07/06/2012 13:50 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - LTS: Cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh "Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ" vừa phát hành đã lập nên một kỷ lục hiếm thấy: tái bản đến 3 lần trước khi ra mắt chính thức. Xung quanh cuốn sách được viết theo thể loại “đồng thoại” này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có những cảm nhận đặc biệt.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông:
Một con ngồi yên một con đổi chỗ
Mở sách ra là gặp hai câu thơ này có mở ngoặc chua là N.N.A. Nhưng đọc đến cuối truyện thì té ra hai câu thơ đó còn có thêm một dòng trên nữa là câu hỏi “Tình yêu là gì?” và phát ra từ miệng của Mèo Gấu, nhân vật chính trong truyện. Ngộ chưa! Như vậy là ở đây có con mèo thứ ba.
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ đang gây sốt.
Ấy vậy, truyện lại đúng là truyện về hai con mèo ngồi bên cửa sổ, vì đó chính là hình ảnh đọng lại trong trí nhớ Mèo Gấu khi phải xa nàng Áo Hoa sau một vụ bị bắt cóc, và chính hình ảnh đó là tượng trưng cho tình yêu và nỗi nhớ của con mèo này đối với con mèo kia, và chính tình cảm nhớ nhung xa cách đó đã khiến Mèo Gấu không muốn thực thi cái bản năng, bổn phận loài mèo là bắt chuột, ăn chuột, mà ngược lại đem lòng yêu mến, xót thương cho cái loài và cái kẻ là đối tượng săn bắt, tiêu diệt của mình. Ôi, tình yêu, lỗi tại tình yêu! “Một tình yêu như vậy từ một con mèo (hay một con người) luôn tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh mà với nó bất cứ ai cũng có thể tạo nên phép màu cho thế giới này. Bạn có nghĩ vậy không?” Tác giả hỏi khi chấm hết câu truyện mà đã biết chắc câu trả lời.
Mèo Gấu vì yêu mà thành thi sĩ. Một thi sĩ mèo với những vần thơ đủ đầy những cung bậc của trái tim người, hạnh phúc và đau khổ, hy vọng và thất vọng. Mèo Gấu vì yêu mà thành lãng mạn, bảo chuột Tí Hon họa hình “bạn gái” mình đem dán các ngả đường mong nàng nhận ra lối về với tình yêu. Và nàng mèo tam thể về thật, nhưng chỉ là đứng lặng trên mái nhà nhìn xuống Mèo Gấu, rồi sau đó sóng vai một chàng mèo đực cao lớn, màu chăn dạ khuất dần dưới ánh trăng. Kết cục cuộc tình như thế đã khiến Mèo Gấu ốm mất một tháng. Và hai câu thơ đề từ cuốn truyện ra đời trong tình trạng đau thương đó của con mèo. Đó là thơ của Mèo Gấu hay thơ của N.N.A.? Của con mèo thứ ba.
Con mèo thứ ba này ở khắp nơi trong truyện, ở trong mỗi ánh nhìn, mỗi dáng nằm của Mèo Gấu, ở trong thân hình bị ném vào tường của chuột Tí Hon và trong cú đón đỡ của chuột Út Hoa, ở trong tiếng hót con chim họa mi và trong sự nhiệm mầu của tiếng hót bách thanh hàng nửa đêm về sáng, ở cả trong nỗi bực dọc của “nhà vua” Sang Năm, nỗi phiền lòng của “hoàng hậu” Năm Ngoái và nỗi phấp phỏng của “công chúa” Dây Leo - những con người thực làm nền, làm khung cho câu truyện của loài vật. Con mèo thứ ba này có con mắt tinh tường, tinh tế theo mỗi chiếc lá vàng rơi, mỗi tia nắng dọi, mỗi hạt mưa bay, mỗi tiếng động nhẹ, để phả vào từng chữ từng câu cái mơ hồ phập phồng của cảm xúc, cảm giác, tình cảm mà loài người nghĩ là loài vật có, mà loài người mượn loài vật thể hiện, như tên gọi thể loại “đồng thoại” có thể gắn cho sách này. Con mèo thứ ba này kể chuyện mèo hay như chyện người và kể chuyện người hay như chuyện mèo, cuốn người đọc trôi liền một mạch theo từng trang sách để rồi gấp sách lại thấy bâng khuâng, tiếc nuối.
Tình yêu là gì? Mèo Gấu và N.N.A. đã trả lời. Đó là: Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ/ Một con ngồi yên một con đổi chỗ. Loài mèo chắc sẽ biết ơn nhà văn lắm lắm. Nhưng các loài vật khác sẽ chất vấn và đòi hỏi nhà văn: chẳng lẽ chỉ có loài mèo mới biết yêu thôi sao? Vậy là không chỉ có con mèo thứ ba thôi đâu, hãy chờ N.N.A. sẽ hiện ra con gì nữa cho các bạn đọc nhỏ tuổi, và cả những bạn đọc tuổi không còn nhỏ.
Hà Nội, tháng 6/2012
Phạm Xuân Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất