(TT&VH) - Và thật ra nếu có thể chết trong bài hát của đời mình/Cũng tuyệt vời cái chết. (1987 - Trần Hòa Bình) Tôi chợt nhớ bạn tôi, cố thi sĩ Trần Hòa Bình đã từng có những câu thơ tuyệt bút viết cho Y Moan mấy mươi năm trước khi Y Moan còn trẻ. Nhưng hình như ngày ấy Bình đã tiên cảm đến một điều gì đó… Thật khó hiểu lạ lùng…
Hát bằng cả tâm lực chứ không còn sức lực Đêm hát Y Moan tan rồi, nhưng nước mắt vẫn âm thầm chảy đâu đó trong đêm 6/8/2010 - đêm Ngọn lửa cao nguyên tri ân khán giả Hà Nội. Chị Minh Ngẫu, người vợ Thái Bình của Y Moan kể: Cả nhà theo anh ra Hà Nội, bạn bè nhiều người ra Hà Nội để đứng bên cánh gà sân khấu vừa nghe Moan hát vừa nức nở khóc. Moan hát say mê thế, nhưng sao dưới hàng ghế khán giả nhiều người khóc. Có lẽ trong lịch sử âm nhạc chưa có một đêm nhạc nào lạ lùng cảm động thế. Người yêu mến Moan khóc cho đời Moan sớm mang trọng bệnh. Và có lẽ cũng tại vì Moan đã làm cái việc tổ chức đêm hát như một lần cuối... Y Moan trong live show Ngọn lửa cao nguyên. Ảnh N.Đ.T
Nhạc sĩ - nữ sĩ Linh Nga Niekdam bay từ Ban Mê ra Hà Nội nhưng không ngồi hàng ghế VIP dành cho chị mà chị nấp bên cánh gà theo dõi Y Moan hát và khóc ròng. Linh Nga coi Moan như một đứa em của mình. Rơ Chăm Pheng cũng khóc trên sân khấu. Sau mỗi bài hát, Moan lại vào để thở oxy, xong lại ra hát tiếp. Đêm Ngọn lửa cao nguyên cho Hà Nội nghìn năm, Moan hát bằng cả tâm lực chứ không còn sức lực nữa. Hình như có một sức mạnh nào đó đã nâng Moan dậy để bước lên sân khấu...
Mùng 6 tổ chức đêm hát Y Moan thì tối mùng 5/8, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh tìm đến nơi Moan trọ thăm và động viên Moan. Vị Bộ trưởng đã “vi hành” lúc 20 giờ đêm để đến với một ca sĩ đặc biệt. Ông cho biết sẽ công bố quyết định phong danh hiệu NSND cho Y Moan ngay đêm hát của Moan mà không chờ đến ngày Quốc khánh trong lễ công bố chung. Vị Bộ trưởng xem tờ chương trình xong ký tên mình vào giữa như lưu một bút tích trước đêm hát lịch sử của Y Moan, rồi hai người ôm nhau cái ôm thật chặt... Với Y Moan của 20-30 năm trước Gặp lại Y Moan bao nhiêu kỷ niệm dồn về. Thời tôi ở Ban Mê, cách nhà Y Moan hai cây số. Moan khi ấy mới ngoài hai mươi đã nổi đình nổi đám. Mấy lần qua nhà chơi Moan tất bật với các chương trình biểu diễn phục vụ buôn làng, khi ấy cả ba đứa con Moan còn nhỏ. Nhà khu tập thể văn công cạnh vườn cao su mùa mưa ngập lội. Nghèo quá, Moan tính trồng cà phê, cũng đi làm rẫy. Rẫy Moan xa thành phố, sáng phải đi thật sớm đem theo bi đông nước, chai cà phê đen không đường với con dao phát cỏ. Mấy lần Moan rủ tôi vào rẫy chơi nhậu thịt gà thả trong rẫy nhưng chưa thực hiện thì tôi đã chán trồng cà phê và thú đi săn, bỏ ra Hà Nội rồi ở luôn đến năm 1996 mới trở lại thăm lại Ban Mê... Năm 1996, khi ấy Y Moan 39 tuổi, cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường xuyên rừng, trên vai là chiếc ba lô đầy mì tôm và quần áo trẻ em đến với mấy chục buôn làng Ê Đê, M’ Nông, Gia Rai... Đi đến đâu, Y Moan cũng hát say sưa, hát trong bữa rượu cần, hát sau lễ cúng cơm mới... Y Moan thì vẫn thế, vạm vỡ, chất giọng vẫn âm vang như chưa hề mệt mỏi. Bữa ấy cao nguyên mưa, Moan giữ tôi lại “Uống rượu với Moan đi”. Vợ Y Moan - cô dâu Tây Nguyên người Thái Bình - đã đãi anh em tôi một bữa bún riêu cua ngon nhớ đời... Căn phòng cấp bốn khu tập thể Trường Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk nhỏ bé hơn khi cả nhà anh hai vợ chồng và ba đứa con hai trai, một gái út đoàn tụ... Chật hơn, ấm hơn trong sáng mưa nay bởi giọng hát của ba bốn cha con. Y Moan hát giữa buôn làng năm 1983. Ảnh Hữu Bảo
Y Moan lần ấy chưa là NSƯT, Y Wol đương là học sinh trường văn hóa nghệ thuật tỉnh, Y Garia còn học tiểu học cùng bé Đức em gái... Nhìn gia đình nghệ sĩ ấy, tôi đoán thể nào rồi họ cũng theo nhau lên sân khấu hoặc chí ít thì đều làm nghệ sĩ. Bốn cha con ấy có thể lập thành nhóm Lửa Cao nguyên chăng? Ấy là tôi mơ thế. Họ giống nhau ở chỗ “Da nâu mắt sáng”. Giống nhất vẫn là giọng hát chứa sẵn chất rock, là năng khiếu âm nhạc mà hình như trời đã ban cho họ, những người con của núi rừng Cao nguyên. Họ hát đãi tôi hay hát thường xuyên thế không biết, chỉ biết rằng căn nhà như vỡ toang bung ra: Ơi M’Drak, M’Drak... Đương uống rượu, bỗng Y Moan làm tôi giật mình: “Thôi chết rồi. Đã đến giờ lên máy bay đi Hà Nội dự Liên hoan âm nhạc Asean!” Moan buông ly, mặc vội quần áo, tôi vơ lấy cái xe máy cà tàng Moan để ở sân rồ ga đưa Y Moan ra sân bay Buôn Ma Thuột. Vừa lúc máy bay chuẩn bị cất cánh, khiến Y Moan vừa chạy ra sân bay vừa vẫy tay la toáng lên. Cái sân bay Cao nguyên bữa ấy hoảng hồn một phen, và có lẽ sẽ báo động nếu người ta không nhận ra người đang lao tới máy bay là... ca sĩ Y Moan quen thuộc... Mấy hôm sau, đương làm việc ở Buôn Mê, tôi được tin Y Moan đoạt huy chương giọng hát Asean tại Hà Nội... Làm đĩa hát đầu tiên và cuối cùng tặng bà con Mới đó mà đã 15 năm... Chàng ca sĩ chân đất hát rock ấy bây giờ đã ngoài 50. Moan phục phịch hơn, trán bóng hơn, nhưng giọng hát vẫn bốc lắm, tuy “hơi” thì có khác đi, theo tuổi tác, âu là quy luật của muôn đời. Nhưng một hôm ở Hà Nội, đêm nhạc Nguyễn Cường ở Nhà hát Lớn, tôi bỗng nghe như trong giọng ca Y Moan có cái gì đó bất thường, dù không rõ nét nhưng tôi linh cảm là có bất thường. Cái chất khàn và bốc ấy đã có chỗ chùng xuống một cách lạ lẫm... Cầu trời cái cổ họng ấy không sao. Tôi làm dấu Phật chắp tay... Nghe tin Y Moan bị ung thư, sao buồn thế! Rất lâu trước đó anh đã bị bệnh phổi. Chữa chạy ngỡ đã lành nhưng giọng khàn và vang thì đã rách ít nhiều, tôi thoáng thấy có gì bất ổn từ dạo đó. Thương Moan đã đi qua cao nguyên hoang dã, qua thảo nguyên hoang dã, qua cuộc đời này và để lại những dấu vết trung hậu vô tư như lời bài hát hoang dã Moan cất lên: Lời bài hát Moan đặt cho những ca khúc Nguyễn Cường là thơ của Moan đấy. Thơ ấy đậm chất Moan, chất Tây Nguyên hoang dã và phóng khoáng: Mùa cành củi khô rụng/ Mùa bồ câu rụng/Tao lại nhớ về M’Drak/Nơi mẹ đẻ ra mày/Nơi mẹ đẻ ra tao/Ở gốc cây cổ thụ... Ơi M’Drak, M’Drak! Gái trai quê tôi da nâu mắt sáng/Vóc dáng hiền hòa/...Tôi đi khắp đất trời xa xôi/Không nơi nào như quê tôi... Bây giờ thì Y Moan không đủ sức để về lại buôn làng như 30 năm trước, 20 năm trước, hay 10 năm trước. Tháng rồi, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định chi tiền làm phim về Moan. Trung tâm Điện ảnh băng hình Đắk Lắk thực hiện nhưng Moan đã không thể về lại miền khao khát M’Drak chỉ cách Ban Mê non trăm cây số. Moan phải vật lộn với căn bệnh ung thư quái ác. Sáng 8/8 tại phòng 203 một nhà khách ở khu Nam Thành Công, Hà Nội, Moan bảo tôi: “Vậy là Moan đã dành hơn nửa đời để hát cho bà con buôn làng nghe. Bây giờ sau khi hát đêm tri ân khán giả Hà Nội, Moan sẽ về Ban Mê dù có bò cả chân và tay thì Moan vẫn về để hát và làm đĩa hát đầu tiên và cuối cùng của mình tặng bà con. Bà con ở buôn làng gian khó lắm. Họ đã ủng hộ, đã nuôi lớn Y Moan mà chưa có dịp nào trả hết ân nghĩa họ. Moan khóc. Tôi hiểu Moan nhớ buôn làng Tây nguyên. Nơi ấy là chỗ của Moan. Không như nhiều nghệ sĩ đã tìm mình nơi xứ lạ, Y Moan đã thành danh từ những tháng ngày đi hát cho bà con Ê Đê, Ba Na, M’Nông khắp núi rừng. Không cátsê, không sân khấu. Sân khấu của Moan là những sàn nhà dài, là những sân nhà rông, là những bãi chiếu bóng... Cho tôi xem bức ảnh Hữu Bảo chụp Moan hát giữa buôn làng năm 1983, Moan bảo: Em hát từ khi khố rách, áo không đủ che người, hát giữa những người dân buôn làng cũng nghèo như mình sao mà vẫn thấy hạnh phúc. Ngắm Moan đóng khố cởi trần ôm đàn hát, vây quanh Moan là những người dân buôn làng già trẻ gái trai, lòng tôi lại quặn thắt. Mới đó Moan trẻ trung hồn nhiên như cây cỏ giữa bazan. Vậy mà giờ đây thân hình anh teo tóp từ gần 80 ký nay chỉ còn chưa đầy dăm chục... Ba mươi lăm năm, sân khấu của Moan hình như là giữa cuộc đời. Nhưng Y Moan không chỉ được mến mộ ở buôn làng xa xôi. Moan vẫn được ái mộ cả trên sân khấu sang trọng ở trong nước và nước ngoài. Dù ở Nhà hát Lớn Hà Nội hay hát ở nhà dài Tây Nguyên, Moan vẫn nhận được tình cảm yêu mến của khán giả. Đó là một điều kỳ diệu không phải ai cũng có được. HN 8/8/2010
Tân Linh