc cài đặt thêm những chương trình để có thể vượt qua sự ngăn chặn, nhưng đội ngũ kỹ thuật của MV Corp sẽ nghiên cứu, cập nhật liên tục để có những biện pháp hữu hiệu. Và việc vào được các website này sẽ rất rườm rà và mất thời gian, hy vọng sẽ khiến những người muốn “xài chùa” nản lòng để sẵn sàng chấp nhận tải 1 bản nhạc chỉ mất 1.000đ.

Nói chung, cái chủ yếu vẫn là ý thức tiêu dùng của người tải nhạc.

Không nên quá đà

Việc nghe nhạc, tải nhạc trên internet phải trả phí, đối với phần lớn các nước trên thế giới là việc khá bình thường. Tuy nhiên, tại VN, đây là việc rất mới mẻ. Cũng chính vì vậy, từ 1/11 chỉ thu phí tải nhạc mà không thu phí nghe nhạc, theo MV Corp, cũng là để người tiêu dùng dần dần bỏ thói quen “miến phí” có từ lâu nay. Trong tương lai, nghe nhạc cũng phải trả tiền, lộ trình đi đến việc nghe nhạc phải trả phí được ông Tạ Anh Quân cho biết là trong khoảng thời gian 3 năm (và tất nhiên lúc đó chất lượng của các sản phẩm ghi âm và chất lượng đường truyền internet phải được cải thiện đáng kể). Đó cũng là mục đích cuối cùng mà thông điệp “nghe có ý thức” của nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn và nhóm bạn của các anh muốn gửi đến người nghe nhạc.

Việc “nghe có ý thức” nhận được nhiều sự ủng hộ của công luận và là điều công bằng đối với các nhà sản xuất âm nhạc, ca sĩ, nhạc sĩ. Nó còn là điều kiện cần có để thị trường âm nhạc Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp ghi âm nói riêng phát triển.

Nói nôm na, “nghe có ý thức” là việc tôn trọng bản quyền đối với những sản phẩm sáng tạo trí tuệ thuộc lĩnh vực âm nhạc. Tuy nhiên, việc phải trả tiền khi dùng những sản phẩm trí tuệ còn phụ thuộc vào mặt bằng kinh tế chung của xã hội. Việc vận động người nghe nhạc trên internet trả tiền ở thời điểm hiện nay và với mức giá như vậy là phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế chung của đông đảo người dân. Nhưng chúng ta cũng không nên quá đà cho đó là “nghe nhạc văn minh” như nhạc sĩ Quốc Trung đã từng phát biểu trên báo.

Hiện nay, trừ những người dùng máy tính của hãng Apple, họ được dùng hệ điều hành và một số phần mềm ứng dụng có bản quyền do Apple cung cấp. Nhưng còn lại đại đa số người dân Việt Nam dùng máy PC là dùng hệ điều hành (windows) và những phần mềm ứng dụng không có bản quyền. Bởi nếu trả tiền bản quyền cho những phần mềm này, có khi còn tốn một số tiền cao hơn tiền mua một chiếc máy tính PC. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không “văn minh”.

Ngay cả trong Công ước Berne (công ước quy định về việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật) cũng có điều khoản là không thu tiền tác quyền đối với các nước có điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Nếu bây giờ các hãng viết phần mềm MS Word, Exell, Photoshop, Corel… “siết” chúng ta như kiểu tải nhạc trả tiền chắc nhiều người “văn minh” sẽ… chết. Hãy đừng quá đà…

Hải Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link