Nhà báo Nguyễn Lưu: 'Đường lớn đã mở nhưng thể thao Việt Nam cần tập trung toàn lực'

30/10/2024 07:55 GMT+7 | Thể thao

Nhà báo lão làng Nguyễn Lưu cho rằng khi Chiến lược phát triển thể thao nước nhà đã được phê duyệt thì việc cần làm tiếp theo chính là tập trung toàn lực để thực thi một cách hiệu quả nhất.

* Thể thao & Văn hóa: Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục - thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp thúc đẩy thể thao nước nhà phát triển?

- Nhà báo Nguyễn Lưu: Trong bối cảnh đất nước và quốc tế có nhiều thay đổi, thể thao Việt Nam (TTVN) cần xây dựng, triển khai một chiến lược mới, nhằm tận dụng tốt thời cơ, nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh theo hướng tiếp cận mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực thể thao sẽ giúp chúng ta thuận lợi vượt qua những khó khăn, thách thức thực tế trong giai đoạn tớiđây.

Vì thế, việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục - thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ góp phần đưa TTVN phát triển mạnh mẽ. Đây có thể xem là kim chỉ nam cho toàn ngành trong việc xây dựng nền thể thao quốc giaphát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Có thể thấy, những gì được đề cập trong chiến lược đã tổng hòa toàn diện về mục tiêu phát triển thể thao nói chung cũng như đầu tư trọng điểm ở một số môn nhất định. Nhìn từ thực tế của TTVN hiện nay, cần phải cósự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của không chỉ ngành thể thao. Điều đặc biệt cần là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, có được tư duy đột phá bởi từ lý thuyết đến triển khai, từ tầm nhìn đến thực tế là chặng đường dài, nhiều gian nan, thách thức.

* Rõ ràng, để phát triển thể thao không chỉ cần kinh phí, cơ sở vật chất, lực lượng VĐV mà còn cần cả con người quản lý, điều hành, ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất là ngành thể thao đang thiếu đội ngũ lãnh đạo, các nhà chuyên môn đủ tầm. Điều này cũng bắt nguồn từ việc ngành TDTT đã sáp nhập vào bộ chủ quản, chưa có được cơ chế hoạt động riêng biệt để tạo ra điều kiện tốt nhất nhằm thực hiện bài bản công việc của mình. Đây là hệ quả của một giai đoạn dài ngành thể thao không có sự chuẩn bị về nhân sự lãnh đạo kế cận. Điều này khiến cho công tác quản lý, điều hành thể thao nhiều năm qua chưa như mong muốn. Tôi cho rằng đây là điều rất đáng buồn, vì lãnh đạo cần những người không chỉ giỏi chuyên môn, công tác quản lý mà cả bản lĩnh để đưa ra các quyết sách cần thiết, thậm chí ý kiến phản biện các cấp lãnh đạo. Mô hình tổ chức quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là con người.

Tiếp đến, phải kiện toàn, đổi mới hệ thống tổ chức ngành TDTT nước nhà hiện nay. Tạo ra được đội ngũ cán bộ ổn định, chuyên môn cao, cơ sở vật chất và khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào thể thao. Thực tế cho thấy bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào có được sự góp sức đầu tư của nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đều mang lại kết quả xứng tầm. Thể thao cũng vậy thôi, nhất thiết phải xã hội hóa sâu rộng theo đúng xu thế quốc tế hiện nay.Phát triển kinh tế thể thao đang có xu hướng tăng lên, nhiều hoạt động tạo nguồn thu tốt. Trong lúc chúng ta đang phát triển như vậy mà "hạ cấp" Tổng cục TDTT xuống thành CụcTDTT thì liệu có kìm hãm đà phát triển?

Thể thao dù không đóng góp giá trị kinh tế trực tiếp nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Thực tế cho thấy hơn 70 năm qua ngành thể thao làm được rất nhiều việc. Các thành tích của thể thao tạo nên sự khích lệ lớn đối với cộng đồng, khơi gợi lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc và uy tín quốc tế.

Nhà báo Nguyễn Lưu: “Đường lớn đã mở nhưng thể thao Việt Nam cần phải tập trung toàn lực” - Ảnh 1.

Cầu lông là môn thể thao Olympic được đánh giá là rất phù hợp với tố chất của VĐV Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

* Vậy để giúp TTVN vượt giới hạn, còn nhiều việc phải làm, đặc biệt về chiến lược đầu tư, phải không thưa ông?

- Nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc TTVN chưa thể vươn ra biển lớn mà một trong những nguyên nhân chính đó là chúng ta chưa có một định hướng chiến lược dài hơi, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho những môn thể thao nằm trong chương trình, nội dung thi đấu của các đại hội thể thao châu Á, xa hơn nữa là Olympic.

Thực ra, nói đầu tư cho những môn thể thao Olympic thì nhiều quá, rộng quá vì nhóm này có trên 30 môn, bộ môn thi đấu. Thời gian sắp đến theo tôi TTVN cần quyết tâm đầu tư có trọng điểm vào các bộ môn Olympic cơ bản, Olympic thu hẹp, "Olympic hóa" triệt để hơn nữa. Đồng thời đầu tư cho những môn phù hợp với thể trạng, tố chất của người Việt Nam, không có sự va chạm, đối đầu trực tiếp trong thi đấu như bắn súng, cầu lông, cử tạ, TDDC...

Trong bối cảnh hiện nay, TTVN không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Ngoài ra, phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản thì các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ và khi đó kết quả mới tương xứng. Vì thế, vấn đề được đặt ra là cần có cái nhìn thực tế hơn với thể thao đỉnh cao ở những môn Olympic, tiếp tục tinh giản những nội dung, hoàn thiện và rốt ráo hơn nữa công tác xã hội hóa thể thao đỉnh cao.

* TTVN khó "cất cánh" nếu cứ đi trên những lối mòn như lâu nay. Vậy đâu là kỳ vọng của ông về sức bật mới dành cho thể thao nước nhà?

- Tôi muốn nhấn mạnh đến 2 từ "trọng điểm" và "đặc hiệu" khi chúng ta đầu tư cho thể thao. Lựa chọn những môn thể thao trọng điểm và có được phương pháp "đặc hiệu" từ nguồn kinh phí trong tập luyện, thi đấu, khen thưởng dành cho các VĐV. Theo dõi quá trình phát triển có thể thấy, mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của TTVN là nguồn lực và chiến lược đầu tư. Thực tế, mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục.

Chúng ta không thể dàn trải, cào bằng khi đầu tư cho các môn thể thao được. Đầu tư chiều sâu vẫn là mong muốn vì kinh phí dành cho các VĐV đỉnh cao của chúng ta còn quá ít so với các quốc gia khác.Bài toán thiếu trước hụt sau khiến TTVN loay hoay co kéo trong tấm chăn chật hẹp. Mục tiêu muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực, trong đó có việc chưa quản lý tốt nguồn lực đầu tư được phân bổ.

Cuối cùng, chúng ta đã vạch ra được chiến lược, đã có những đổi mới trong suy nghĩ về thể thao ở cấp vĩ mô, đã có những chính sách mới mẻ dành cho hoạt động văn hóa, thể chất trong tình hình mới. Vấn đề là làm sao để nhanh chóng đưa các chủ trương và đường hướng ấy vào đời sống thể thao nước nhà.

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Thực ra, đã có rất nhiều "hội nghị Diên Hồng" trong địa hạt thể thao từng được tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành. Dù thế, từ hội nghị bước ra thực tiễn vẫn là khoảng cách rất xa. Ngoài có chiến lược tốt thì thực hiện đúng chiến lược là điều không hề dễ dàng.

Giữa lý thuyết, phương hướng, kế hoạch đến thực tế triển khai còn có khoảng cách khá xa. Đề ra đường hướng đúng chưa đủ, quan trọng là thực hiện đường hướng đó thế nào, nói đi đôi với làm, làm phải thật và làm phải có kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng kết".

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link