Người quan sát: Tự cường nhờ ngoại lực

01/03/2024 06:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

Tân HLV Iwamasa của CLB Hà Nội phát biểu sau trận đấu với Nam Định rằng, bóng đá Việt Nam cấp CLB đã và đang quá phụ thuộc vào các cầu thủ người nước ngoài. Và ông sẽ cố gắng cải thiện điều đó, ít nhất tại sân Hàng Đẫy.

Thực ra, đây không phải là phát kiến vĩ đại gì với một HLV người nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Lịch sử giải đấu vắt qua gần 1/4 thế kỷ vốn vẫn mang thuộc tính ấy: Sống trên mũi giày ngoại binh.

Thể thao & Văn hóa đã có không ít các bài viết, thậm chí là chuyên đề, bàn về vấn đề này. Song song với phát triển nguồn nội lực, hướng đến một nền bóng đá tự cường, thì chất xám ngoại lực vẫn rất quan trọng, từ cabin BHL đến đội ngũ cầu thủ.

Bỏ qua 5 năm đầu kể từ khi V-League ra đời (2000-2004), khoảng 10 năm kế tiếp (2005-2015), V-League chào đón rất nhiều các ngoại binh chất lượng, ngoài nguồn Thái Lan và châu Phi. Họ đến từ Brazil, Argentina, Đông Âu và Nigeria, Ghana. Phải, cũng là Phi châu, nhưng nguồn cầu thủ từ Nigeria và Ghana rất khác biệt so với phần còn lại của lục địa đen.

K.Khánh Hòa trở nên "ngổ ngáo" giai đoạn 2007-2011, cũng là nhờ nhóm các cầu thủ Ghana, bên cạnh lứa cầu thủ tài năng bậc nhất của Tấn Tài, Quang Hải... Trung vệ Jonathan Quartey (sau nhập tịch có tên tiếng Việt là Lê Văn Tân) chính là cánh chim đầu đàn. Khánh Hòa mùa 2010 còn có trung phong rất chất lượng khác là Agostinho.

HAGL, B.Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội FC và SHB Đà Nẵng vẫn là những địa chỉ đỏ để các ngoại binh chất lượng hàng đầu tìm về. Lee Nguyễn, Thonglao, Evaldo ở phố Núi, bộ ba nguyên tử Kesley Alves - Amaobi - Philani tại Bình Dương, anh em nhà Carlos và Antonio Rodriguez tác chiến với Kabanga ở Long An; Hải Phòng từng thu nạp được cả ngôi sao World Cup Denilson, khi đã có "King" Leandro và Elenildo De Jesus; Almeida, rồi Gaston Merlo thay nhau thống trị danh sách cầu thủ ghi bàn nhiều nhất tại V-League trong màu áo SHB Đà Nẵng; ở sân Hàng Đẫy, sau "Buly" Mauricio Luis (ACB) đến Gonzalo, Cristiano Roland... của Hà Nội.

Người quan sát: Tự cường nhờ ngoại lực - Ảnh 1.

Rafaelson góp công rất lớn trong thành tích đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League mùa này của Nam Định. Ảnh: Song Ngọc

Phải thừa nhận rằng, xem các cuộc đối đầu giữa "Gạch - Gỗ - Gốm" hay Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, rồi Hà Nội, Ninh Bình, Đồng Tháp... khi ấy rất sướng mắt.

Việc được tập luyện, thi đấu và đối kháng với các ngoại binh chất lượng hàng đầu giúp cho cầu thủ nội phát triển rất nhanh. Chất lượng CLB và chất lượng giải đấu cũng được nâng lên một tầm cao mới, thậm chí V-League từng là số 1 Đông Nam Á về tính cạnh tranh và các chỉ số về thương mại, thu hút nguồn lực đầu tư... Ở các cấp độ ĐTQG, chúng ta cũng gặt hái được nhiều thành công trong giai đoạn này (2007-2010).

Chính sách với ngoại binh bắt đầu được điều chỉnh từ mùa giải 2012, với việc hạn chế các suất đăng ký/CLB ở cả 2 giải V-League và hạng Nhất quốc gia, để ưu tiên dùng cầu thủ trẻ nội, khiến chất lượng các đội bóng đi xuống, kéo theo giải đấu cũng đi xuống. Cùng với khó khăn về kinh tế, một số đáng kể các CLB ở V-League không đủ năng lực thu hút các cầu thủ ngoại chất lượng.

Trong 10 chân sút hay nhất sau 11 lượt trận mùa giải này, chỉ có 2 cầu thủ nội là Bùi Hoàng Việt Anh và Quang Hải (CAHN, với 4 bàn mỗi người), dù họ không chơi tiền đạo. Với 13 bàn thắng ghi được sau 11 trận đấu V-League 1 năm nay, cộng với 16 bàn ở mùa trước (trung bình 1 bàn/trận), Rafaelson (Nam Định) lọt vào Top 15 chân sút hay nhất các giải VĐQG (theo transfermarket). Lịch sử 25 mùa giải V-League, mới chỉ có 2 cầu thủ Việt Nam đoạt danh hiệu Vua phá lưới, điều đó cho thấy, cán cân là quá mất cân bằng.

Với một giải đấu và một nền bóng đá vẫn bị xem là khiêm tốn về tầm vóc, chưa đủ năng lực tự cường, nói gì đến việc xuất khẩu cầu thủ..., chúng ta vẫn cần đến rất nhiều nhân tố ngoại lực để kích thích sự phát triển. Đó là các chuyên gia, các HLV và các cầu thủ nước ngoài có đẳng cấp. Nói ngay như Hà Nội FC ở giai đoạn cường thịnh nhất về nội lực, thì ngoại binh vẫn là quyết thành bại trong kỷ nguyên họ đoạt tới 6 chức vô địch V-League trong 14 mùa giải.

Xem HAGL, Khánh Hòa, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Viettel, Hải Phòng, CLB TP.HCM... đá mùa giải này với không có ngoại binh chất lượng đáng kể nào, sẽ thấy ngay sự khác biệt so với nhóm đầu. Các trận đấu giữa họ, nói thẳng, quá nghèo nàn về mặt chuyên môn. 


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link