Nghệ sĩ với EURO: 3 kỳ EURO đi vào 'tiềm thức bóng đá'

14/06/2024 15:33 GMT+7 | Văn hoá

EURO (Giải Vô địch Bóng đá châu Âu) ra đời từ năm 1960, đến nay đã trải qua 16 giải. Với tôi thì có 3 kì EURO đã đi vào "tiềm thức bóng đá" không quên. Đó là ba giải EURO liên tiếp: lần thứ 7 (1984), lần thứ 8 (1988) và lần thứ 9 (1992).

Cũng vì, bắt đầu từ năm 1984 tôi mới thực sự "nhập cuộc" làng túc cầu và thực sự thưởng thức môn thể thao này đúng với tinh thần "ăn bóng đá, ngủ bóng đá".

EURO 84: Pháp với "bộ tứ huyền ảo"

Năm 1984, Giải Vô địch Bóng đá châu Âu tổ chức trên đất Pháp (lúc đó mọi người vẫn gọi là UEFA 84). Sau Espana 82 (Giải Vô địch Bóng đá Thế giới lần thứ 12, tổ chức tại Tây Ban Nha), khán giả Việt Nam đã được thưởng thức các trận thi đấu quốc tế trên truyền hình. Tuy nhiều trận không được xem trực tiếp (phải xem lại) nhưng thế cũng là tuyệt lắm rồi. Tối xem tivi, sáng lại đọc Tin nhanh của TTXVN làm cho dân nghiền bóng đá thấy thông tin trọn vẹn và thú vị hơn.

Sau World Cup hai năm (1982), đến 1984 mọi người lại được dịp xem các nghệ sĩ sân cỏ châu Âu trổ tài. Tôi đã có bài thơ nói về bóng đá Nam Mỹ (mà Brazil là tiêu biểu) với bóng đá châu Âu:

Nghệ sĩ với EURO: 3 kỳ EURO đi vào 'tiềm thức bóng đá' - Ảnh 1.

PGS-TS Phạm Văn Tình, tác giả bài viết, gắn bó với bóng đá từ năm 1984

Một trăm triệu người Brazil không ngủ

Hãy để sang một bên bao gian khó nhọc nhằn

Trái bóng - Mặt trời - vị cà phê cháy bỏng

Họ uống mừng nhau - mừng những anh hùng.


Nhưng bóng đã bay sang bên này lục địa

Mười một con người bảo vệ cả châu Âu

Mười một con người có thể vào truyền thuyết

Và quả bóng da như có phép nhiệm màu.

"Mười một người bảo vệ cả châu Âu", bảo vệ bản sắc, tinh hoa và nét đẹp của bóng đá châu Âu. Ở đó có "bản lĩnh của các xe tăng Đức", có "chiến thuật catenaccio (đổ bê tông) của Ý", có "lối đá Anglo-Saxon "lật cánh đánh đầu" của Anh", có "lối chơi rực lửa của các matador (dũng sĩ đấu bò tót) Tây Ban Nha"…

Nhưng EURO 84 thật sự đáng nhớ với chức vô địch của ĐT Pháp. Lần đầu tiên Pháp đăng quang với tên gọi "bộ tứ huyền ảo" ra đời.

Hồi đó, giải chỉ có 8 đội và sau vòng bảng, có 4 đội vào đá bán kết ngay. Đội Pháp 1984 dưới sự dẫn dắt của M. Platini thi đấu thăng hoa, không thua trận nào. "Bộ tứ" hình thành từ 4 cầu thủ: Michel Platini - Alain Giresse - Jean Tigana - Luis Fernandez và họ phối hợp với nhau, di chuyển trên sân nhịp nhàng cứ như một sơ đồ chiến thuật được lập trình vậy. Trận bán kết giữa Pháp và Bồ Đào Nha (ngày 23/6/1984) thật nảy lửa. J. Domergue (Pháp) dẫn trước. R. Jordao (Bồ Đào Nha) gỡ hòa và vượt lên dẫn 2-1. Nhưng lại Domergue gỡ hòa (phút 114 hiệp phụ). Khi chỉ còn đúng 1 phút hiệp phụ thứ hai (phút 119), Platini, từ đường chuyền như đặt của Tigana đã chấm dứt "hiện tượng Bồ Đào Nha" bằng bàn thắng thứ ba (3-2). Báo L'Equipe đã giật tít: Platini đã cứu nước Pháp, xin ngả mũ chào "ngài" Domergue.

Trận chung kết ngay sau đó (ngày 27/6/1984), lại nhờ công của Platini (và Bellone), Pháp hạ đẹp Tây Ban Nha 2-0 để lên ngôi Vô địch xứng đáng.

EURO 88: "Cơn lốc da cam"

Hà Lan là một quốc gia nhỏ ở Tây Âu, có diện tích 41,8 nghìn km2 với dân số 17,7 triệu người, tính đến gần đây. Nhưng Hà Lan đã trở thành một "cường quốc bóng đá" khi đội tuyển và các câu lạc bộ của họ đã lập được những thành tích đáng nể trên sân cỏ thế giới.

Hà Lan là quê hương sản sinh ra chiến thuật "bóng đá tổng lực". Lần đầu tiên lối đá tấn công quyến rũ được thế giới biết đến nhờ đội tuyển Hà Lan tại World Cup 1974. Bóng đá tổng lực (tất cả tấn công, tất cả phòng ngự) là một chiến thuật linh hoạt cho phép mỗi cầu thủ có thể thay thế mọi vị trí của đồng đội trên sân. Với chiến thuật này, các vị trí trong đội hình không cố định, bất kì cầu thủ nào (trừ thủ môn) cũng có thể trở thành cầu thủ tấn công hoặc phòng ngự tùy vào từng tình huống. Họ xông lên tấn công như thủy triều dâng và kéo về phòng ngự như thủy triều xuống.

Nghệ sĩ với EURO: 3 kỳ EURO đi vào 'tiềm thức bóng đá' - Ảnh 2.

Bộ tứ huyền ảo của ĐT Pháp 1984

Đội hình ĐT Hà Lan 1984 là các cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" của đội quân mang áo "màu da cam", nổi tiếng nhất là bộ ba "người Hà Lan bay": Ruud Gullit, Marco Van Basten, Frank Rijkaard. Dưới sự chỉ huy của "tướng quân" Rinus Michels, các cầu thủ Hà Lan thi đấu biến ảo khôn lường.

 Dẫn đầu đoàn binh là "Gullit tóc dài" Bốn mặt trên sân Màu da cam lấp loáng

Bóng từ Koeman qua chân Basten ào như gió thoảng

Không hiểu từ đâu bóng đã giữa khung thành.

Trận chung kết EURO 88 giữa đội Hà Lan và Liên Xô là trận chung kết trong mơ. Đội Liên Xô năm đó có một dàn cầu thủ đẳng cấp, từng thắng như chẻ tre. Đó là các cầu thủ như Rats, Alejnikov, Cherenkov, Litovchenko, Belanov, Protasov… Liên Xô đứng đầu bảng B với 2 thắng 1 hòa. Trong trận đấu bán kết, họ thắng oanh liệt đội Ý với tỉ số 2-0.

Liên Xô gặp Hà Lan quả là "kì phùng địch thủ", rất khó đoán định. Tuy nhiên, "cơn lốc màu da cam" đã chiến thắng bằng tỉ số 2-0 và bàn thắng ấn định tỉ số của Van Basten (phút 54) hay tới mức "không thể tin được", đã đi vào lịch sử và sau này, những người yêu chuộng trái bóng tròn còn phải nhắc đến nhiều.

EURO 92: Đan Mạch - từ không đến có

Đan Mạch được gọi tham dự EURO 92 vào phút cuối, khi đội Nam Tư (đã vượt qua vòng loại) phải ở nhà do đất nước đang trong tình trạng bất ổn. Ai cũng nghĩ, Đan Mạch gặp may, tham gia cho "đủ mâm đủ bát". Quả thực, số phận của anh chàng "vé vớt" thật hẩm hiu khi bảng 1 của họ có hai tên tuổi của bóng đá châu Âu (và thế giới) là Anh và Pháp cùng Thụy Điển (đội chủ nhà, cũng rất mạnh).

Ấy vậy mà, ngay tại vòng bảng, Đan Mạch lần lượt "tiễn" hai "ông lớn" Anh và Pháp về nhà. Đứng thứ hai bảng 1, vào bán kết, Đan Mạch "đụng" đương kim vô địch Hà Lan (đứng đầu bảng 2). Ai cũng nghĩ với Đan Mạch, thua trận này vào tranh giải Ba, Tư là oách lắm rồi. Vậy mà, dàn quân Hà Lan bị thúc thủ (5-4) bởi "bàn tay nhựa" - thủ môn Peter Schmeichel - trước chấm 11m (sau khi hòa 2-2).

Thắng bởi loạt penalty may rủi, Đan Mạch đối đầu đội Tây Đức lừng danh trong trận chung kết. Lúc này, ngay cả những khán giả lạc quan nhất cũng đều cho rằng "cuộc phiêu lưu của những chú lính chì" đã kết thúc. Thế nhưng…

Chữ "nhưng" trong bóng đá thật lạ lùng. Nó có thể làm đảo lộn tất cả. Đội Đức chuẩn bị cho EURO 92 với một loạt anh tài, nhìn vào đã khiếp: A. Kopke (thủ môn); các hậu vệ: A. Brehme, J. Koler. G. Buchwald,…, các tiền vệ Effenberg, M. Sammer, A. Moller, Th. Habler; các tiền đạo R. Voller, A. Thom, J. Klinsmann, K. Riedle… Vậy mà, trận chung kết lại xảy ra theo một kịch bản khó tin. Đan Mạch dẫn ngay phút 18 bằng bàn thắng của Jensen. Không sao, trận đấu còn dài, người ta tin đội Đức sẽ nhanh chóng lật ngược thế cờ. Thế nhưng, phút 78 Vilfort làm cả châu Âu câm lặng bằng bàn thắng không chê vào đâu được. "From zero to hero" - Từ tay không trở thành anh hùng. Đan Mạch trở thành một hiện tượng bất ngờ kì diệu nhất của Giải Vô địch Bóng đá châu Âu năm 1992.

Kì lạ thay, nghịch lí trái bóng tròn

Cái không thể đã trở thành có thể

Truyện cổ tích "chú lính chì" từ một thời xa thế

Giờ tự nhiên hiển hiện giữa đời thường.

Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link