21/06/2014 14:05 GMT+7 | Văn hoá
* Với nhiều sinh viên báo chí, khi lần đầu có được một mẩu tin đăng báo, họ có thể đọc thuộc lòng không sai “chấm, phẩy” và nhớ đến suốt đời. Với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, kỷ niệm về “cái thuở ban đầu” đến với nghề này ra sao?
- Trong cuộc sống, trong tình yêu cũng như trong nghề cầm bút, ai cũng có "cái thưở ban đầu lưu luyến ấy", và đã là cái thưở ban đầu thì rất ấn tượng, rất khó phai, rất đáng yêu. Cái thưở ban đầu của tôi... thật ra cũng có nhiều cái ban đầu lắm. Đồng nhuận bút đầu tiên trong đời là từ một bức tranh được đăng trên báo Văn Nghệ, truyện ngắn đầu tiên đăng ở NXB Kim Đồng, lần nhậu đúng nghĩa đầu tiên là khi học xong báo chí ở Hà Nội, bài thơ đầu tiên đăng ở báo Phụ nữ TP.HCM… Nhưng nếu là bài báo đầu tiên thú thật tôi không nhớ nữa, vì ngay từ thời sinh viên tôi đã cộng tác khá nhiều báo, nhưng bài báo đầu tiên khi chính thức làm phóng viên ở báo Tuổi Trẻ. Cái cảm giác đầu tiên khi của cái chính thức ấy nó lâng lâng lắm, giống như lần đầu tiên có giấy chứng minh thư hay có thẻ nhà báo vậy.
* Nghe nói gia đình anh “nhà báo toàn tòng”?
- Nhiều người vẫn tưởng tôi là dân Bắc kỳ, vì tôi nói giọng Bắc đặc sệt cho dù vào sinh sống ở Sài Gòn đã ngót nghét 40 năm. Ba tôi người Bến Tre, mẹ tôi người Rạch Giá, hai cụ đi kháng chiến gặp nhau ở Cà Mau. Trên đường đi tập kết sinh ra tôi ở Thanh Hóa, một năm sau cả nhà chuyển ra Hà Nội và đến năm 1975 vào Sài Gòn tới bây giờ. Thời gian ở Hà Nội có lúc nhà tôi ở ngay trong trụ sở báo Nhân Dân 71 Hàng Trống, có lúc ở khu tập thể của báo Nhân Dân trong ngõ Lý Thường Kiệt. Bốn anh em tôi lớn lên từ cái nơi “ra ngõ gặp nhà báo” này. Tôi không biết đây có phải là nguyên cớ khiến tôi đi theo nghề báo không nữa, nhưng chắc chắn một điều là đã ảnh hưởng đến nghề cầm bút của tôi rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn ĐH Tổng hợp TP.HCM và Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội (nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền Hà Nội) tôi bay vào Nam, bắt đầu theo nghề báo.
Ba mẹ tôi lúc đó làm báo Nhân Dân, báo Đại Đoàn Kết, anh trai tôi học ngôn ngữ ở Hungary về nước làm ở báo Bà Rịa-Vũng Tàu, đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu. Nói cho chính xác là anh trai tôi mới là tác nhân làm số lượng nhà báo trong gia đình tôi tăng vọt. Đó là vì anh tôi lấy vợ rồi đưa về làm báo, sinh hai đứa con gái rồi hướng hai con mình vào nghề báo (hiện hai cháu làm ở đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu) một trong hai cô con gái lại lấy chồng là đồng nghiệp ở đài, thế là riêng gia đình anh trai tôi đã có 5 nhà báo có thẻ, đủ thành lập một chi hội. Đến tôi sau này cũng đóng góp thêm cho chi hội gia đình này cô vợ làm ở báo Bảo hiểm xã hội (nhưng bây giờ đã chuyển ngành). Như vậy vị chi từ trước tới nay gia đình tôi đã có 9 người làm báo, ba thế hệ làm báo. Không biết các con tôi sau này có chịu làm báo không vì bây giờ khó mà truyền tình yêu báo chí vào đầu mấy đứa suốt ngày mail với chat lắm. Gia đình có đông người làm báo là một yếu tố thú vị, chứ cũng không đặc biệt lắm, vì ba thế hệ mỗi thế hệ làm báo khác nhau, ít ai chịu ảnh hưởng của ai. Ba tôi, anh tôi và tôi là những người được coi là gắn bó với nghề đến quay quắt. Ba tôi đã gần 90 mà vẫn muốn lọ mọ đi, cắm cúi viết cái gì đó dù trên mạng đầy thông tin rồi. Mẹ tôi 83 tuổi mà chiều nào, tối nào cũng chờ tôi đi làm mang báo về để đọc, và tất nhiên những tờ báo ấy phải do chính cháu nội chập chững ôm đến tận giường cho bà.
* Thế nên tôi chưa hình dung ra nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nghỉ hưu thì sẽ thế nào…
- Trong dịp 21/6 năm nay, tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng “hãy viết lại kỷ niệm thời làm báo...”. Những đơn đặt hàng này làm tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì anh em còn nhớ đến mình, buồn vì anh em cũng nhớ luôn là mình đã... sắp về hưu. Tất nhiên tôi luôn nói, và mãi mãi sẽ nói điều này: Nghề viết không có khái niệm nghỉ hưu, nghề viết xa lạ với khái niệm nghỉ ngơi. Tôi sẽ viết, sẽ làm việc và sẽ làm một kẻ rong chơi chữ nghĩa như từ xưa tới giờ, mà có khi thú vị hào hứng hơn nữa. Xin tự tiếp thị là khi các bạn đọc bài báo này cũng là lúc tôi và Đỗ Doãn Hoàng - hai tác giả cách nhau 20 tuổi cùng lò phóng sự báo Lao Động - đã cho ra mắt tập phóng sự in chung Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng. Nhà Thơ Thanh Thảo từng bảo tôi thời tôi viết phóng sự là nhờ cái chân đi, tôi viết tản văn là nhờ tôi biết ngồi lại mà suy gẫm. Cách đây hai năm, cũng trên báo TT&VH, tôi đã trả lời là có rửa tay nhưng sẽ không gác kiếm. Tôi nghĩ tôi là kẻ biết giữ lời.
* Vượt qua đời sống ngắn ngủi của những bài viết trên báo, các phóng sự ký tên Huỳnh Dũng Nhân có một đời sống lâu dài trên các trang sách, ám ảnh nhiều thế hệ bạn đọc. Còn bản thân anh hài lòng nhất với tác phẩm nào của mình?
- Nếu nói về sự trong trẻo hồn nhiên thì tất nhiên đó là những cuốn sách viết từ thời thiếu nhi. Nhưng nói nghiêm túc, thì tôi thích cuốn viết về nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn. Đây là một sư liều lĩnh và say sưa viết lách mà giờ tôi không thể gặp lại. Khi viết cuốn sách này tôi mới 25 tuổi, đang là học viên trường báo chí, và chả biết tí gì về piano cả. Trước tôi đã có hai nhà báo nhà văn kỳ cựu viết về nhân vật đoạt giải nhất cuộc thi Chopin ở Ba Lan này rồi. Thế mà cuối cùng NXB Kim Đồng quyết định chọn bản thảo của tôi để in, với lời thẩm định gạch dưới là: “lưu ý tác giả còn trẻ quá”. Sau đó một đoạn trong cuốn sách của tôi về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 5. Thằng tác giả “còn trẻ quá” bèn mon men lên NXB đòi tiền nhuận bút thì được một vị biên tập khả kính phán cho một câu xanh rờn: “in cho là may rồi!”.
* Làm báo hiện nay cạnh tranh khốc liệt, nhiều tờ báo phải giảm kỳ hoặc đình bản. Nếu anh không làm báo thì sẽ làm gì khác?
- Hồi nhỏ tôi học toán rất dốt, đến nỗi làm một bài kiểm tra toán có 5 câu sai cả 5, song cô giáo vẫn cho 2 điểm nhờ... chữ đẹp, cô không nỡ cho 0 điểm. Đến nay làm Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, cái sự dốt tính toán vẫn đeo bám hành hạ tôi, lại đúng cái thời báo in thua lỗ mọi bề, lèo lái để in được một tờ tạp chí chuyên ngành không hề dễ dàng, tờ báo của tôi tự thu tự chi, có được bao cấp ngân sách đâu. Tôi phải vận dụng mọi sự quen biết để kiếm nguồn lo cho tờ báo, trước mỗi tháng một số, nay giãn ra, đủ tiền mới in. Thế mà cũng trụ được đến nay là 6 năm, tôi phải tự khen mình, không biết tính toán làm ăn kinh tế mà thế là giỏi rồi. Công việc của tôi bây giờ ư? Là hội thì phải họp. Mà tôi lại tham gia mấy cái Ban chấp hành hội hè này nọ, thành thử đi họp suốt. Một công việc khác chiếm khá nhiều thời gian tâm huyết của tôi là việc đi dạy nghiệp vụ, đi nói chuyện nghề, đi làm giám khảo các cuộc thi phóng sự, giải báo chí mọi nơi... Công việc này bận rộn nhưng vui, giúp tôi gắn bó và nâng cao nghiệp vụ... Tôi bảo tôi không chịu gác kiếm là chỗ này. Nói vui hồi xưa kiếm tiền bằng tay chân (đi và viết), giờ kiếm tiền bằng cái miệng (đi dạy, đi nói chuyện, đi làm giám khảo, in giáo trình, lý luận), lúc rảnh rỗi thì lên Facebook chat chít với bạn bè. Thế cũng là còn máu lửa với cây bút lắm. Chừng nào không còn ai đọc báo, chừng nào hết bạn hết bè, hết chuyện để viết mới đáng lo.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất