18/09/2015 13:37 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2013, khi tái bản cuốn sách về lịch sử chiến thuật bóng đá thế giới có tên “Inverting the Pyramid” (tạm dịch: “Lật ngược kim tự tháp”), biên tập viên của nhà xuất bản Orion Books đã viết lên bìa sau những câu chữ kinh điển.
Nội dung như sau: “Jonathan Wilson nhìn lại sự phát triển của chiến thuật bóng đá từ tận cuối thể kỷ 19 tới nay và gián tiếp chứng minh rằng, người Anh chưa bao giờ nắm được hơi thở thời đại”…
1. Cho tới nay, rõ ràng đó vẫn là một nhận định kinh điển. Thậm chí, nó ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn bởi chính những người trong cuộc. Gary Neville - huyền thoại của Manchester United, hiện được coi là chuyên gia phân tích bóng đá số một nước Anh - từng gây “sốt” khi đề cập tới vấn đề này.
Đó là ngày 22/12/2014, sau trận cầu đinh giữa Arsenal và Liverpool, Neville khẳng định anh “vô cùng thất vọng” về tính tổ chức ở hàng tiền vệ của cả hai đội. Neville sau đó sử dụng băng hình trận đấu giữa Athletic Bilbao và Atletico Madrid diễn ra trước đó ít ngày để chứng minh rằng, La Liga xem ra đang có mặt bằng trình độ chiến thuật cao hơn hẳn Premier League.
Điều ấy dường như đúng khi các đại diện La Liga là Real Madrid, Barcelona, Sevilla, Atletico Madrid… đã thay nhau làm mưa làm gió tại Champions League và Europa League.
Hãy quay lại những ngày cuối tháng Tám, khi Premier League mới khởi tranh. Matteo Darmian chia sẻ trên báo Tuttomercatoweb (Italy): “Premier League khác với Serie A... Ở đây yếu tố chiến thuật kém hơn. Mỗi đội chỉ tập trung chơi theo lối của mình”.
Và mới nhất, ngay sau khi Manchester City thua Juventus ngay tại Etihad. Patrice Evra, người từng thi đấu nhiều năm tại Anh, đánh giá: “Các đội bóng Italy chuẩn bị tốt hơn về mặt chiến thuật, và đó là thứ tạo ra khác biệt tại Champions League... Premier League có thể là giải đấu hấp dẫn nhất để theo dõi, nhưng chiến thuật thì rất hạn chế”.
2. Rõ ràng, có một sự đồng điệu trong quan điểm của những nhà báo, chuyên gia, cầu thủ trong vấn đề này. Nước Anh đang bị đánh giá là tụt hậu so với các giải đấu khác về mặt chiến thuật. Liệu đây có thực sự là vấn đề của họ? Đây có thực sự là yếu tố khiến họ thường xuyên gây thất vọng tại Champions League những năm qua?
Mùa giải 2013-14, khi Atletico vào tới Chung kết Champions League, huyền thoại huấn luyện Arrigo Sacchi khen ngợi họ rằng: “Vấn đề không phải là ngôi sao của Diego (Simeone) là ai, mà là cách họ chơi bóng cùng nhau như thế nào”. Cũng như những huyền thoại về chiến thuật bóng đá như Johan Cruyff hay Valeriy Lobanovskyi, Sacchi tin rằng một đội bóng có thể sẽ thắng một trận đấu nhờ một ngôi sao tỏa sáng. Nhưng để đi qua một chặng đường dài, hệ thống chiến thuật là yếu tố tất yếu cần được tổ chức thực hiện.
3. Người Anh xem ra chỉ nắm được một nửa của vấn đề. Họ đã quá tập trung vào những tên tuổi mà quên mất rằng bóng đá là một trò chơi của tập thể, và để tập thể vận hành tốt thì cần hệ thống chiến thuật được bố trí, tính toán kỹ càng.
Bằng chứng lớn nhất chính là “Thế hệ vàng… hụt” của những David Beckham, Michael Owen, Steven Gerrard, Frank Lampard, Rio Ferdinand, John Terry… Họ tràn ngập ngôi sao, nhưng thất bại trong mọi giải đấu lớn đã tham dự.
Kể từ thời điểm Jose Mourinho cùng Inter Milan vô địch Champions League vào năm 2010 tới nay, chưa từng có đội bóng nào liên tục đi sâu ở đấu trường này mà không có điểm nhấn đáng kể về chiến thuật thi đấu. Paris Saint-Germain có lẽ là cái tên hiếm hoi, nhưng quả thực họ cũng chưa từng đi tới trận đấu cuối cùng.
Đã có một thời Premier League thăng hoa tại Champions League, đó là năm tháng của những Rafa Benitez, Alex Ferguson, Jose Mourinho. Còn ba năm qua, Mourinho vẫn đơn độc.
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất