Hôm nay bắt đầu ngày tận thế?

10/09/2008 08:19 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Hôm nay ngày 10/9, các nhà khoa học sẽ vận hành một chiếc máy trị giá hơn 6 tỉ USD có khả năng tái hiện lại sự xuất hiện của vũ trụ. Đây được xem là thí nghiệm vĩ đại và tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng có một số người đang lo ngại nó sẽ khiến thế giới đứng trước nguy cơ diệt vong. Vì sao vậy?

Giải mã LHC

LHC là tên viết tắt của Large Hadron Collider, tổ hợp máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới hiện nay. Bắt đầu được phôi thai từ đầu những năm 1980, cỗ máy này được Cơ quan nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) tạo ra để tìm hiểu nguồn gốc của vật chất và kiểm tra được mô hình chuẩn của vật lí hạt, mô hình đang tỏ ra hiệu quả trong việc mô tả và giải thích hành vi của các hạt cơ bản.

Trị giá hơn 6 tỉ USD, LHC được đặt trong một đường hầm dài 27km nằm ở độ sâu từ 50 đến 171 mét dưới lòng đất giáp biên giới Pháp - Thụy Sĩ. Đường hầm này gồm hai tuyến ống nhỏ hơn để các tia proton (còn gọi là hardon) tăng tốc theo hướng ngược chiều nhau. Nó có 9.300 nam châm siêu dẫn để định hướng và giúp tập trung luồng proton.


Vị trí và một đoạn đường hầm của tổ hợp máy gia tốc hạt LHC

Các nam châm này sẽ được làm lạnh tới -193,2 độ C nhờ 10.080 tấn nitơ lỏng trước khi chúng được làm lạnh tiếp bằng khí heli lỏng tới nhiệt độ -273°C. Cả hệ thống LHC khi đó sẽ biến hành một cái tủ lạnh khổng lồ. Tiếp đó những tia proton chứa hàng ngàn tỉ proton bắt đầu được tăng tốc bằng cách chạy vòng quanh đường hầm. Hai tia proton này sẽ đạt tới tốc độ tương đương 99.9999% tốc độ ánh sáng trước khi va chạm với nhau, tạo nên một vụ nổ với sức nóng gấp 100.000 lần nhiệt độ tâm mặt trời. Cú va chạm sẽ tái hiện điều kiện tồn tại trong khoảng thời gian chưa đầy một giây sau khi vụ nổ Big Bang diễn ra, qua đó vén màn bí mật sự khai sinh của vũ trụ.

Có tổng cộng sáu hệ thống dò các hạt nguyên tử và hạ nguyên tử sẽ ghi nhận kết quả chi tiết sự va chạm hai tia proton. Người ta tin rằng cú va chạm sẽ mang tới lời giải cho nhiều bí ẩn như vì sao vũ trụ có hình dáng như hiện nay; vì sao lực hấp dẫn lại yếu hơn các lực khác; đâu là bản chất của không - thời gian? Các nhà khoa học cũng sẽ tìm thấy những chứng cứ đầu tiên về một chiều thứ 4 ngoài ba chiều hiện có và thậm chí còn tạo được hố đen trong khoảng thời gian cực ngắn. Từ đây rắc rối bắt đầu nảy sinh.

Trong đường hầm của tổ hợp máy gia tốc hạt LHC

Nguy cơ diệt vong nhân loại?

Một số nhà khoa học đã sớm lên tiếng quan ngại về độ an toàn của các nghiên cứu trên LHC. Giáo sư Otto Rossler, một nhà hóa học người Đức hiện đang dẫn đầu một nhóm khoa học gia muốn ngăn chặn hoạt động của LHC từ "trứng nước". Họ đặc biệt lo ngại về việc người ta có thể không kiểm soát được những hố đen, sinh ra khi các tia proton đạt tốc độ ánh sáng va chạm với nhau, và chúng sẽ lớn đủ để "nuốt chửng" trái đất.

Trong dư luận cũng có những ý kiến lo sợ trái đất sẽ bị hủy diệt vì các thí nghiệm trên LHC, đặc biệt sau khi cuốn sách “Liệu loài người có sống sót qua thế kỷ 21” ra mắt bạn đọc, trong đó nhà thiên văn học Martin Rees ước tính có tới 50% khả năng con người sẽ tự hủy diệt bản thân trước năm 2100. Giáo sư Brian Cox ở Đại học Manchester, một trong hai nhà khoa học lãnh đạo dự án LHC, cho biết ông và các cộng sự đã nhận được những lời đe dọa tính mạng. Nhưng ông khẳng định nhân loại không có gì phải lo lắng.

Các cuộc nghiên cứu và kiểm tra về độ an toàn của LHC đã được tiến hành cho tới nay đều khẳng định cỗ máy hoàn toàn vô hại.

Về khả năng LHC hình thành hố đen, LSAG (Nhóm Thẩm định độ An toàn của LHC) chỉ ra rằng từ cách đây hàng tỉ năm, nhiều tia vũ trụ khi đi vào bầu khí quyển trái đất với tốc độ cao cũng có khả năng tạo nên những hố đen mini. Nhưng cho tới nay trái đất vẫn bình yên vô sự. LSAG cho biết rằng tự nhiên đã "thực hiện khoảng 1031 chương trình thí nghiệm LHC kể từ khi vũ trụ hình thành”. Nhưng các vì sao và các dải thiên hà vẫn không biến mất.

Không thể cản bước

Trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn LHC hoạt động, giáo sư Otto Rossler đã đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu chống lại khoảng 20 quốc gia tham gia dự án. Đáp lại, toà án đã hủy bỏ lá đơn kiện, nhưng sẽ xem xét cáo buộc rằng cuộc thử nghiệm của CERN vi phạm quyền sống đã được Công ước châu Âu về quyền con người ghi nhận.

Với mọi cản trở đã được dỡ bỏ, giờ đây CERN có thể thoải mái vận hành LHC. Sau khi các tia proton được phóng ra, sẽ phải mất vài tuần để chúng đạt được tốc độ gần với ánh sáng. Nếu vụ va chạm diễn ra tốt đẹp và nhân loại vẫn tồn tại, một cuộc thử nghiệm toàn diện khả năng của LHC sẽ tiếp tục được tổ chức trong tháng 10 tới.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link