15/05/2015 08:08 GMT+7
Việc chị Huỳnh Thị Ánh Hồng nhặt được 5 triệu yen (tiền Nhật) trong thùng loa cũ có lẽ cũng tương tự như việc anh nông dân đào được hũ vàng. Cũng giống như anh nông dân, người phụ nữ bán ve chai ấy không có tính tham, dù chị nghèo. Chị đem tiền nhặt được nộp cho công an. Công an bảo một năm nữa, theo Luật Dân sự, điều 239, không ai nhận chị có quyền hưởng. dư luận nói chung mừng cho chị.
Nghèo mà thật thà ai cũng thương! Rồi vào phút chót bỗng có người đến nhận. Công an quận Tân Bình, TP.HCM, đơn vị thụ lý vụ việc này cho rằng, sự việc đang có dấu hiệu của tranh chấp khi nhận được đơn trình báo của bà Phạm Thị Ngọt nhận rằng số tiền 5 triệu yen ấy thuộc về bà. Thế là những vấn đề pháp lý lại tiếp tục được đặt ra, khi mà Công an Tân Bình đã chuyển hồ sơ lên tòa án giải quyết. Khổ, chị ấy có tranh chấp đâu, chị ấy đem tiền đi nộp công an cơ mà. Việc gì lên tận tòa án chứ!
Nghe đâu người định tranh chấp với chị Hồng chưa chứng minh được nguồn gốc số tiền 5 triệu yen. Thời hạn một năm đã qua. Số tiền tương đương 1 tỷ, rất lớn so với một người bán ve chai nhọc nhằn từ sáng đến tối để kiếm được trăm nghìn, nhưng so với nhiều người giàu nước mình thì không là mấy, vẫn không được trao cho người nhặt được.
Nghe nói để giải quyết tranh chấp và đúng thủ tục, chị Hồng phải chờ 9 năm nữa... Gần hết 9 năm, có lẽ lại bất chợt có người nữa xuất hiện và bảo số tiền ấy của mình. Có thể lại chờ thêm 9 năm nữa. Tiền trong thùng loa, nhìn ảnh thấy cũ lắm, có lẽ lúc ấy mục ra rồi.
Với chị Hồng, số giàu không đến dửng dưng, có lẽ thế, như trong truyện dân gian... Thôi mỗi thời một cách giải quyết. Anh nông dân trong truyện tự dưng thấy hũ vàng trong nhà, anh ấy chẳng phải báo ai, nộp ai. Chị bán ve chai làm đúng pháp luật thì có khi phải ra tòa xử vụ tranh chấp tiền... mà tòa xử thua, thì chắc phải chịu.
Luật nó thế, thì biết làm thế nào!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất