21/02/2025 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
Với tổng tỷ số sau 2 lượt trận là 0-7, Nam Định FC đã dừng bước ở đấu trường AFC Champions League Two theo một cách không mong muốn, mặc dù nhà vô địch Việt Nam cũng đã cố gắng hết sức, nhất là đầu tư vào lực lượng với dàn ngoại binh đông đảo.
Nỗ lực bất thành, nhưng thất bại của Nam Định cũng đã để lại cho bóng đá Việt Nam một bài học đắt giá theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
1. Việc Nam Định tung ra sân đội hình có đến 8 cầu thủ ngoại ở cả trận lượt đi lẫn lượt về không có gì đáng nói. Sân chơi AFC Champions League không khống chế số lượng ngoại binh và với các CLB đến từ Đông Nam Á, thì đó là cách duy nhất để tìm kiếm những kết quả tích cực. Điều đáng nói nằm ở chỗ phía đội bóng Nhật Bản Sanfrecce Hiroshima chỉ cần dùng 1 ngoại binh nhưng cũng đã vượt trội hoàn toàn. Nghĩa là trong chuyện sử dụng cầu thủ ngoại, số lượng không quan trọng bằng chất lượng.
Hãy nhìn rộng hơn một chút. Tại đấu trường cao cấp nhất, tức AFC Champions League Elite, hai đại diện đến từ Đông Nam Á là Buriram United (Thái Lan) và Johor Darul Ta'zim (JDT - Malaysia) đã gây sốc khi có mặt trong nhóm 8 đội hàng đầu khu vực Đông Nam – Bắc Á để tiến vào vòng đấu play-off. Đội bóng đến từ Malaysia còn gây ấn tượng mạnh khi thắng đậm Pohang Steelers của Hàn Quốc tới 5-2 ở loạt trận cuối. Trước đó, họ đã thắng 2 CLB Hàn Quốc khác là Ulsan và Gwangju, hay đại diện duy nhất của Australia, Central Coast. Johor Darul Ta'zim xếp trên nhiều đại diện hàng đầu của Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia, chỉ kém ba đội dẫn đầu đều đến từ Nhật Bản.
Bí quyết thành công của cả Johor Darul Ta'zim và Buriram ở chiến dịch AFC Champions League Elite mùa này đó là sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, sử dụng số lượng lớn cầu thủ ngoại. Buriram United thường sử dụng duy nhất một nội binh từ đầu là Suphanat Mueanta, trong khi Johor Darul Ta'zim có Arif Aiman Hanapi. Đây cũng là hai cầu thủ tốt nhất của hai nền bóng đá Thái Lan và Malaysia hiện tại. Trên băng ghế dự bị của hai đội bóng này cũng đều là các tuyển thủ quốc gia hàng đầu như Supachai Chaided, Sasalak Haiprakhon (Thái Lan) hay Matthew Davies, Morales (Malaysia).
Nói cách khác, những đội bóng Đông Nam Á nói trên thành công nhờ sử dụng tối đa ngoại binh. Danh sách đăng ký của đội bóng đến từ Malaysia có đến 19 ngoại binh, trong đó có 4 tuyển thủ đến từ các đội tuyển quốc gia Đông Nam Á. Còn Buriram thì… ít hơn, chỉ có 13 ngoại binh cùng 7 tuyển thủ quốc gia Thái Lan. Công thức này thực ra đã được áp dụng từ lâu. Trong các mùa giải trước, Buriram hai lần vượt qua vòng bảng - thậm chí lọt vào tứ kết năm 2013 - trong khi JDT lọt vào vòng 16 đội lần đầu tiên năm 2022.
Nói tóm lại, ra đá ở cấp đội châu Á, thì cần xác định ngay và luôn: Thành – Bại tại ngoại binh.
Nam Định sử dụng đội hình xuất phát có tới 8 ngoại binh nhưng vẫn thua 0-3 ngay tại sân nhà Thiên Trường trước Sanfrecce Hiroshima có lúc chỉ toàn cầu thủ nội địa. Ảnh: Song Ngọc
2. Trở lại với thất bại của Nam Định trong lần đầu tiên họ chơi bóng ở sân chơi quốc tế. Tất nhiên đội bóng thành Nam không làm gì sai khi sử dụng tối đa ngoại binh mà họ có, vấn đề là không ai trong số các ngoại binh của Nam Định đạt đến trình độ chơi bóng như Rafaelson, người bây giờ đã trở thành một cầu thủ nội với cái tên Nguyễn Xuân Son.
Nếu Nam Định lên ngôi vô địch V-League lần đầu tiên chủ yếu nhờ các bàn thắng của Xuân Son, thì ngay cả việc họ vào đến vòng knock-out của AFC Champions League Two cũng nhờ công của tiền đạo này với 5 bàn thắng trong số 13 bàn của Nam Định cho đến trước khi anh bị chấn thương trong màu áo đội tuyển Việt Nam.
Nhìn cách mà các cầu thủ ngoại của Nam Định chơi bóng trong 2 trận đấu trước Sanfrecce Hiroshima, người ta buộc phải đặt vấn đề: Nếu HLV Vũ Hồng Việt sử dụng cầu thủ Việt Nam để thay thế, thì vẫn sẽ thua nhưng chưa chắc là thất bại toàn diện đến vậy. Có cảm giác Nam Định mua ngoại binh chỉ để đối phó, còn HLV Vũ Hồng Việt thì buộc phải sử dụng vì không thế tốn nhiều tiền trả lương mà lại không dùng.
Đó chính là vấn đề. Mục đích thế nào thì kết quả thế ấy. Những đội bóng hàng đầu Thái Lan và Malaysia vốn có tham vọng ở tầm châu lục. Việc họ đầu tư vào ngoại binh xuất phát từ nhu cầu ấy. Đây cũng là lý do mà 2 đội nói trên không chấp nhận "nhả" cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia ở ASEAN Cup 2024 vừa qua, khiến Malaysia cũng như Thái Lan mất đi nhiều trụ cột. Sự quyết liệt ấy thể hiện tham vọng và kết quả thật tương xứng.
Trong khi đó, cách nhiều đội bóng Việt Nam, như trường hợp Nam Định, sử dụng ngoại binh có khá nhiều vấn đề khi mục tiêu chính có khi chỉ là "người ta có thì mình cũng có". Số lượng cầu thủ ngoại có trình độ vượt trội, như trường hợp Xuân Son hay Hoàng Vũ Samson, Đỗ Merlo… khá ít. Hiểu theo một cách nào đó, các CLB Việt Nam tuyển mộ ngoại binh chỉ cần "vừa túi tiền" và có chút sức vóc, kỹ thuật nhỉnh hơn cầu thủ nội một chút là được.
3. Trong thế giới bóng đá ngày càng phẳng, việc mở cửa cho cầu thủ ngoại, từ cấp độ CLB cho đến đội tuyển là xu hướng bắt buộc nếu không muốn tụt hậu. Nhưng ngoại binh ở Việt Nam là một "con dao 2 lưỡi". Có mà không dùng thì không được, nhưng dùng không hợp lý, không đúng mục đích, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nội lực của nền bóng đá. Một ngoại binh có trình độ tương đương cầu thủ nội, nhưng cứ ra sân liên tục sẽ lấy đi chỗ của cầu thủ trẻ. Trong trường hợp này, là gây hậu quả.
Trường hợp của Xuân Son có thể nói là sự may mắn cho đội tuyển Việt Nam và cả CLB Nam Định. Nhưng thực tế thì Xuân Son cũng mất thời gian để hòa nhập và nâng dần trình độ khi đá chung với các cầu thủ nội tại V-League chứ không phải nhân tài đột ngột xuất hiện. Vì lẽ đó, dù không có Xuân Son ở trận chung kết lượt về thì dàn cầu thủ nội vẫn chơi tốt để giành chức vô địch. Tác động của Xuân Son trong trường hợp cụ thể này, chính là động lực tinh thần.
Câu chuyện đó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc sử dụng cầu thủ ngoại. Họ có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực, thậm chí là thay đổi đẳng cấp của một tập thể và cả nền bóng đá, không chỉ từ những bàn thắng mà còn ở thái độ, tinh thần chơi bóng. Nhưng cũng phải thực tế là ngoại binh không thể thay thế toàn diện vai trò và sự cần thiết của các cầu thủ nội. Lựa chọn ngoại binh như thế nào, giao cho họ vai trò gì, đó mới thực sự là điều mà các CLB phải thể hiện được trách nhiệm của mình với sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.
Không nói đâu xa, Sanfrecce Hiroshima dùng những cầu thủ người Nhật Bản vẫn ở đẳng cấp vượt trội so với dàn ngoại binh của Nam Định. Bóng đá Nhật Bản đã và vẫn đang sử dụng ngoại binh, nhưng họ đã có một quá trình vài chục năm để thay đổi toàn diện nền bóng đá từ chính những lợi ích khi thuê cầu thủ ngoại trước đây, để bây giờ chính cầu thủ Nhật Bản còn đắt giá hơn các ngoại binh.
Sau thành công với Nguyễn Xuân Sơn, có thể khẳng định rằng xu thế cầu thủ nhập tịch được xem là một phần tất yếu của đội tuyển Việt Nam với khát vọng vươn xa hơn, không chỉ trong khu vực mà còn ở đấu trường châu lục. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cần được tiếp tục phát triển một cách đúng đắn và khoa học. Một đội tuyển quốc gia mạnh cần có sự pha trộn giữa kinh nghiệm, tài năng bản địa và cả những cầu thủ nhập tịch có khả năng tạo ra khác biệt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất