Người châu Á: Tiền bạc có thể mua được hạnh phúc

06/11/2014 13:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các nước mới nổi, đang phát triển tại châu Á đang nhận ra điều tương tự các nước phát triển đã thấy cách đây nhiều năm: Tiền và những thứ nó mua được có thể mang lại hạnh phúc, hoặc ít nhất là sự hài lòng.

Trung tâm Nghiên cứu Pew đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu về xếp hạng hạnh phúc, bằng cách tổ chức các cuộc thăm dò dư luận yêu cầu người dân tại 43 quốc gia tự đặt mình vào một "bậc thang của cuộc sống".

Tiền có thể “mua" được hạnh phúc...

Trong đó các nấc trên cùng của bậc thang tượng trưng cho đời sống tốt đẹp, hạnh phúc nhất và dưới cùng đại diện cho mức tồi tệ nhất. Pew đã từng tiến hành 1 khảo sát tương tự năm 2002 và năm 2005 ở hầu hết các quốc gia kể trên.

Theo kết quả vừa được Pew công bố, các nước đang phát triển nhanh như Indonesia, Trung Quốc và Malaysia hiện đang là đối thủ "ngang sức ngang tài" về mức hạnh phúc so với Mỹ, Đức và Anh. 3 nước giàu có này từ lâu đã đứng đầu BXH hạnh phúc. Như vậy, sự tăng lên của tổng thu nhập quốc dân đã có liên quan nhất định tới sự hài lòng của mỗi người dân. Nói một cách khác, trong một xã hội đang tạo ra nhiều tiền bạc, người ta quả có cảm thấy hạnh phúc

..nhưng không phải là yếu tố duy nhất!

Tuy nhiên dữ liệu thu được cho thấy có giới hạn nhất định về mức độ hạnh phúc mà tiền có thể “mua” được. Ví dụ, 56% người Malaysia cho biết họ hài lòng với cuộc sống của mình - tương đương với bậc 7 trên thang hạnh phúc, nhiều hơn đáng kể so với mức 36% ở Bangladesh, một nước còn rất nghèo khó. Tuy nhiên tại nước Đức, nơi có tổng thu nhập quốc dân (GDP) trên bình quân đầu người cao hơn nhiều so với Malaysia, cũng chỉ có 60 % số người dân bày tỏ sự hài lòng (bậc 7) về cuộc sống của họ. Con số này chỉ nhỉnh hơn 4 % so với Malaysia.

Dù sự giàu có giúp mang lại hạnh phúc hơn, nhưng đây không phải yếu tố duy nhất. Những yếu tố khác còn ảnh hưởng tới hạnh phúc gồm có giới tính, tuổi tác hay tình trạng hôn nhân. Theo đó, phụ nữ có xu hướng hạnh phúc hơn đàn ông; những người chưa lập gia đình ít hạnh phúc hơn những người đã lập gia đình. Tương tự, người ở tuổi trung niên thường không thấy mãn nguyện bằng người trẻ tuổi. 


Nụ cười hạnh phúc của một phụ nữ Trung Quốc khi tham gia điệu nhảy đường phố tại Bắc Kinh, Trung Quốc

 Kết quả cuộc khảo sát của Pew, dựa trên 47.643 cuộc phỏng vấn đối với người lớn từ 18 tuổi trở lên tại 43 quốc gia, cũng cho thấy người dân ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ưu tiên những yếu tố thiết yếu trong cuộc sống, bao gồm sức khỏe, giáo dục con cái và sự an toàn. Ít người thuộc các nền kinh tế này cho rằng việc truy cập Internet, sở hữu xe hơi, có nhiều thời gian rảnh hoặc thực hiện nhiều chuyến du lịch là quan trọng trong cuộc sống của họ.

Tại Indonesia, 58% những người được hỏi đã tự đặt mình trên bậc 7 trong "bậc thang cuộc sống" hoặc cao hơn, tăng 35% so với số liệu năm 2007. 56% người Malaysia cho rằng họ hạnh phúc so với 36% được thống kê 5 năm trước đây. Việt Nam, nước không tham gia cuộc khảo sát năm 2007 có tới 64% số người xếp bản thân vào bậc thang thứ 7 hoặc cao hơn.

Dưới đây là một số ý kiến từ người dân 3 quốc gia này:

VIỆT NAM

"Tiền không đảm bảo được hạnh phúc" - Nguyễn Thị Mai, một giáo viên về hưu 66 tuổi cho biết khi bà đang thoải mái ngồi trên chiếc ghế nhìn ra hồ Hoàn Kiếm tuyệt đẹp ở trung tâm Hà Nội - "Có nhiều người không có tiền nhưng vẫn có một cuộc sống hạnh phúc vì các thành viên gia đình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Và cũng có những gia đình giàu có nhưng vợ chồng thường xuyên cãi cọ còn con cái thì nghiện ngập."

"Tôi không có quá nhiều áp lực phải kiếm sống như nhiều người khác, vì cha mẹ có thể chi trả cho cuộc sống của tôi khi tôi chưa có việc làm" - Nguyễn Phương Linh, một sinh viên mới ra trường đang đứng phát tờ rơi quảng cáo cho người qua đường bên ngoài một siêu thị tại Hà Nội nói - "Nhưng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu tôi tự có một công việc với mức lương tốt."

MALAYSIA

"Đối với tôi, tiền có thể mua rất nhiều hạnh phúc vì tôi là người thích vật chất" - doanh nhân Tony Wong nói - "Nhưng đó không phải là điều duy nhất khiến tôi hạnh phúc. Tiền là số 1 trên danh sách top 5 của tôi, tiếp theo là sức khỏe, gia đình, chó và bạn bè."

Rusmaini Jusoh, một bà nội trợ ở Malaysia và là mẹ của ba đứa con cho biết cô từng cãi nhau rất nhiều với người chồng làm nghề lái xe tải về vấn đề tiền bạc. Nhưng mọi thứ đã được cải thiện sau khi cô bắt đầu mở một cửa hàng bán quần áo cũ của trẻ em qua mạng Internet. "Do có nhiều tiền hơn, chúng tôi có thể đưa các con đi nghỉ và mua bất cứ thứ gì chúng muốn. Điều đó làm tôi hạnh phúc" -Rusmaini nói - "Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải biết trân trọng những gì mình có. Điều này chắc chắn sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn."

INDONESIA

"Tất nhiên, không có tiền thì bạn không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của bản thân. Nhưng tiền không phải là tất cả mọi thứ" - Irwan Yahya, một kỹ sư cơ khí 45 tuổi ở Jakarta đang điều hành công ty của riêng cho biết  - "Nếu không, hạnh phúc đã chỉ thuộc về những người giàu có."

Daisy Daryanti, một bà nội trợ Indonesia 50 tuổi, nói rằng tiền có thể mua được hạnh phúc nhưng chỉ trong một "thời điểm" nhất định.

"Hạnh phúc là tương đối, không chỉ đơn thuần là về tiền bạc, mà còn là sự thanh thản trong tâm hồn” - bà nói.

Vân Anh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link