Nhà thơ Lê Minh Quốc: Thật buồn khi nhà phê bình… đi vắng

06/09/2013 13:30 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Từ chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phê bình các ca sĩ nay đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng“đốp chát” lại vị nhạc sĩ già khiến nhiều người phải suy nghĩ về văn hóa phê bình và nhận phê bình trong lĩnh vực nghệ thuật hiện nay.

>>> Chuyên đề: Mổ xẻ & Khai thông phê bình âm nhạc

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc nhiều năm nay nghiên cứu “chuyện xưa tích cũ” đã chia sẻ với TT&VH Cuối tuần về văn hóa phê bình của người xưa và so sánh với ngày nay. Lê Minh Quốc rất buồn vì các nhà phê bình nghệ thuật “thứ thiệt” đã… đi vắng, nhường sân chơi này cho các nhà báo “phê bình tay ngang”.


Nhà thơ Lê Minh Quốc

* Vừa rồi nhạc sĩ lão làng Nguyễn Ánh 9 đã “phê bình” nhiều ca sĩ và nhận lại sự phản ứng “dữ nhất” từ Đàm Vĩnh Hưng. Tuy kết cục có hậu là Hưng đã mang hoa đến khóc và xin lỗi Nguyễn Ánh 9. Nhưng từ sự việc như vậy anh suy nghĩ thế nào về văn hóa phê bình hiện nay?

- Theo dõi tình hình phê bình trên báo chí trong vài năm trở lại đây, tôi thấy có hai hiện tượng cần lưu ý: Có một thời, khi tác phẩm ra đời, bản thân tác giả mong được thiên hạ “đánh”, càng nhiều càng tốt, có như thế mới nổi đình nổi đám. Sự phê phán dữ dội đó có ích lợi là ít nhiều góp phần “đánh bóng” tên tuổi nhằm khẳng định tác giả đã “tiên phong” đi đầu, dám nói, dám làm những điều mà người khác né tránh. Đã qua thời đó rồi, hiện nay người ta thích được khen, khen càng nhiều càng tốt. Có được khen mới có thể khẳng định được vị trí trong công chúng, mới tạo được uy tín cho những lần sau. Thật ra, suốt cả một thời gian dài, sự khen hoặc chê phần lớn không xuất phát từ cái tâm, từ suy nghĩ mà còn do nhiều động cơ khác ngoài yếu tố học thuật.

Trong một xã hội có nền phê bình lành mạnh, mọi công chúng đều có quyền phát biểu ý kiến nhận xét chủ quan về tác giả và tác phẩm. Miễn là họ nói thật lòng, chứ không phát ngôn cho kẻ khác vì mục đích nào đó.

Đã đến lúc chúng ta phải nói thật với nhau: Bản thân người phê bình có phải anh/chị ta viết không?! Anh/chị ta chỉ viết lại những gì theo “thông cáo báo chí” của nhà tổ chức cung cấp trong các cuộc họp báo. Công chúng giờ khôn ngoan lắm, họ không tin các tay phê bình đi xem một show diễn bằng vé mời, được nhiều quyền lợi “ưu đãi” có thể viết một bài phê bình công tâm. Dần dà, thông tin đến công chúng không phải từ bộ lọc, cảm nhận của nhà phê bình mà chỉ từ “cái loa” phát ngôn của nhà tổ chức bằng “văn phong phê bình” đó thôi.

* Điều nguy hiểm này khiến người phê bình và người được phê bình tưởng là thế, tin là thế. “Lộng giả thành chân”. Chính vì vậy, khi có ý kiến trái chiều là họ giãy nảy lên như… đỉa phải vôi.

Câu chuyện ồn ào giữa các phát biểu của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đụng tới "lãnh địa nhạy cảm" là văn hóa phê bình và tiếp nhận phê bình của người Việt nói chung

* Ông bà ta nói: “Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng” nhưng lại nói: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Giữa “lời thật” và “lựa lời”, theo anh những sự kiện phê bình của các cụ ta ngày trước được thể hiện bằng lời lẽ như thế nào?

- Những câu tục ngữ ấy áp dụng trong giao tế, xã giao thì hợp lý quá. Thế nhưng trong lĩnh vực phê bình học thuật, không phải lúc nào cũng “lựa lời”; mà điều cốt lõi là chứng cứ, tài liệu, kiến thức trưng ra trong tranh luận phê bình có thuyết phục hay không? Chỉ xin đơn cử rằng, nền văn học Việt Nam hiện đại, từ năm 1932 đến nay đã nổ ra nhiều cuộc “long trời lở đất” như tranh luận Thơ mới & Thơ cũ; Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Duy tâm hay Duy vật? Rồi tranh luận về Quốc học, về Truyện Kiều… đã lôi cuốn một loạt các cây bút hàng đầu của nền văn hóa nước nhà tham gia. Không phải lúc nào họ cũng “lựa lời” mà nói thẳng thừng, thậm chí mỉa mai “đối phương” không nương tay.

Trên An Nam tạp chí số 37 (ra ngày 16/4/1932), Tản Đà buộc tội Phan Khôi phải chịu một hình phạt độc đáo là “chịu ba trăm roi đòn, chia đánh ở ba nơi: “Đánh ở trước sân Văn Miếu Thăng Long là nơi gốc văn vật của sự học Nho nước ta từ triều nhà Lý; Đánh ở Huế, là nơi thủ phủ xứ Trung kỳ; Ở Quảng Nam, là nơi chốn của tội nhân sinh trưởng học tập”.

Thế nhưng, dù có “nặng lời” nhưng người bị phê bình không lấy đó làm tức tối, bởi họ xét vấn đề tranh luận trên cơ sở của học thuật. Và điều quan trọng nữa là cả hai sử dụng cách xưng hô lịch thiệp của người có học. Chẳng hạn, lúc tác phẩm Nho giáo của Trần Trọng Kim ra đời đã xảy ra cuộc bút chiến dữ dội giữa tác giả với Phan Khôi nhiều số báo liền. Cả hai lúc ôn hòa, khi gay gắt nhưng trước sau người này vẫn xưng người kia là “tiên sinh”. Kết thúc tranh luận dài ngày, Trần Trọng Kim còn viết: “Xin cảm tạ Phan tiên sinh đã cho tôi cái dịp để tỏ chút lòng đối với Khổng giáo và khoa học”. Thật nhã nhặn biết bao. Ôn hòa biết bao.

Hẳn chúng ta còn nhớ cuộc tranh luận về nguồn gốc ra đời trống võ Tây Sơn giữa hai nhà văn Nguyễn Văn Xuân và Võ Phiến. Ông Xuân cho rằng nó xuất phát từ cách đánh trống của nghệ thuật tuồng. Ông Phiến lại lập luận khác. Lúc ấy, học giả ở miền Nam quan tâm bởi ngoài học thuật còn vì cách xưng hô điềm đạm, trước sau cả hai vẫn gọi “Nguyễn quân” hoặc “Võ quân”. Rất tôn trọng nhau.

Lề lối phê bình của thế hệ đàn anh, nay đã khác trước nhiều lắm. Gần đây xuất hiện quá nhiều bài phê bình “đánh chết tươi” bằng cách mạt sát, miệt thị “đối phương” hết lời. Vì thế, người bị phê bình không buồn trả lời lại, bởi không cùng một “kênh” từ học thức và nhất là tư cách thì tranh luận lại làm gì!

* Nhóm Tự lực văn đoàn một thời hay đem các “thói tật” của cụ Tản Đà ra… giễu. Cụ Tản Đà đã phản ứng lại thế nào, thưa anh? Và từ chuyện của cụ Tản Đà, chúng ta hôm nay rút được bài học gì từ nếu… “bị phê bình”?

- Nào có riêng gì Tản Đà, các nhân vật tiếng tăm thời đó, nhóm Tự lực văn đoàn cũng đều giễu cợt hài hước. Nhà thơ Tú Mỡ có kể trong hồi ký: “Tản Đà là người biết đùa, không giận. Một hôm sau khi đọc bài thơ Giời đày Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ đích thân đến tòa soạn, cười ngất phê bình: “Bài thơ thú lắm, nhưng mà xược!”. Anh Khái Hưng hỏi: “Thực tình anh có giận chúng tôi không? Tản Đà cười khà đáp: “Chúng ta ví như những vai hề trên sân khấu, có khi giễu xỏ nhau ở rạp hát để thiên hạ mua vui. Nhưng diễn xong trò, ta vẫn là ta, bạn đồng nghiệp cả, việc quái gì mà giận nhau”.

Tôi nghĩ, đó là phẩm chất nghệ sĩ thứ thiệt. Từ trường hợp Tản Đà, ta có thể rút ra bài học gì? Tôi nghĩ, những ai có bản lĩnh, được trang bị một nền văn hóa căn bản sẽ có nội lực để ứng xử trước mọi nguồn phê bình hoặc thực tâm hoặc ác ý.

* Vừa làm báo đồng thời là một nhà nghiên cứu, theo anh “phê bình” với liều lượng thế nào trên báo chí, truyền thông là vừa đủ để thể hiện văn hóa của những người làm nghề (viết văn, sáng tác nhạc, trình diễn…) trước đông đảo công chúng?

- Đây là một vấn đề có tính chuyên sâu, khó có thể nói gọn trong một vài ý ngắn. Tuy nhiên, trước hết, tôi quả quyết rằng, các lãnh vực nghệ thuật mà bạn vừa nêu, thời gian qua hầu như vai trò các nhà phê bình đã vắng mặt. Họ đã nhường “sân chơi” lại cho các nhà báo từ khuya rồi. Do đó, đừng nhầm lẫn giữa bài báo thông tin vô thưởng vô phạt hoặc bài mài mại từ “thông cáo báo chí” đã cung cấp cho nhà báo với bài viết phê bình đúng nghĩa.

* Bản thân là một người sáng tác, lại làm báo, cảm xúc anh thế nào?

- Nói gọn là tôi thật buồn!

TRẦN HOÀNG NHÂN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link