17/04/2018 12:01 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Có xuất xứ từ Trung Quốc, Tết Hàn Thực - vào ngày mồng 3 tháng ba âm lịch hàng năm - đã trở thành một ngày Tết không thể thiếu trong năm của người Việt Nam theo phong tục cổ truyền, vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên.
Nguồn gốc Tết Hàn Thực
Vào khoảng năm 654 trước Công Nguyên thuộc thời Xuân Thu, nước Tấn - một nước chư hầu của nhà Chu- có loạn. Vua nhà Tấn, lúc đó là Công tử Trùng Nhĩ, phải chạy lánh nạn. Cùng đi theo Trùng Nhĩ có một số bày tôi, trong đó có Giới Tử Thôi. Mấy chúa tôi long đong chạy khắp nước này qua nước khác, đầu tiên sang nước Địch, rồi trốn qua nước Vệ, đến nước Tề, lại sang nước Sở, suốt 19 năm trời lận đận, nhiều lúc vô cùng khổ sở.
Một ngày kia, nửa đường bị thiếu lương thực, đói quá, không kiếm đâu ra thức ăn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng Vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Trùng Nhĩ suốt 19 năm trời, cùng nhau nếm trải bao nhiêu gian truân nguy hiểm.
Về sau, Trùng Nhĩ giành lại được ngôi báu trở về làm Vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong lúc loạn lạc, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận gì, vì tự xét mình cũng không có công lao lớn, nếu có đi theo giúp đỡ nhà Vua âu đó cũng chỉ là bổn phận của kẻ bày tôi. Vì vậy Tử Thôi về nhà đưa mẹ vào núi Miên Sơn ở ẩn. Vua về sau nhớ ra, cho người đi tìm.
Giới Tử Thôi không chịu rời Miên Sơn ra lĩnh thưởng. Vua hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân lệnh, rốt cục cả hai mẹ con đều chết cháy. Hôm ấy đúng ngày 5 tháng ba âm lịch.
Vua thương xót, lập miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi đó là Giới Sơn, hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mùng 3 đến mùng 5 tháng ba âm lịch) và chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng nhớ, do đó gọi là Hàn Thực. Tục này được lưu truyền mãi về sau. Sau này, người Trung Quốc làm Tết Hàn Thực vào ngày mồng 3 tháng ba để tưởng nhớ vị tôi trung Giới Tử Thôi.
Tết Hàn Thực ở Việt Nam
Từ thời Lý, Tết Hàn Thực đã được Việt hóa. Người Việt Nam ăn tết Hàn Thực với mục đích chủ yếu là để lễ Phật và cúng gia tiên. Tết Hàn Thực ở Việt Nam không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện.
Người Việt tượng trưng cho tết Hàn Thực bằng bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa đó là những thức ăn nguội (hàn thực) và gọi tết này là “Tết bánh trôi-bánh chay”. Hiện nay, Tết này vẫn được duy trì ở miền Bắc, nhất là các tỉnh xung quanh Hà Nội.
Bánh trôi và bánh chay thường được cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng cũng nhiều sự tích cho rằng, bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích ”bọc trăm trứng” của bà Âu Cơ.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường phên. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.
Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.
Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng.
Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Hai thứ bánh tuy cùng làm bằng bột gạo nếp, nhưng mỗi thứ có hương vị đặc biệt riêng.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất