26/06/2023 18:45 GMT+7 | Văn hoá
Sau rất nhiều trăn trở, nghệ sĩ Thanh Thủy đã trở về mái nhà xưa: Sân khấu IDECAF. Quyết định này được xem là "sự thay đổi nội tâm" của nghệ sĩ gạo cội này. Thế nhưng, vào thời điểm chị bắt tay vào việc, tức dựng vở Bí mật giếng làng Khủm (kịch bản: Trung Dân, đạo diễn: Thanh Thủy), thì rất nhiều chuyện bất như ý đã xảy ra.
Đó là những sự việc khiến cho sự nhạy cảm trong tâm hồn người nghệ sĩ bị xao động, tác động đến hiệu quả công việc. Nhưng dù sao thì Bí mật giếng làng Khủm cũng đã được sáng đèn, với các suất diễn thành công. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trò chuyện với Thanh Thủy về cuộc trở lại này.
* Chúc mừng chị vì suất diễn đầu tiên bán hết vé và nhận được phản ứng rất tốt từ khán giả. Có vẻ như sự trở về của chị rất hanh thông và thuận lợi ?
- Cảm ơn lời chúc mừng của bạn, nhưng thật lòng mà nói tôi bị sốc khi trở về IDECAF. Để buổi diễn ra mắt khán giả đúng dự định, chúng tôi đã đối mặt rất nhiều thách thức. Đầu tiên là việc tập trung diễn viên. Tôi hầu như bị động hoàn toàn. Đây là điều hết sức nan giải, tôi đã biết, nhưng khi đối mặt, vẫn căng thẳng vô cùng.
Trước bối cảnh diễn kịch tiền lương rất ít, nên các nghệ sĩ và cả diễn viên chưa nổi tiếng, đều tranh thủ chạy sô, từ phim sitcom, gameshow đến phim truyền hình. Thậm chí, có bạn biết làm TikTok cũng kiếm được 5-7 triệu đồng một tháng.
Trước tình cảnh như thế, tôi muốn tập hợp toàn bộ diễn viên lại cùng lúc là bất khả thi. Thậm chí họ báo ngày nào họ rảnh, để tôi sắp lịch tập cho họ. Một vở diễn hơn 10 diễn viên, mà mỗi diễn viên có một giờ giấc khác nhau. Tôi phải linh động và chấp nhận thích ứng, vì sân khấu đâu có trả tiền cho họ trong các buổi tập.
Bản thân tôi khi dựng vở cho IDECAF lần này, tôi cũng bỏ nhiều sô diễn khác, mà tiền lương cao gấp nhiều lần. Nên tôi phải thông cảm cho các diễn viên thôi, chỉ có những ai mê sân khấu ghê gớm lắm mới có thể dành trọn thời gian cho nó.
Bạn biết không, trong suốt tháng tập, mỗi tối đài trưởng gọi điện thoại, tôi không muốn nghe, vì tôi sợ có sự cố xảy ra.
* Chị có thể ví dụ một sự cố cụ thể?
-Vai diễn của Quốc Thịnh có rất nhiều mảng miếng hay, hài hước, nhưng trước ngày công diễn, Thịnh báo rằng em đã dính Covid-19, sốt cao và rất mỏi mệt. Để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, tôi bắt buộc phải để Thịnh dưỡng bệnh, nhưng tôi bối rối không biết phải làm sao.
Bạn Phương tổ trưởng hậu đài, người đã xem hàng ngàn suất diễn của IDECAF, nhắc tôi mời Đình Toàn. Lúc này, Đình Toàn đang gấp rút tập chương trình Ngày xửa ngày xưa, nên không biết rằng có còn thời gian và sẵn lòng giúp trong tình cảnh gấp rút như thế này không?
Nhưng tôi không thể trả vé ngay suất khai trương, buộc phải gọi cho Toàn vì chỉ có Toàn mới thế vai của Quốc Thịnh nhanh được. Đình Toàn đồng ý, về nhà thức sáng đêm xem bằng hình và học thoại, để hôm sau cùng tôi tập cho xong. Thật tuyệt vời, trong một thời gian ngắn như thế mà Toàn thuộc thoại nhuần nhuyễn, hóa thân rất sống động. Cuối cùng anh em ráp lại để tập lần cuối và đâu vào đó.
Tôi rất cảm ơn Đình Toàn vì tình đồng nghiệp, sẻ chia trong lúc khó khăn. Nếu Toàn không mê sân khấu cháy bỏng, sẽ không thể làm được điều này. Sự nhiệt tình của Đình Toàn làm tôi nhớ có lần một nghệ sĩ bệnh nặng, nằm liệt giường, vẫn ráng ngồi dạy học tuồng. Anh Thành Lộc thấy tình trạng quá mệt mỏi, nguy hiểm sức khỏe, nên khuyên hãy tạm ngưng. IDECAF ngày xưa là thế. Chúng tôi thương nhau và sẵn sàng xả thân.
* Với các khó khăn này, nếu có sự góp ý cho ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, chị sẽ nói gì?
- Đối với tình hình hiện nay, tôi ngưỡng mộ tất cả các ông bà bầu sân khấu, vì làm sân khấu chỉ có lỗ không lời. Về sự thành công của Huỳnh Anh Tuấn bắt đầu từ mấy chục năm trước gồm múa rối cạn, rối nước và tất cả các sân khấu thiếu nhi. Anh Tuấn đào tạo ra rất nhiều tài năng. Họ rất giỏi từ trong ra ngoài. Họ diễn từ kịch thiếu nhi đến kịch người lớn, dày đặc suất diễn…
Tình hình bây giờ đã khác. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đang điều hành nhiều hoạt động, gồm kịch người lớn tại Nhà hát Thanh niên, Nhà hát múa rối nước Rồng vàng, Nhà hát cải lương Nón lá… nên lực lượng nhân sự đã dàn trải, mỏng. Trong khi đó, ông bầu luôn muốn mỗi vở diễn phải có sự góp mặt của nhiều diễn viên giỏi. Đây là một thách thức lớn, vì như trên đã nói, các bạn rất bận chạy sô. Tôi buộc phải tận dụng nhân lực có sẵn mà tôi có thể chủ động.
Nhưng rồi tôi nghe xì xào rằng tôi đưa học trò mới, còn non của mình vào sân khấu để thử nghiệm. Tôi bị sốc lần nữa.
Thực sự thì trong vở diễn này, có 4 học trò mà tôi dạy diễn xuất mấy năm qua tham gia. Còn lại là người của IDECAF và bạn diễn của Trung Dân. Học trò của tôi chỉ đóng vai nhỏ, các em đã đổ mồ hôi với tôi suốt một tháng. Nói chính xác là tôi chuốt cho các em rất kỹ, trong thời gian các diễn viên khác bận lịch riêng, không tập. Tôi im lặng để các em thay tôi trả lời nghi vấn ấy bằng hành động. Thực tế cho thấy trong suất diễn đầu tiên, các em đã làm rất tốt.
Trong tình cảnh sân khấu không thể chủ động sắp lịch cho diễn viên, thì sự hiện diện của các em là một giải pháp khả thi. Tôi sẵn sàng hy sinh, làm việc đến tắt tiếng để các em được tròn vai. Tôi nghĩ rằng theo thời gian, khi các em trưởng thành,sẽ là thế hệ kế thừacủa sân khấu.
* Kỳ trở về IDECAF lần này của chị cũng trúng ngay lúc tin đồn về sự rạn nứt nội bộ, mà cụ thể là giữa NSƯT Thành Lộc và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Cộng với những điều bất như ý chị vừa nêu, nó có làm cho chị nản chí và sẽ sớm ngưng hợp tác?
- Ngày ấy, tôi lặng lẽ ra đi. Tôi ôm nỗi buồn cho riêng mình mà không giải bày trước truyền thông hoặc bất cứ đối tượng công chúng nào. Bây giờ, sau nhiều trải nghiệm cuộc đời, tôi tự hỏi mình: sao lúc ấy mình không nói thẳng ra điều làm mình tổn thương để giải quyết rốt ráo, đỡ tốn thời gian. Tôi bây giờ đã khác, tôi sẽ nói thật lòng và thẳng thắn điều mình nghĩ để mọi thứ được giải quyết tốt hơn.
Thế nhưng, nhìn lại sự ra đi của tôi hồi 15 năm trước, không phải là vô nghĩa. Tôi như cánh chim tự do bay trên vùng trời mới. Tôi lao vào phim ảnh, trở thành nhà sản xuất, thậm chí thử nghiệm ở gameshow. Những cơ hội đó cho tôi khả năng tài chính lo cho con ăn học, chăm lo cha mẹ già. Về chuyên môn, lĩnh vực nào tôi cũng thành công và đúc kết những kinh nghiệm quý báu rất cần cho việc dàn dựng.
Khi tôi quyết định trở lại IDECAF, tôi đã gặp anh Thành Lộc để anh em tâm sự với nhau. Chúng tôi vẫn rất quý trọng nhau. Chuyện mâu thuẫn hoặc hiểu lầm giữa anh Lộc và anh Tuấn, tôi nghĩ, rồi cũng sẽ được giải quyết theo hướng tích cực nhất.
* Ngày xưa, trên sân khấu IDECAF, chị có những vai diễn rất lớn mà đến giờ khán giả yêu kịch vẫn còn nhớ rõ. Bây giờ, chị còn khát khao được hóa thân vào những vai diễn như thế không?
- Bạn tin không, năm nay tôi đã 60 tuổi. Nhưng trong tôi vẫn tràn đầy năng lượng, tôi không hề cảm thấy mình già yếu so với tầm 10 năm trước. Khi hóa thân vào nhân vật gì, tôi sẽ không để khán giả thấy hình ảnh Thanh Thủy, mà đó chính là tính cách nhân vật.
Nhưng tôi không quay về sân khấu với mục đích để tìm kiếm vai diễn lớn. Thay vào đó, tôi hạnh phúc khi được sống trong không khí của kịch nghệ. Tôi sẵn sàng làm mọi thứ từ tác giả, đạo diễn, diễn viên dàn bao cho đến vai diễn độc đáo nào đó. Tôi tự nguyện vì IDECAF là sân chơi xứng đáng.
* Nói như thế, có nghĩa là quy luật thời gian không khắc nghiệt với bản thân chị?
- Không phải thế. Con người làm sao thoát khỏi quy luật sanh lão bệnh tử. Tuổi 60, tôi vẫn còn chút năng lượng, nhưng rồi tôi sẽ nhiều tuổi hơn nữa. Lúc ấy, tôi không thể bay nhảy và chỉ có thể làm được công việc phù hợp. Quỹ thời gian đã và sẽ hạn hẹp thêm, tôi chuẩn bị cho lúc mình hết sức lực, lựa chọn tập trung vào việc cống hiến cho sân khấu hết mức có thể, trong chuyên môn diễn viên và đạo diễn.
* Từ khi mở rộng tầm hoạt động, sân khấu IDECAF có thêm nhiều màu sắc, ví dụ như vở hương xa "Thanh Xà - Bạch Xà" của đạo diễn Ngọc Hùng. Chị nghĩ gì về điều này?
- Dưới góc độ kinh doanh, tôi nghĩ rằng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn có lý, vì có nhiều đối tượng khán giả xem kịch khác nhau. Tôi sẵn sàng quan sát nên đã xem Thanh Xà - Bạch Xà lúc phúc khảo và cả lúc ra công diễn. Tôi ngồi cùng khán giả để hiểu nhu cầu khán giả bây giờ nhiều hơn.
* Suất diễn kế tiếp của "Bí mật giếng làng Khủm" có sự thay đổi về nhân sự không, thưa chị?
- Quốc Thịnh sẽ trở lại, vì đây là một vai hay của em ấy. Quốc Thịnh rất giàu tiềm năng hài, lẽ ra em ấy phải nổi tiếng hơn hiện tại. Thực ra, vở diễn này ban đầu dự định diễn tại Nhà hát Thanh Niên, nhưng sau khi chúng tôi tổng dợt, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đánh giá nó phù hợp với điểm diễn là sân khấu IDECAF, nên dời về đây. Chúng tôi cũng phải thay đổi rất nhiều để thích ứng. Tôi rất vui vì tác phẩm này nhận được đánh giá tích cực từ nhiều người.
* Trong bản dựng cách đây hơn 10 năm, vở "Cái giếng khơi" chỉ có 4 nhân vật chính. Bây giờ, chị đổi sang thành "Bí mật giếng làng Khủm", thêm 4 nhân vậtđể hình thành tuyến nhân vật đối kháng quyết liệt, thêm tình huống và làm rõ thông điệp và lồng vào thể loại nhạc kịch. Rõ ràng hiệu ứng của vở diễn rất khác, sôi động và trào phúng hơn. Nhìn vào kịch bản và bản dựng cũ, điều gì khiến chị nhận kịch bản này lần nữa?
- Tôi thích kịch bản này vì nó có một ý nghĩa và thông điệp hay. Nhưng nếu không thêm nhân vật và tạo thêm tình huống, nó sẽ khó chạm vào khán giả trẻ. Tôi thích thể loại kịch có chiều sâu, nhưng đồng thời tôi quan tâm đến đối tượng khán giả trẻ. Tôi muốn dung hòa giữa gu thưởng thức của khán giả trung niên và cả tuổi mới lớn. Các vở diễn sắp tới của tôi dựng cũng theo tinh thần này.
* Cảm ơn chị!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất