02/12/2015 11:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Khán giả ta khó tính. Khán giả ta thiếu chia sẻ, cảm thông với những người đang tham gia lĩnh vực bóng đá… Thực ra, cần đặt ngược vấn đề: bóng đá, cụ thể hơn là VFF, các cầu thủ - đội bóng đã thực sự nỗ lực và tôn trọng khán giả để “thượng đế” không buồn mà bỏ đi?
Ngẫm từ sân Thống Nhất
Những ngày qua, tại giải bóng đá U21 quốc tế - Cúp CLEAR Men 2015, đã xuất hiện những xung đột giữa các nhóm CĐV và người hâm mộ, khán giả trung lập, trên các diễn đàn và trên cả các trang báo mạng, về việc yêu/ghét, bên trọng bên khinh trong vấn đề cổ vũ ĐT U21 Báo Thanh Niên (vẫn bị hiểu nhầm là U21 Việt Nam) và U21 HAGL.
Nói như nhà báo Nguyễn Nguyên trên chương trình Đội tuyển tôi yêu (K+), thì không có sự yêu/ghét ở đây, mà chỉ là yêu nhiều và yêu ít. “Tình yêu cũng cần quá trình xây dựng, tích luỹ, chứ không thể có được trong ngày một, ngày hai, không thể yêu theo kiểu thời vụ”.
Theo nhà báo Nguyễn Nguyên, “những đứa trẻ của bầu Đức” đã cần đến 3-4 năm để chiếm được con tim nơi người hâm mộ, trong khi ĐT U21 Báo Thanh Niên, tuy là tập hợp được những tinh tuý còn lại của bóng đá trẻ, nhưng chỉ tập trung đá giải ngắn ngày. Và khi khán giả mới chớm yêu thôi, họ đã giải tán, ai về nhà nấy rồi, quả khó đòi hỏi.
Chuyện chẳng có gì ầm ĩ, nếu không xuất hiện trên khán đài sân Thống Nhất những tiếng la ó, chửi rủa, của một bộ phận những người hâm mộ yêu theo kiểu thời vụ, hoặc quá cuồng “những đứa trẻ của bầu Đức”, nhằm về phía cầu thủ U21 Báo Thanh Niên. Nhưng cần nhắc lại rằng, họ chỉ là số ít và không đại diện cho ai cả.
Đến chuyện chung của bóng đá Việt
Khán giả có quyền yêu cầu, đòi hỏi thứ bóng đá tử tế, cống hiến. “Đá như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,… hỏi sao không yêu? Họ có thua cũng vẫn thích”, một khán giả chia sẻ.
Tất nhiên, không phủ nhận khái niệm văn hoá cổ vũ bóng đá của khán giả Việt còn khá thấp, nhất là so sánh với fan Thái Lan. Nhưng bóng đá nào thì khán giả đó. Đấy như là quy luật tất yếu.
Bóng đá thời bao cấp, tiền bạc eo hẹp, đời sống khó khăn, nhưng tại sao và như thế nào, các khán đài luôn đầy ắp các SVĐ, từ Cao Lãnh, đến Thống Nhất, Hàng Đẫy,... Ngày xưa cổ vũ văn minh lắm. Không ít cầu thủ, HLV “văn võ song toàn”. Ngày trước, việc di chuyển đến các SVĐ cũng trầy trật chứ không dễ như bây giờ. Có những gia đình vùng cao phải dậy từ 2, 3 giờ sáng đi xe đò xuống thành phố để kịp xem bóng đá buổi chiều.
Nhưng đến kỷ nguyên V-League, khán giả ngày càng quay lưng, vì phải chịu đựng đủ thứ bóng đá xấu xí, năng lực yếu kém của nhà tổ chức.
Gần đây, khán giả quá máu lửa với giải phủi, giải trẻ, với lứa trẻ HAGL, là bức tranh tương phản với bóng đá chuyên nghiệp, nơi người hâm mộ không còn cảm giác được phục vụ, được trân trọng.
Đến đây, câu chuyện đã không còn ở bình diện cấp CLB. Các ĐTQG dưới thời HLV Miura, với lối chơi nhàm chán, nghèo nàn, khiến người xem mang cảm giác chịu đựng thay vì lý ra họ được thưởng thức. Vé đi World Cup hay VCK Asian Cup (dù đã mở rộng cánh cửa về số lượng đội – PV), là giấc mộng xa vời với nền bóng đá. Vậy tại sao không thể làm vui lòng người hâm mộ: đá cống hiến và tử tế?
Cứ cho đi, rồi sẽ nhận lại xứng đáng. Hãy làm cuộc cách mạng từ nhận thức, hãy vì khán giả, hỡi những người đang hoạt động bóng đá.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất