Nghệ sĩ múa Tuyết Minh: Lý giải 'Truyện Kiều' bằng ngôn ngữ ballet

11/06/2020 18:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua (10/6) tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đã tổ chức giới thiệu vở ballet Kiều. Đây là dự án hợp tác giữa Nhà hát và Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Vở ballet Kiều do nghệ sĩ Tuyết Minh làm tổng đạo diễn kiêm tác giả chuyển thể.

Biên đạo Tuyết Minh: Ballet 'Kiều' sẽ không làm khán giả thất vọng

Biên đạo Tuyết Minh: Ballet 'Kiều' sẽ không làm khán giả thất vọng

"Truyện Kiều" của Nguyễn Du được biên đạo Tuyết Minh chuyển thể kịch bản từ năm 2018, được đầu tư sáng tác từ năm 2019 nhưng phải qua đại dịch Covid-19, ballet "Kiều" mới được “ra đời”.

Tuyết Minh đã chuẩn bị ê-kíp hùng hậu, âm thầm tập luyện để ra mắt tại Nhà hát TP.HCM vào 20/6 và Hà Nội vào tháng 8. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với chị

* Dự án dựng vở ballet “Kiều” nhiều lần được triển khai nhưng cuối cùng đành gác lại, trong đó yếu tố kinh phí từng khiến các thế hệ trước đau đầu. Chị có cơ duyên và áp lực thế nào khi trở thành người gánh vác nhiệm vụ dàn dựng ballet “Kiều”?

- Thật ra, tôi và biên đạo múa Phúc Hùng, Phúc Hải, nhạc sĩ Việt Anh, Chinh Ba cùng ê-kíp thực hiện vở Kiều với sự hân hoan nhiều hơn là áp lực. Kiều là tác phẩm lớn đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, đã đi vào đời sống tâm hồn người dân Việt Nam, được các nguyên thủ, nhà lãnh đạo trên thế giới tôn vinh trong các bài diễn văn, diễn thuyết khi sang thăm và làm việc tại Việt Nam… Với tôi, Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vừa gần gũi, dung dị lại vừa đồ sộ với những giá trị nhân văn mà tôi cần phải chia sẻ với mọi người bằng thứ ngôn ngữ mà tôi giỏi nhất, đó là múa ballet.

Ballet Kiều sẽ là thách thức lớn nếu không quy tụ được nhiều diễn viên solist đảm nhận những vai diễn chính diện và phản diện, ngay cả những nhân vật kể chuyện cũng là người chở thông điệp nên đòi hỏi các nghệ sĩ vừa có chuyên môn cao vừa có phong độ biểu diễn tốt.

* Dàn dựng ballet “Kiều” lần này, chị gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

- May cho tôi thời điểm này, đoàn múa của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đang hội tụ được một dàn diễn viên trẻ hùng hậu cả về số lượng và chất lượng kỹ thuật, kỹ xảo.

Thử thách nữa của tôi chính là kinh phí. Nếu dàn dựng lại các vở ballet cổ điển thế giới theo phiên bản phù hợp với Việt Nam thì sẽ đỡ tốn kém hơn một vở dựng mới hoàn toàn về mọi khâu. Nhưng phải hiểu điều kiện mà chúng ta đang sống để sáng tạo trong cả nghệ thuật lẫn trong khâu tổ chức, quảng bá và biểu diễn…

Chú thích ảnh
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ trong buổi giới thiệu “Kiều” chiều qua 11/6

* Với một vở diễn mang tính quy mô như “Kiều”, chị đã sẵn sàng từ khi nào? Khoảng thời gian chuẩn bị cho vở ballet “Kiều” ra sao?

- Năm 2014 sau khi vở múa đương đại Con tạo xoay của tôi được giới chuyên môn đánh giá cao, tôi đã tiếp cận được với tư tưởng của Phật giáo và thay đổi nhân sinh quan trong cuộc sống và nghệ thuật. Từ đó, tôi quyết tâm lý giải Truyện Kiều bằng ngôn ngữ ballet.

Năm 2017, tôi đã hoàn thành kịch bản, năm 2018 nhận được đặt hàng sáng tác của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, trong năm 2019 chúng tôi đã âm thầm tập hợp ê-kíp để chuẩn bị cho sự ra đời của ballet Kiều trong năm 2020.

* Trước đây, “Truyện Kiều” cũng từng được chuyển thể nhưng ở loại hình nghệ thuật múa đương đại. Dự án ballet “Kiều” trước cũng được chia sẻ đôi phần. Tuy vậy, khán giả vẫn chưa hình dung được Kiều trên sân khấu của ballet ra sao?

- Truyện Kiều là một kiệt tác lớn và đã được khai thác dưới nhiều loại hình nghệ thuật phong phú. Với múa đã có một vở Kiều dựng ở thể loại múa đương đại của nữ biên đạo người Hàn Quốc và chắc chắn Kiều dưới con mắt của người nước ngoài với văn hóa khác sẽ là một cách đặt vấn đề, cách tư duy và giải quyết vấn đề truyển tải thông điệp khác.

Chú thích ảnh
Một buổi tập của các nghệ sĩ tham gia vở ballet “Kiều”

Cách đây 10 năm cũng có một dự án dàn dựng ballet Kiều nhưng chưa thành hiện thực bởi nhiều khó khăn từ nội lực. Khán giả chỉ có thể hình dung được ballet Kiều 2020 của tôi và ê-kíp khi đến với sân khấu Nhà hát Lớn TP.HCM và Hà Nội. Bởi nghệ thuật biểu diễn là phải cảm nhận trực tiếp, phải đến với sân khấu và được chìm đắm, trải nghiệm trong không gian sân khấu.

Nếu tôi kể ở đây sẽ không thể nói hết được, bởi ngôn ngữ múa chỉ đẹp nhất khi được chuyển tải qua cơ thể, tâm hồn, diễn xuất của người diễn viên. Còn nếu không thì các bạn có thể mua Truyện Kiều của Nguyễn Du về đọc thì hơn...

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Bán vé chứ không có vé mời

"Nếu vở diễn mang lại giá trị kiến thiết tâm hồn cho khán giả thì tự thân nó sẽ thu hút được sự đầu tư nghiêm túc của các đối tác. Nếu những tấm vé mời đến được tay những người yêu nghệ thuật thì có giá trị. Nhưng đôi khi vé mời ở Việt Nam có tác dụng ngược lại, nên quan điểm của tôi là sẽ bán vé để khán giả, đại biểu trân trọng sự lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ" - Tuyết Minh cho biết.

Vở diễn gắn với 4 lần đánh đàn của Thúy Kiều

Ballet Kiều muốn thể hiện giá trị “đạo làm người” mà đại thi hào Nguyễn Du gửi gắm nên sẽ không miêu tả lại 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Vở diễn được chia làm 3 hồi, 15 cảnh. Những hàm ý từ 3.254 câu thơ sẽ được cách điệu qua 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên, đồng thời diễn tiến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn.

Như chia sẻ của đạo diễn, thanh âm của tiếng đàn không thể là thứ ngôn ngữ dối lừa của tâm trạng: Lúc thì thầm, dìu dặt, mềm mại, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng; có trường đoạn thì gào thét, tang thương để rồi tan chảy, nén chịu... Tất cả là sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều và cũng là tiếng lòng của Nguyễn Du trước sự đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.

Kim Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link