17/04/2012 13:56 GMT+7
(TT&VH) - Hôm qua đọc trên một tờ báo mạng nổi tiếng thấy một bài viết: “Miss Ngoại giao nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt”. Ngay sau đó, nhiều trang báo mạng và các trang thông tin diễn đàn lấy lại thông tin và cũng đều điệp khúc…tiếng Anh hơn tiếng Việt.
Trước hết phải khẳng định khả năng sử dụng ngoại ngữ xuất sắc của hoa khôi trường ngoại giao đáng được ca ngợi. Nhưng việc ca ngợi như thế nào cho đúng, cho không phản cảm, không lố bịch lại là chuyện khác. Ở đây, việc nói cô hoa khôi ngành ngoại giao nói tiếng anh tốt hơn tiếng mẹ đẻ thì cần phải bàn lại.
Tiếng nói là một hoạt động thuộc phạm vi giao tiếp của con người. Hiểu tiếng mẹ đẻ là điều cốt lõi cho mọi con người có thể học tập, trưởng thành, và có thể tiếp thu các ngôn ngữ khác. Người làm ngoại giao càng cần phải hiểu tường tận câu chữ, ý tứ của tiếng nói nước mình hơn những người khác.
Minh họa. Nguồn: Dân Trí
Tiếng nói góp phần làm nên bản sắc của dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Nó là mối liên hệ giữa con người với dân tộc. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng W. Humboldt nói: "Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc và linh hồn của dân tộc chính là ngôn ngữ”. Với tiếng Việt, trong cơn bĩ cực lúc giao thời của buổi “Nho tàn” với khoa học hiện đại Tây phương, nhà trí thức Phạm Quỳnh đã thốt lên rằng: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”.
Nhưng bước vào thế giới hiện đại, người ta không thể không biết ngoại ngữ. Nhà báo Nguyễn An Ninh một nhà yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ 20 mà tên tuổi của ông gắn liền với những bài báo nổi tiếng và những buổi diễn thuyết sôi động cuốn hút thế hệ thanh niên yêu nước, năm 1925, trên báo Tiếng chuông rè ông đã viết: "Sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình".
Lời khẳng định của con người tiến bộ Nguyễn An Ninh đã khái quát tất cả, thế giới ngày càng hội nhập, muốn hòa mình vào nền văn minh nhân loại, những người trẻ hôm nay bắt buộc phải biết ngoại ngữ. “Biết thêm một ngoại ngữ như được sống thêm một đời sống khác”, nhưng cần phải có sự tỉnh táo để biết rằng sự hiểu biết ấy không “kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ”. Đời sống khác ấy là một cách giúp cho đời sống chúng ta phong phú hơn, làm cho ngôn ngữ nước nhà ngày một giàu hơn, sâu sắc và tinh tuý hơn.
Lưu Quang Vũ đã từng thổn thức: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ”. Vì vậy, hãy khoan ca ngợi một người nói ngoại ngữ tốt hơn tiếng mẹ đẻ khi họ sinh ra và lớn lên trên chính quê hương mình. Ca ngợi như thế, chắc gì người ta đã thích.
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất