09/07/2011 12:30 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Một nhóm các bác sĩ quốc tế vừa tiến hành ca phẫu thuật thay thế khí quản thành công cho một bệnh nhân bị ung thư. Điều đặc biệt là phần khí quản mới đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sử dụng chính các tế bào gốc của bệnh nhân mà không cần tới tạng hiến tặng, như trong cách thức chữa trị thông thường.
Các ca phẫu thuật khí quản trước đây thường sử dụng một đoạn khí quản hiến tặng. Nhưng tại một phòng nghiên cứu ở London, các nhà khoa học đã tạo ra thành công một khí quản nhân tạo đầu tiên.
Khi mô tạng được "nuôi trồng" trong phòng thí nghiệm
Ngày 9/6 năm nay, tại Bệnh viện Đại học Karolinska, Stockholm, Thụy Điển, người ta đã phẫu thuật cấy ghép phần tạng nhân tạo này vào cơ thể một người đàn ông 36 tuổi bị ung thư khí quản giai đoạn cuối. Tiến sĩ Paolo Macchiarini, một giáo sư về thuốc tái tạo tại bệnh viện nói rằng bệnh nhân đã rất khỏe và có thể ra viện ngay trong ngày 8/7 nếu muốn.
Bác sĩ Paolo Macchiarini hiện là chuyên gia hàng đầu về phương thức chữa trị mới này
Ung thư khí quản là hiện tượng rất hiếm và chỉ chiếm 1% số ca ung thư. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu vào năm 2008, anh đã trải qua nhiều phương thức chữa trị khác nhau, gồm hóa trị, xạ trị và cả phẫu thuật. Tuy nhiên u bướu vẫn tiếp tục phát triển trong cơ thể bệnh nhân người Eritrea này. Các bác sĩ nói rằng khối u đã lớn tới mức gần như lấp đường khí quản của anh.
Thay vì đợi một người hiến tặng khí quản để phẫu thuật, các bác sĩ đã quyết định "trồng" một khí quản nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Đầu tiên họ tạo ra một bộ khung hình chữ Y cho khí quản mới, được tạo dáng theo đúng hình dạng khí quản của bệnh nhân. Bộ khung này làm từ nhựa polymer có cấu trúc xốp và mềm dẻo. Nó nằm trong những đai tròn rắn chắn, mô phỏng lại chính xác cấu trúc của khí quản người.
Tiếp đó cả bộ khung này được nhúng vào một dung dịch có chứa tế bào gốc của bệnh nhân, để chúng phát triển xung quanh cấu trúc mới. Sau một thời gian, tế bào gốc của bệnh nhân đã "lớn" dần bên trong bộ khung nhân tạo và cấu trúc nhựa đã trở thành một tạng sống. Tiếp đó phần tế bào gốc tạo ra được xử lý cơ học hoặc hóa chất để tạo nên hình dáng mong muốn. Khi chúng đã tạo hình hoàn chỉnh, phần khí quản nhân tạo sẽ tiếp tục được cấy ghép vào người bệnh nhân.
Macchiarini cho biết những theo dõi sau phẫu thuật cho thấy cơ thể bệnh nhân đã chấp nhận phần khí quản mới và anh thậm chí có phản ứng ho khoảng 2 ngày sau phẫu thuật. Điều đặc biệt là do khí quản mới tạo ra từ tế bào gốc của bệnh nhân nên anh không phải uống thuốc chống đào thải, vốn có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh.
Hình ảnh ca phẫu thuật ghép khí quản nhân tạo cho
bệnh nhân bị ung thư ở Bệnh viện Đại học Karolinska
Hướng điều trị mang tính cách mạng
Cách đây 3 năm, Macchiarini đã gây chú ý khi cấy ghép một khí quản nhân tạo làm từ phần mô của người hiến tặng kết hợp với tế bào gốc của bệnh nhân Claudia Castillo. Khí quản của Castillo bị hư hỏng vì bệnh lao, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của cô. Khi Castillo gặp Macchiarini, ông đã đề nghị cô tham gia thử nghiệm phương thức điều trị mới, chưa từng có từ trước tới nay.
Để tạo đường khí quản mới, các bác sĩ đã lấy khí quản phù hợp với khí quản của chị từ một người hiến tặng vừa mới qua đời. Rồi họ sử dụng hóa chất mạnh và các enzyme cần thiết để "rửa" sạch mọi tế bào của người hiến tặng. Thứ duy nhất còn lại chỉ là một "bộ khung" của khí quản được làm từ các sợi collagen.
Tiếp đó các bác sĩ trích xuất tế bào của chị Claudia và cấy nó vào bộ khung collagen. Có hai loại tế bào đã được trích đi từ người chị Claudia. Loại thứ nhất lấy từ chính thanh quản của chị và loại thứ hai là tế bào gốc còn rất "non" lấy từ tủy sống. Sau 4 ngày nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã có thể "phủ" kín các tế bào của chị Claudia vào bộ khung thanh quản, tạo thành một khí quản lai hoàn hảo. Cuộc phẫu thuật được tiến hành hồi tháng 6/2008 tại Bệnh viện Barcelona, đã thành công tốt đẹp. 4 ngày sau ca cấy ghép, phần khí quản lai được cấy ghép đã hầu như không còn phân biệt được với phần khí quản bình thường nằm cạnh đó. Sau một tháng, những kiểm tra sinh thiết cho thấy khí quản lai đã phát triển hệ thống các mạch máu của riêng nó.
"Kết quả của ca cấy ghép đó khá tốt. Nhưng không may, chúng tôi vẫn phải phụ thuộc vào việc hiến tạng, vốn có thể phải mất hàng tháng trời" - Macchiarini đánh giá. Trong khi đó việc làm ra một cấu trúc tạng nhân tạo chỉ mất từ 10-12 ngày và vật liệu sử dụng lại vô cùng sẵn..
Được biết Macchiarini và những cộng sự của ông không phải là những người đầu tiên tạo nên mô tạng nhân tạo. Đầu năm nay, các nhà khoa học về thuốc tái tạo ở Trường y Đại học Wake Forest nói rằng họ đã tạo nên 5 ống dẫn niệu đạo nhân tạo từ tháng 3/2004 tới tháng 7/2007. Họ sử dụng một phần nhỏ tạng của bệnh nhân trích ra từ bàng quang, sau đó nuôi lớn chúng trong phòng thí nghiệm để thành một cấu trúc giống với ống dẫn niệu đạo. Tuy nhiên việc ứng dụng vào điều trị như Macchiarini thì chưa từng diễn ra.
Được biết lĩnh vực nghiên cứu này hiện vẫn gây tranh cãi và những người phản đối nói rằng nó có thể dẫn tới việc nhân bản người, một hành vi được đánh giá là vô đạo đức. Nhưng Macchiarini cho biết việc tạo ra các nội tạng nhân tạo đã mở ra cánh cửa điều trị mới vô cùng quý báu, giúp chế ngự nhiều căn bệnh nan y, đồng thời mang tới cho bệnh nhân cơ hội được hưởng cuộc sống bình thường trở lại.
Gia Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất