24/11/2013 06:36 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát ở Dallas ngày 22/11/1963, thế giới đã biết rằng, bi kịch này đã được một thợ may bản địa tên là Abraham Zapruder ghi lại. Và thực tế, những hình ảnh đó đã tạo ảnh hưởng sâu sắc tới Hollywood.
Đoạn video này dài 26 giây và đây vẫn được coi là thước phim nổi tiếng nhất thế giới của một tay máy không chuyên. Tuy nhiên, nó đã bị cất kín trong nhiều năm và chỉ một nửa hình ảnh trong số đó được tái bản để đưa vào bản báo cáo nổi tiếng của Ủy hội Warren (được thành lập sau khi Kennedy qua đời để điều tra về nguyên nhân vụ ám sát) hồi năm 1964.
Những hình ảnh ám ảnh
Vào giữa những năm 1970, đoạn phim này lần đầu tiên được phát sóng trên mạng lưới truyền hình và qua đó nó đã giúp công chúng thấy được một trong những hình ảnh đen tối và gây đau buồn nhất thế kỷ 20.
Khi người thợ may Zapruder bắt đầu quay phim đoàn xe hộ tống Tổng thống Kennedy bằng chiếc camera 8mm của mình, ông không thể nghĩ được rằng, đoạn phim đó đã góp phần tạo nên nhiều giả thuyết về âm mưu vụ ám sát sẽ bao trùm khắp thành phố Dallas ngay sau khi bi kịch xảy ra.
Hình ảnh trước khi Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát được ghi lại trong đoạn phim của thợ may Abraham Zapruder. |
Theo sử gia điện ảnh Pháp Jean-Baptiste Thoret, kể từ khi đoạn phim này được chiếu công khai, nó đã trở thành “tài liệu tham khảo” của các nhà làm phim Hollywood.
Trong số 477 khuôn hình trong đoạn phim của Zapruder, thì khuôn hình số 313 là hình ảnh gây tranh cãi nhất. Hình ảnh này đã gây nhiều bàn tán bởi nó ghi lại quá sinh động đúng thời khắc viên đạn thứ 3 bay đi từ vị trí kho chứa sách của trường Texas vào đầu Tổng thống khiến đầu ông bị vỡ tung. Ông Thoret cho rằng, các nhà làm phim đã dựa vào hình ảnh đó để tung ra một loạt phim rùng rợn với những cái đầu bị bắn vỡ tung.
Sự bàn tán về khuôn hình đó càng làm bùng lên những suy đoán về âm mưu vụ ám sát. Hầu hết mọi người vẫn cho rằng, vụ ám sát Tổng thống do nhiều tay súng thực hiện, chứ Lee Harvey Oswald không tiến hành vụ này một mình. Đây cũng chính là đề tài trong bộ phim ăn khách JFK (1991) của đạo diễn Oliver Stone.
Đạo diễn Stone đã tung ra bộ phim này, do Kevin Costner thủ vai chính, nhằm kêu gọi nước Mỹ tiến hành điều tra thêm để có câu trả lời chính thức về vụ ám sát.
Tác phẩm “bản lề” của nhiều bộ phim bạo lực
Trong suốt nhiều năm, hình ảnh đó đã được nhiều đạo diễn điện ảnh nghiên cứu kỹ. Trong cuốn sách 26 Seconds That Tainted America (tạm dịch: 26 giây làm bại hoại nước Mỹ) của mình, sử gia điện ảnh Thoret đã dẫn ra một sự liên hệ trực tiếp giữa khuôn hình 131 trong đoạn phim Zapruder với phần kết đẫm máu trong bộ phim kinh điển Bonnie and Clyde (1967) của đạo diễn Arthur Penn. Phim là câu chuyện về Bonnie Parker và Clyde Barrow, một băng cướp huyền thoại thời Đại khủng hoảng.
Hình ảnh viên đạn bay thẳng vào đầu Tổng thống Kennedy trong đoạn phim của Zapruder. |
Mặc dù không xuất hiện trong bất cứ khuôn hình nào trong đoạn phim Zapruder, tuy nhiên hình bóng của tay súng Lee Harvey Oswald đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh của Hollywood, kể từ sau khi xảy ra bi kịch ở Dallas.
Điển hình nhất là bộ phim Dirty Harry (1971). Trong phim, Clint Eastwood thủ vai một cảnh sát điều tra về “Scorpion Killer”, một tay súng chuyên “săn” những nạn nhân vô tội từ trên các mái nhà ở San Francisco.
Hay trong các bộ phim như The Domino’s Principle (1977) và In the Line of Fire (1993), các nam diễn viên hàng đầu như Gene Hackman và John Malkovich thủ vai thành tay súng giết người đầy ám ảnh.
Rất nhiều nhà điều tra chính thức và không chính thức đã nghiên cứu tỉ mỉ và tái dựng đoạn phim của Zapruder nhằm tìm hiểu về phát súng định mệnh nhằm vào Kennedy và đặt ra những giả thuyết khác nhau.
Sau khi Ủy hội Warren công bố báo cáo về vụ ám sát, Hollywood đã sản xuất nhiều bộ phim nhằm giải mã về vụ ám sát bí ẩn này. Trong phim Blow Out (1981) của Brian De Palma, John Travolta thủ vai một kỹ thuật viên âm thanh nghe được tiếng súng trong một băng thu âm. Tiếng súng ấy là chi tiết hé lộ ra âm mưu sát hại một ứng cử viên Tổng thổng, nhưng nó lại được dàn xếp thành một vụ tai nạn ô tô.
Cho đến nay, đoạn phim ghi lại những gì xảy ra ở Dallas vào ngày 22/11/1963 đã dẫn đến nhiều cách giải thích về sự kiện này và thậm chí còn có cả những suy đoán về những âm mưu liên quan đến Cuba, CIA và các ông trùm dầu lửa ở Texas.
Và Hollywood đã tung ra nhiều bộ phim về những giả thuyết “vô hình” đó, như The Parallax View (1974), Three Days of the Condor (1975), Enemy of the State (1998) và State of Play (2009).
Nhìn vào sức ảnh hưởng bất tận của đoạn phim Zapruder, sử gia điện ảnh Thoret đang tự hỏi, không biết những hình ảnh gây sốc trong sự kiện bi kịch thứ 2 của nước Mỹ, các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011, sẽ làm thay đổi nền công nghiệp điện ảnh nước này như thế nào.
|
VIỆT LÂM (theo France)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất