Ông Võ Thành Tân:Tổng Giám Đốc DN sách Thành Nghĩa |
(TT&VH Online) -
Hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ (thuộc DN sách Thành Nghĩa) nổi tiếng rộng bao nhiêu thì căn phòng làm việc của ông Tổng Giám đốc Tân lại nhỏ bấy nhiêu.
Chỉ vừa đủ rộng đặt hai chiếc bàn, một để làm việc và một uống trà. Từ cửa sổ căn phòng chật hẹp ấy nhìn ra đường An Dương Vương rợp bóng cây, xéo qua bên kia góc đường, nơi cách đây hơn 10 năm có một ki-ốt nhỏ bán sách báo thuở hàn vi khởi nghiệp của anh.
(Kỳ 1) - Tham Vọng
Tròn 40 tuổi, có trong tay 15 nhà sách ở TP.HCM, Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Ngãi... từ hai bàn tay trắng, không huy động vốn bên ngoài. Anh không giấu giếm tham vọng sẽ mở rộng hệ thống nhà sách Thành Nghĩa ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Mất cha, mất mẹ, mất văn hóa là mất tất cả. Quan niệm của tôi là vậy. |
- Vì sao một người học chuyên ngành Địa lý như anh lại bắt tay vào con đường kinh doanh?
- Tôi yêu sách từ nhỏ. Nhà có đến 9 anh em, tôi là con thứ 8. Gia đình đông con ở quê làm sao mà giàu được. Lúc đó, muốn đọc sách chỉ có cách mượn chuyền tay. Tôi lớn lên từ những cuốn sách. Cực khổ đến mấy, nhất là thời sinh viên vừa học vừa làm, tôi vẫn không thể nào quên sách. Sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp TP.HCM năm 1993, không tìm được việc ở các cơ quan, tôi bắt tay vào kinh doanh sách như là cách để có cơ hội tiếp xúc với sách, thứ mà tôi mê mệt và thực ra, cũng muốn thực hiện ước mơ làm giàu. Làm giàu cho tôi, cho gia đình tôi và quê hương tôi. Nhưng số vốn ban đầu ít ỏi ấy chỉ đủ mở một ki-ốt trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5), bán lẻ tẻ vài ba cuốn sách báo. Tiết kiệm từng đồng để tích lũy vốn, năm 1998 tôi thành lập DN tư nhân và mở một nhà sách. Cứ thế hệ thống nhà sách của tôi lớn dần như hiện nay.
“Làm gì cũng phải có trước có sau”, Tân nói. Hẳn là anh rất bảo thủ với suy nghĩ của mình khi quyết định không dời “thủ phủ” của DN Thành Nghĩa danh tiếng trong làng sách đến nơi khác với một mặt bằng đủ rộng để xây dựng cơ ngơi tương xứng. Và có lẽ, cũng bởi quan niệm sống có trước có sau đó, những cộng sự của anh đã “bị” thu phục, một lòng cho công việc chung. Tiếp xúc với Tân mới biết rằng, gã đàn ông “không biết nói chuyện”, tính tình thẳng tuột như ruột ngựa, thật thà như nông dân này cũng tình cảm dạt dào, nhất là khi nói về quê hương, mảnh đất miền Trung khắc khổ của anh. |
Có vẻ như việc làm ăn của anh diễn ra suôn sẻ. Tân lắc đầu, bảo rằng: “chẳng suôn sẻ chút nào. May là tôi có tính chịu đựng gian khổ, cần cù và biết nhường nhịn”. Lúc mới ra làm ăn, cái ki-ốt nhỏ của Tân cũng bị người ta, những ki-ốt lâu năm gần ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, “đánh lên dập xuống” đến gần “chết”. Bây giờ, khi đã làm chủ DN, anh không thể tránh khỏi sự cạnh tranh từ nhiều phía với nhiều đối thủ, nhất là thị trường TP.HCM đầy ắp các nhà sách. “Tôi không lo sợ khi phải cạnh tranh bằng trí tuệ nhưng lại sợ đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Tôi có chiến lược kinh doanh của mình và có chiêu thức cạnh tranh mà đối thủ phải kiêng dè: Phong cách phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ nhân viên và một tập thể đoàn kết”, anh khẳng định.
- Nghe nói, để có được một tập thể đoàn kết đó, Thành Nghĩa đã tuyển nhân viên hầu hết là đồng hương của anh?
- Khoảng 50% trong số hơn 2.000 cán bộ, nhân viên của DN sách Thành Nghĩa là người Quảng Ngãi. Nhưng điều đó không đủ để tôi xây dựng được một tập thể đoàn kết. Tôi phải gương mẫu, quan tâm và trân trọng nhân viên của mình thì mới có thể xây dựng được “một mái nhà chung”. Không ít người bạn cũ thời niên thiếu đồng môn của tôi được tôi mời về làm cùng, nhưng cũng có người phản bội lòng tin của tôi đấy chứ. Đó là chuyện thường tình trong cuộc sống. Có như vậy tôi mới rút ra được kinh nghiệm cho bản thân.
Nguyên Trần
( Kỳ sau: Võ Thành Tân - "Anh nông dân" trở thành triệu phú )