14/04/2013 14:12 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Quá khứ không ngủ yên trong lòng người phụ nữ huyền thoại, người mà đối phương từng gọi là “nữ hoàng cộng sản ” - người đó là Nguyễn Thị Bình - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (1968-1973) và nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm nay bà đã 86 tuổi mà vẫn đi lại phăm phăm và tiếng Pháp "nói như gió".
Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Bình trở lại Paris, nơi 45 năm trước (1968) bà là đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam dự hội nghị 4 bên để đi đến ký kết Hiệp định Paris đem lại hòa bình cho Việt Nam buộc Mỹ phải rút quân về nước. Và nơi đây đang diễn ra Tuần lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris.
Paris tháng ba trời vẫn lạnh và thành phố Choisy le Roi - một thị trấn thuộc ngoại ô Paris, cách Paris hơn 10 km là điểm đầu tiên bà đến. Choisy le Roi là một thành phố cộng sản từ đầu thế kỷ XX và ông thị trưởng ngày nay - Daniel Davisse - cũng là một đảng viên cộng sản.
Nguyễn Thị Bình - "tay trong tay" những người bạn ngày trở lại Paris
Đây là một thành phố đặc biệt, đã giành hẳn một trường đảng mang tên Mauris Thorez cho phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miễn phí trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris từ 1968-1973. Đã 45 năm rồi tình cảm của giới lãnh đạo thành phố và người dân nơi đây vẫn nồng ấm và chan chứa tình yêu Việt Nam như thời Việt Nam chống Mỹ.
Đến thành phố này bà Nguyễn Thị Bình gặp lại những người bạn đồng niên như bà Helen Luc (nguyên Thượng nghị sỹ Quốc hội Pháp)- một người phụ nữ đẹp, quý phái, nhanh nhẹn và luôn rực cháy tình yêu Việt Nam. Hai người phụ nữ này gắn bó với nhau trong suốt thời gian bà Nguyễn Thị Bình ở Choisy le Roi. Họ đều đã hơn 80 tuổi. Một người đàn bà phương Đông và một là người Phương tây đều tỏa ra sức hấp dẫn với công chúng. Họ có một vẻ đẹp của tuổi già linh lợi, hoạt bát nhưng có lẽ điều làm cho họ vẫn đầy tràn sức sống chính là ngọn lửa cách mạng trong mỗi người.
Ngọn lửa ấy đã đồng hành suốt đời với họ trong những năm tháng chống Mỹ, trong sứ mạng của họ với Việt Nam, điều đó làm nên sự thanh xuân trong tâm hồn của hai người đàn bà này, bởi họ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Họ ôm hôn nhau mỗi ngày khi gặp nhau, khi giã biệt, khi tan một hội thảo và khi chia tay đêm về dưới trời giá lạnh Choisy le Roi. Lần trở lại thành phố này khiến cho bà Nguyến Thị Bình như thấy mình trẻ lại. Thời gian, quá khứ dạy sóng từng ngày với bà.
Nguyễn Thị Bình gặp lại người bạn thân thiết Helen Luc - nguyên Thượng nghị sỹ Quốc hội Pháp
Cuộc tiếp xúc đầu tiên trong kế hoạch làm việc của bà Bình, chính là lần gặp gỡ các cháu thiếu nhi Trường Ceulie de Loisirs tại gian phòng trung tâm của tòa thị chính. Một cuộc trò chuyện cởi mở như của một người bà với các cháu thiếu nhi Choisy le Roi. Các cháu được hiểu về Việt Nam trong những năm tháng đánh Mỹ, hiểu về các bạn nhỏ Việt Nam lúc đó và hiểu về thiếu nhi Việt Nam hôm nay.
Bà Bình nói chuyện và chụp ảnh lưu niệm với thầy trò Trường Ceulie de Loisirs
Các đại biểu tuổi thơ của Trường Ceulie de Loisirs thật tự nhiên, bạo dạn khi đặt những câu hỏi hồn nhiên, thơ ngây với bà Bình. Cuộc gặp gỡ thân mật mang tình cảm bà cháu đã diễn ra như thế. Các cháu ào đến với bà Bình và chìa những quyển vở, những mảnh giấy ra xin chữ ký của bà. Tươi cười, xoa đầu các cháu bà ký cho từng cháu một.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy - tác giả bức tranh gốm về 40 năm Hiệp định Paris đã tặng bà Bình một bức ký họa chân dung bằng chì vẽ lại bà cách đây đúng 40 năm khi nữ họa sĩ tình cờ bắt gặp ảnh chân dung bà trên các báo tiếng Pháp trong phòng lưu niệm của tòa thị chính. Bà Bình đã tặng lại trường ngay lúc đó. Khi chụp bức hình lưu niệm của nhà trường với bà Bình, cô giáo đại diện của trường đã giơ cao bức tranh vẽ với niềm sung sướng, hạnh phúc.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy bất ngờ vẽ tặng bà Bình bức chân dung bà cách đây 40 năm
Bạn bè ở Choisy le Roi còn đón tiếp bà Bình bằng bộ phim tài liệu Thức lâu mới biết đêm dài của đạo diễn nổi tiếng người Choisy le Roi - ông Daniel Roussel. Ông được giới làm phim tài liệu và công chúng Việt Nam biết đến với nhiều tác phẩm điện ảnh về Việt Nam.
Lần này ông làm phim tài liệu về Hiệp định Paris, về bà Bình và phái đoàn Việt Nam. Phim của ông là một góc nhìn riêng về Việt Nam. Lịch sử và hiện tại đan xen để ông chứng minh về Hà Nội - thành phố vì hòa hòa bình, về những con người yêu chuộng hòa bình. Họ có một ban mai bình yên bên bờ hồ Hoàn Kiếm nơi mà lịch sử đã từng có một cổ tích chuyện Lê Lợi trả kiếm rùa vàng, một ý nghĩa sâu thẳm của vùng đất hòa bình, của một ước vọng giã từ vũ khí. Hiện thực hôm nay mà đạo diễn đưa ra là một hiện thực thanh bình, đầy chất thơ bên Hồ Gươm sớm mai.
Bà Bình gặp lại nữ anh hùng Raymond Dien
Đạo diễn Daniel Roussel lý giải căn nguyên những giấc mơ của con người Việt Nam là yêu hòa bình và họ đã nỗ lực trong đàm phán và trong tranh đấu để đạt được nguyện vọng hòa bình về cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam. Những người Việt Nam cao niên ngày nay đã trải qua những năm tháng sóng gió, gian truân trong chiến tranh và sau hòa bình và tất cả như vừa qua một đêm dài với những giao lao, chịu đựng, với những trải nghiệm cuộc sống để rồi sống tiếp trong hành trình sống hôm nay. Và, một trong những đại diện tiêu biểu đó là bà Nguyễn Thị Bình.
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, bà xúc động khi thấy lại hình ảnh mình 40 năm trước khi ký Hiệp định Paris cùng những đồng chí của mình. Thành phố Choisy le Roi đã có những kịch bản ấn tượng trong dịp đón tiếp bà Bình nhân dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngọai giao Pháp - Việt và 40 năm ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Gặp gỡ, xem phim rồi giao lưu hội thảo. Thành phố Choisy le Roi đã tổ chức một buổi hội thảo mang tên Hiệp định Paris về Việt Nam với sự tham dự của bà Nguyền Thị Bình, ông Hà Đăng, ông Trịnh Ngọc Thái (nguyên đại sứ Việt Nam tại Pháp); cùng các nhà sử học Pháp như: Alain Ruscio, Jacques Portes, bà Helen Luc... Phó thị trưởng thành phố Choisy le Roi Jean-Joen Lemarchand dẫn chương trình.
Toàn cảnh hội thảo Hiệp định Paris về Việt Nam
Nhiều ý kiến và tham luận đã nêu ra vấn đề Việt Nam trong quá khứ qua góc nhìn của những nhà cách mạng Việt Nam và các nhà sử học Pháp. 40 năm kể từ ngày ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam đã có bao công trình khoa học lịch sử nghiên cứu về sự kiện này. Giờ đây những nhân chứng còn lại đều đã trên dưới 80 tuổi, bởi thế cuộc hội thảo khoa học lần này thực ra còn là dịp để chiêm ngưỡng bà Nguyễn Thị Bình và một số thành viên khác - những người đã làm nên lịch sử của ngày 27/1/1973 ấy.
Trả lời và nói bằng tiếng Pháp, bà Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam năm xưa vẫn được công chúng ngưỡng mộ, lắng nghe và như uống từng lời. Bà nói về tình hữu nghị của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới đã hết lòng ủng hộ nhân dân Việt Nam và hai đoàn của ta trong cuộc chiến 5 năm đàm phán bốn bên hội nghị Paris. Bà nói về những nỗ lực của quân giải phóng trên chiến trường trong nước, về những hy sinh, mất mát mà nhân dân miền Bắc phải chịu đựng trong 12 ngày đêm 1972. Bà nói về trái tim và tình yêu của bà vẫn mãi mãi giành cho những người bạn Pháp và nhân loại tiến bộ đã ủng hộ tinh thần to lớn cho Việt Nam những năm tháng chống Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Bình tại hội thảo
Vẫn nguyên một phong thái ngoại giao đĩnh đạc của hơn 40 năm trước, vẫn giọng nói sang sảng như thuở còn trẻ, trước diễn đàn hội nghị bà như quên đi tuổi tác của mình mà như sống lại ký ức về những lần họp báo sau mỗi phiên họp Hội nghị Paris. Nói vậy nghĩa là ký ức không bao giờ ngủ yên trong bà. Con người cách mạng này trước sao nay vẫn vậy, vẫn nồng nàn một tình yêu với tổ quốc, với nhân dân Việt Nam.
Xuất hiện trước công chúng mỗi ngày bà vận những áo dài khác nhau và thêm chiếc áo khoác ngoài cho khỏi lạnh. Thời tiết những ngày tháng ba ở Choisy le Roi vẫn rét...
Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố Choisy le Roi còn tổ chức trưng bày 18 bức ảnh về Hiệp định Paris tại hàng rào sắt bên ngoài khuôn viên công viên Mairie. Tại đây còn có tượng đài liệt sỹ tưởng niệm những người con của Choisy le Roi đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Bà Bình cũng lãnh đạo thành phố đã đặt những bó hoa tươi thắm dưới chân tượng đài.
Nguyên phó chủ tịch Nguyễn Thị Bình thăm triển lãm ảnh
Cũng trong dịp này, lãnh đạo thành phố đã khánh thành Quảng trường hiệp định Paris. Đó là một ngày tháng ba đặc biệt. Trời ấm hơn. Quảng trường là một sân rộng tựa vào dòng sông Seine xanh biếc. Chính giữa quảng trường là một điêu khắc hiện đại của nghệ sĩ Dominique mang chủ đề hòa bình.
Bà Nguyễn Thị Bình cùng ông thị trưởng thành phố Daniel Davisse, bà Helen Luc và những người bạn quý của Việt Nam cùng cắt băng khánh thành quảng trường. Choisy le Roi là một thành phố công nghiệp, một thành phố nhỏ ở ngọai ô Paris nhưng đã tổ chức được một loạt sự kiện chính trị mang tầm vóc quốc gia. Trong thời buổi suy thoái kinh tế , việc làm này càng có ý nghĩa to lớn đã ghi nhận thêm tình hữu nghị giữa Choisy le Roi với Hà Nội - Việt Nam và làm dầy thêm tình cảm của người dân thành phố với Việt Nam. Đúng là: “45 năm rồi nhiều người vẫn nhớ/Việt Nam vẫn “đỏ" trong trái tim Choisy...”
Thị trưởng thành phố Daniel Davisse(thứ 5 từ phải sang trái) tại lễ khánh thành
Báo giới chứng kiến các nhân chứng tại Quảng trường hiệp định Paris.
Cũng trong dịp này, quận Đống Đa - quận kết nghĩa với thành phố Choisy le Roi từ năm 1973 - nghĩa là cũng đã được 40 năm, đã cử một đoàn đại biểu sang đây dự lễ kỷ niệm trọng đại này. Họ được tận mắt chứng kiến khánh thành một phố nhỏ mang tên Đống Đa. Con phố xinh xắn này chạy thẳng ra bờ sông Seine. Bà Nguyễn Thị Bình cũng ra tận nơi và ngước nhìn tấm biển mang tên phố Đống Đa.
Đoàn quận Đống Đa chụp ảnh bên tấm biển phố Đống Đa
Tại tòa thị chính thành phố Choisy le Roi, nơi một trong những mảng tường trang trọng nhất, lãnh đạo thành phố đã cho treo Bức tranh gốm về tình hữu nghị Choisy le Roi - Pháp với Hà Nội - Việt Nam của họa sỹ Nguyễn Thu Thủy. Trên nền trắng của tranh gốm là hai giải mầu: mầu xanh tượng trưng cho sông Seine có hình cờ Pháp và giải mầu hồng tượng trưng cho sông Hồng với hình cờ Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ khánh thành bức tranh gốm
Những bức ảnh gốm lam về chủ tịch Hồ Chí Minh và ảnh ký kết hội nghị Paris, đoàn Việt Nam Dân chủ Công hòa tại trường Đảng Mauris Thorez và hình ảnh cầu Long Biên được gắn trên nền gốm trắng đã nhắc lại một quá khứ quan hệ giữa hai thành phố và hai nước. Nhân dịp này bức tranh gốm hữu nghị của họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã được khánh thành với sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Bình, lãnh đạo thành phố Choisy le Roi, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại biểu quận Đống Đa...
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy tác giả bức tranh gốm hữu nghị đã thay mặt UBND TP Hà Nội tặng thành phố Choisy le Roi tác phẩm mới này. Trong sự nghiệp sáng tạo của mình, khởi đầu từ Con đường gốm sứ tới bức đại kỳ bằng gốm ở Trường Sa và giờ đây là bức tranh gốm hữu nghị khổ lớn 2m x 2m, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã chứng tỏ là một nghệ sĩ thích hợp với những tác phẩm nghệ thuật lớn lao, hoành tráng mang tính cộng đồng. Trong những ngày kỷ niệm 40 năm quan hệ Pháp - Việt và 40 năm quan hệ hai thành phố Choisy le Roi với Hà Nội - Đống Đa thì bức tranh gốm hữu nghị của chị đã là một điểm nhấn mang tính sự kiện văn hóa và lưu lại mãi với thời gian...
Poster Tuần lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Hoà bình Paris.
Đón đọc kỳ 2 trên Thethaovanhoa.vn vào 06h00 sáng mai, thứ Hai ngày 15/04/2013.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất