18/09/2019 07:01 GMT+7 | Thế giới Sao
(Thethaovanhoa.vn) - Có 2 câu nói nổi tiếng để mô tả về sự giàu có và tầm ảnh hưởng của người đàn ông đó. Một đến từ Steve Jobs: “Ông biết đấy, Bernard, tôi không biết liệu 50 năm nữa iPhone có duy trì được thành công hay không nhưng tôi chắc chắn ai ai cũng sẽ uống rượu Dom Pérignon của ông”. Câu nói còn lại mang tính khái quát hơn: “Mọi con đường ở Paris đều dẫn đến Bernard”.
Đó là Bernard Arnault, tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, người được cho là đang lên kế hoạch mua lại CLB bóng đá AC Milan.
Những thương vụ thâu tóm lịch sử
Arnault là Chủ tịch kiêm CEO của Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) - tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Ở tuổi 70, Arnault đã trải qua hơn 4 thập kỷ xây dựng, biến LVMH từ một công ty dệt may sắp phá sản của Pháp trở thành một tập đoàn toàn cầu với doanh thu 46,8 tỷ euro vào năm 2018, sở hữu 70 thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Dior, Givenchy, Veuve Clicquot và Dom Pérignon. Bloomberg ước tính tài sản của ông ở mức 107,6 tỷ USD (97,6 tỷ euro).
Năm 1971, ở tuổi 22, Arnault tốt nghiệp trường Ecole Polytechnique danh tiếng ở Paris với tấm bằng kỹ sư, trở về quê nhà Roubaix - một thành phố công nghiệp ở phía Bắc nước Pháp, để phát triển công ty xây dựng của gia đình theo nguyện vọng cha mẹ. Trong những năm đó, Arnault có cơ hội đến Mỹ, nơi ông phát hiện ra sức mạnh của một thương hiệu xa xỉ. Trên một chuyến taxi ở New York, Arnault hỏi tài xế có biết gì về nước Pháp không. Không biết gì về Tổng thống Pháp lúc đó nhưng người tài xế biết đến thương hiệu Dior.
Câu chuyện đó ám ảnh tâm trí của Arnault. Chờ đợi tới năm 1984, cơ hội cuối cùng đến. Boussac - công ty dệt may sở hữu thương hiệu Christian Dior, đứng trước nguy cơ phá sản. Arnault lập tức vận động chính phủ Pháp cho phép ông giành quyền kiểm soát công ty này. Chỉ bằng 1 franc tượng trưng và lời hứa sẽ bảo tồn doanh nghiệp này, Arnault đã có thứ mà mình muốn.
Đó cũng là vụ thâu tóm đầu tiên mà Arnault thực hiện trong vô số những lần gây chấn động hơn nữa về sau này.
Trong suốt thập niên 1990, Arnault tiếp tục bỏ ra hàng tỷ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo, Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith, TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora… Rùm beng nhất là vụ hợp nhất nhà sản xuất sâm panh và rượu Cognac Moet Hennessy cùng nhà mốt Louis Vuitton để tạo nên LVMH sau khi hất cẳng Chủ tịch Louis Vuitton Henry Racamier khỏi công ty gia đình. Kế đến là thương vụ tích lũy cổ phiếu của Hermes bằng cách sử dụng chiến lược chứng khoán phái sinh. Chiến lược của Arnault từng khiến gia đình Dumas - chủ sở hữu của Hermes, phải ra tòa để ngăn LVMH tiếp quản thương hiệu lâu đời của gia đình…
Những vụ thâu tóm đình đám trong ngành thời trang và hàng xa xỉ đã gắn cho Arnault những biệt danh nghe chẳng mấy thiện cảm như “kẻ săn mồi” hay “con sói trong chiếc áo khoác cashmere”…
Mối liên hệ với thể thao?
Liệu sẽ có một thương vụ thâu tóm tương tự xảy ra trong thế giới bóng đá khi có tin đồn Arnault quan tâm tới AC Milan đang thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Elliot?
Từ trước tới nay, mối quan tâm của Arnault dành cho thể thao không nhiều. Arnault thích quần vợt nhưng mới chỉ dừng lại ở đam mê. Thần tượng Roger Federer, thi thoảng Arnault lại mời ngôi sao quần vợt Thụy Sỹ tới Pháp chơi cùng mình. Federer cũng từng là đại sứ của bữa tiệc Moet Chandon được tổ chức bởi LVMH. Bốn đứa con của Arnault (2 con của vợ cũ, 2 con vợ 2) - những người đang giữ những vị trí quan trọng trong tập đoàn, cũng chỉ ưa thích môn trượt tuyết. Họ thỏa mãn thú vui này bằng việc xây dựng resort trượt tuyết Cheval Blanc ở khu Courchevel thuộc dãy Alps của Pháp.
Hầu hết sự quan tâm của gia đình Arnault là dành cho nghệ thuật. Nghệ thuật cũng là lý do giúp vị tỷ phú này bén duyên với người vợ thứ 2, một nghệ sĩ piano. Gia đình Arnault sở hữu nhiều bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị. Tháng 4 năm nay, gia đình Arnault đã tuyên bố quyên góp 200 triệu euro (226 triệu USD) để góp phần xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn - hành động giúp gia đình tỷ phú chiếm được cảm tình của dư luận sau scandal xin nhập quốc tịch Bỉ để né thuế.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất