Hệ thống Apple Store với những mặt kính tinh xảo không chỉ trở thành biểu tượng kiến trúc mà còn thay đổi hoàn toàn cái nhìn về mô hình chuỗi đại lý bán lẻ sản phẩm.
>> Chuyên đề về Steve Jobs
Khi kiến trúc sư Peter Bohlin lần đầu đến gặp Steve Jobs, ông thắt cà vạt. "Steve chỉ cười, và từ đó tôi không bao giờ đeo cà vạt nữa", Bohlin chia sẻ trên báo The New York Time (Mỹ). Đó là sự khởi đầu cho mối quan hệ giữa Jobs và Bohlin trong việc xây dựng trụ sở Pixar, hoàn thiện năm 2001, và hơn 30 gian hàng Apple Store trên khắp thế giới.
"Với tôi, khách hàng tuyệt nhất không phải người luôn khen ngợi những gì tôi làm mà họ tham gia một cách thông minh vào cả quá trình. Khi nhìn lại, thật khó để nhớ và xác định ai và khi nào đã nảy ra một ý tưởng nào đó", Bohlin cho hay.
Sự tinh tế của Steve Jobs không chỉ thể hiện trong các sản phẩm mà còn ở các gian hàng Apple Store. Ảnh: EPA.
|
Giống như Jobs đã chau chuốt lại máy tính cá nhân và điện thoại, ông đặt dấu ấn không thể xóa mờ trong kiến trúc, nhất là trong mô hình đại lý bán lẻ. "Trước đây, các cửa hàng bán sản phẩm ở Mỹ có không gian tù túng. Đa số không được xem xét, chỉnh sửa tỉ mỉ và nhất là không được đầu tư. Nó xấu xí và như cái gai trong phong cảnh chung", James Timberlake, sáng lập công ty KieranTimberlake, nhận định.
Ngược lại, công trình của Bohlin và các đồng nghiệp dành cho Apple lại bóng bảy, lung linh, quyến rũ, tạo cảm giác hi-tech, sang trọng và còn nhiều mỹ từ khác được sử dụng khi người ta mô tả về chúng. Ý tưởng dùng kính trong xây dựng cửa hàng đã trở nên quá nổi bật và độc đáo đến mức Apple đang muốn đăng ký bản quyền cho kiến trúc này. Công ty của Bohlin cũng đã giành được 42 giải thưởng vì những công trình họ làm cho Apple, còn bản thân ông cũng được Viện kiến trúc Mỹ trao huy chương vàng năm 2010.
Đại lý bằng kính đầu tiên do Bohlin thiết kế là ở Soho, New York (Mỹ). "Chúng tôi có một không gian 2 tầng và việc khuyến khích khách hàng chịu lên xuống cầu thang khi đó là một thách thức lớn, nên chúng tôi tính chuyện dùng kính. Steve rất ủng hộ ý tưởng cầu thang kính. Ông nhận ngay ra sự kỳ diệu của nó", kiến trúc sư hiện 74 tuổi kể lại. "Giống như khi kiểm duyệt các sản phẩm Apple, Steve hối thúc chúng tôi tạo không gian làm sao trông vừa đơn giản, trang nhã nhưng lại vừa tinh xảo, nghệ thuật, chi tiết. Tại gian hàng ở Hamburg (Đức), cầu thang như bay trong không trung và chỉ có hai đầu gắn ở chân và đỉnh".
Việc dùng kính trong chuỗi cửa hàng bán lẻ bắt đầu được chú ý khi Apple Store ở Fifth Avenue (New York) ra đời năm 2006. Ban đầu, gian hàng nằm ở vị trí không thực sự "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Nó ở dưới mặt đất và xung quanh toàn là các tòa nhà hình chữ nhật. Các kiến trúc sư đã nghĩ đến giải pháp xây dựng một khối lập phương ánh sáng vừa hài hòa với không gian xung quanh, vừa nổi bật và tinh khôi.
Apple Store nằm kiêu hãnh tại Fifth Avenue và cầu thang đi xuống lòng đất bằng kính. Ảnh: Apple.
|
Mọi người bắt đầu xếp hàng dài từ 42 tiếng trước khi Apple Store khai trương. "Truyền thống" xếp chỗ đợi sản phẩm của "Quả táo" cũng đã bắt đầu hình thành từ đó. Dù thành công, Bohlin và Steve Jobs không lặp lại khối lập phương ở những nơi khác. Apple Store ở Thượng Hải (Trung Quốc) cũng nằm dưới lòng đất nhưng có hình trụ kính uốn cong và trở thành một trong những biểu tượng ở đây.
"Chúng tôi nghĩ, sao lại không xây một gian hàng hình trụ tọa lạc ngay giữa lối đi hình tròn vào khu mua sắm? Nó là một ý tượng hay nhưng vượt tầm kiểm soát của chúng tôi. Tòa nhà lúc đó được khởi công rồi. Tuy nhiên, Steve đã gặp kỹ sư thiết kế để thỏa thuận thiết kế lại và xây lại. Tôi cũng không biết sao ông ấy làm được thế", Bohlin cho hay.
Apple Store ở Thượng Hải nằm trên lối đi hình tròn. Ảnh: USAToday.
Steve Jobs mất ngày 5/10 và Apple mất đi một nhà lãnh đạo vừa có tầm nhìn vừa có con mắt nghệ thuật và giới phân tích bắt đầu lo ngại cho tương lai của hãng này. Tuy nhiên, bên trong trụ sở Cupertino, California (Mỹ) có một đội ngũ chuyên gia đang làm việc cho một dự án tuyệt mật vài năm nay. Dự án đó không phải là một sản phẩm mới mà là một chương trình đào tạo mang tên Apple University. Đây là chương trình Jobs coi là mang tính sống còn với công ty do ông sáng lập: đào tạo ban lãnh đạo Apple "nghĩ" như ông, tức họ phải học khả năng trình bày, chú ý đến tiểu tiết, sự hoàn hảo, đơn giản và bí mật trong mọi kế hoạch từ phát triển sản phẩm cho tới hệ thống phân phối.
"Một trong những điều Steve Jobs nhận ra là Apple không giống bất cứ công ty nào trên hành tinh này và họ cần một bộ tài liệu giáo dục riêng để các nhà quản lý Apple có thể đưa ra quyết định và sáng tạo như thể họ là Steve Jobs", chuyên gia phân tích Tim Bajarin chia sẻ trên báo LA Times.
Theo Vnexpress