'Trường học' K-pop (Bài 2): Tôi đẹp, tôi thạo tiếng Anh, tôi làm… ca sĩ

08/09/2013 14:26 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - "Họ đẹp đẽ đến nhàm chán" - nhận xét của trang The Verge (Mỹ) về các ca sĩ thần tượng Hàn Quốc - nghe hơi trái khoáy, dù người viết – biên tập viên Joseph L. Flatley – thừa nhận yêu thích nhạc Hàn.

Năm ngoái, cũng sau đại nhạc hội KCON ở Los Angeles, trang The Verge đã kết luận: "Đối với những người Mỹ chưa biết gì về K-pop, có thể họ sẽ mất phương hướng. K-pop là một thung lũng âm nhạc bí hiểm nơi Đông - Tây hội ngộ".

Khi quảng bá văn hóa, người Hàn nhấn mạnh vào bản sắc, nhưng cũng tự hào vì K-pop - thứ được "phương Tây hóa" rõ rệt.

Xem trước tương lai của thần tượng

Theo Korea Times, các công ty giải trí Hàn khi tuyển chọn thần tượng cao tay ở chỗ "sử dụng phần mềm máy tính để xem giọng hát và ngoại hình của các thiếu niên đó sẽ như thế nào sau 3 đến 7 năm". 3 đến 7 năm cũng là khoảng thời gian thông thường để đào tạo một thần tượng.

Blog Harvard Business Review chỉ ra một chi tiết quan trọng khác: một nhóm nhạc thường phải có các thành viên người nước ngoài hoặc biết tiếng nước ngoài để thuận lợi cho quảng bá quốc tế. Các thành viên đó thường là người Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ hoặc Hàn kiều – đều là những thị trường quan trọng của K-pop.

Ca sĩ Hàn Quốc biểu diễn trước đám đông khán giả ở nhạc hội KCON ở Los Angeles, Mỹ.
Marg Lee, một luật sư ở Los Angeles, cũng từng là thần tượng K-pop. Thời niên thiếu, cô và em gái từng được chọn vào nhóm nhạc T.T.Ma của Hàn Quốc. Hai chị em sinh ra ở Dallas (Mỹ) và về Hàn Quốc năm Lee học lớp 8, rồi cùng tham gia cuộc thi tuyển của một công ty giải trí.

"Tôi không thực sự hát hay" – Lee nói – "nhưng công ty vẫn muốn tôi vào nhóm vì tôi biết nói tiếng Anh và họ khen ngoại hình của tôi". Nhóm T.T.Ma thành lập năm 1999, hoạt động được 2 năm, không nổi danh lắm, rồi Lee hủy hợp đồng và đi học trở lại. Giờ đây, cô làm luật sư.

Đẹp đẽ có nhàm chán?

"K-pop không phải chỉ là một bài hát hoặc một thể loại âm nhạc, đó là một mảng văn hóa" – theo Martina Stawski, người làm trang video blog về văn hóa Hàn Eat Your Kimchi với chồng là Simon Stawski.

Còn Simon lưu ý trang The Verge về việc Psy không phải là một ngôi sao K-pop điển hình, bởi Gangnam Style giễu nhại tung tẩy trong khi các video K-pop khác "rất nghiêm túc, sexy và cắt dựng công phu".

The Verge bình luận: "Một nhóm nhạc K-pop điển hình bao gồm một vài người trẻ tuổi, trông đẹp đẽ đến nhàm chán". Người hâm mộ hẳn sẽ không hài lòng với nhận định này, nhưng nhàm chán hay không tùy góc nhìn nên thật khó tranh luận.

"K-pop thật đáng sợ" – Ellen Kim, một vũ công kiêm biên đạo múa ở Los Angeles chia sẻ cảm tưởng. "Nếu hoạt động ở Hàn, tôi sẽ điên mất. Tốc độ quá nhanh. Bạn ra một bài hát, tốn nhiều công sức, nhưng chỉ một tuần thôi là nó đã trở nên cũ. Người Hàn muốn mỗi tuần đều phải có bài hát mới".

"Đó là áp lực kinh khủng nhất. Lúc nào cũng chạy theo những giai điệu bắt tay, những “hit” nhất thời, có đến cả tấn nghệ sĩ. Vòng đời của một bài hát quá ngắn ngủi".

Các chương trình âm nhạc hằng tuần của Hàn Quốc được cập nhật liên tục. Các ca sĩ, nhóm nhạc có vài tuần đến vài tháng để quảng bá một bài hát. Nếu không ra thêm tác phẩm mới (đi kèm là biểu diễn, lên truyền hình, chụp ảnh tạp chí), hình ảnh của họ sẽ trở nên nhàm chán, kể cả với người hâm mộ.

Chính người hâm mộ cũng "đói khát" thông tin của thần tượng, họ theo dõi đủ loại mạng xã hội (Twitter, Tumblr, Instagram, Facebook, Weibo…) để không bỏ sót tin mới và thất vọng khi không có cập nhật. Đó cũng là một áp lực.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link