22/10/2015 06:08 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này dư luận trong nước xôn xao quanh nghi vấn đạo thơ của Phan Huyền Thư. Nhưng trên thế giới, việc các nhà văn, nhà thơ mượn chất liệu của nhau, thậm chí sao chép một cách lộ liễu, đã chẳng còn là điều gì gây kinh ngạc.
Năm 1593, Robert Greene, một nhà viết kịch nổi tiếng nhưng cũng thích khoe khoang, tác giả của các vở kịch Orlando Furioso và Friar Bacon And Friar Bungay, đang chết dần trong cảnh cơ hàn ở tuổi 32.
“Văn chương là hành động ăn cắp”
Nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay tại khuôn viên một nhà thờ ở vùng Kent, ông vẫn xuất bản một cuốn sách ngắn có tên A Groat's-worth Of Wit Bought With A Million Of Repentance, với nội dung tố cáo William Shakespeare đã thuổng câu chữ trong tác phẩm của mình.
Cuốn sách của một người đang hấp hối như Greene có thể không chuẩn về câu chữ, nhưng nó nói không sai lắm so với sự thật. Nếu tất cả các nhà văn, nhà thơ là những kẻ móc túi thì Shakespeare là kẻ chôm chỉa chuyên nghiệp.
Các phần nội dung hay nhất trong tác phẩm Antony And Cleopatra của ông đã lấy thẳng từ tác phẩm của sử gia Plutarch. Khoảng 4.144 trong số 6.033 dòng nội dung nằm trong vở kịch Henry IV của ông cũng bị lấy trái phép từ các tác giả khác. Ngoài hai vở A Midsummer Night's Dream và Twelfth Night, phần cốt truyện trong các vở kịch của Shakespeare được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, thường là từ văn học cổ điển.
Có bằng chứng cho thấy Shakespeare đã bị tổn thương sau màn vạch mặt của Greene. Nhưng các hậu bối đã không sửa sai mà vẫn tiếp bước theo con đường của ông. Nhà thơ John Milton từng đạo tác phẩm của Jacob Masenius. Laurence Sterne chôm chỉa câu chữ của Robert Burton; Samuel Coleridge đạo văn của Friedrich Wilhelm Joseph Schelling; JRR Tolkien vay mượn nhiều chất liệu trong các truyện dân gian Bắc Âu.
Có thể nói đạo văn là một trong những tội lỗi lớn nhất của văn chương. Nhưng sao phải vội làm ầm lên, bởi rất nhiều người vẫn vấp phải nó. Ít nhà văn hay nhà thơ có thể phủ nhận một điều, rằng nếu phát hiện một chất liệu hay ho nào đó trong tác phẩm của người khác, họ thường lưu trữ lại để dùng sau.
“Văn chương là hành động ăn cắp” – nhà báo Mỹ James Atlas từng tuyên bố như thế. Ông ấy đã đúng. Lịch sử các cuốn sách và hoạt động viết lách đã ủng hộ quan điểm có vẻ khó nghe này của ông.
Đừng vội đưa ra phán xét đạo văn
Nhà thơ Virgil của La Mã cổ đại từng bị phát hiện đã xào xáo nội dung một tác phẩm của Quintus Ennius. Khi bị chất vấn, ông đáp rằng mình chỉ đang "mò ngọc trai từ bùn lầy”. Tuyên bố này của Virgil chẳng khác một phát ngôn về sau của nhà văn nổi tiếng T.S Eliot: “Các nhà thơ tồi thường hay bắt chước. Nhà thơ giỏi thường hay ăn cắp”.
Có một điều không thể phủ nhận rằng nhờ dựa trên chất liệu của người khác, các nhà văn, nhà thơ lớn đã cho ra đời những tác phẩm tuyệt vời. Giờ chẳng còn mấy ai nhớ tới Ennius, trong khi người yêu văn chương khó có thể quên Virgil.
Ngày hôm nay, các nhà văn đương đại được khuyến khích tìm kiếm, phát hiện hoạt động đạo văn. Khi ai đó có tác phẩm ăn khách trong thế giới sách, các tác giả kém may mắn hơn thường lập tức lên tiếng tố cáo họ.
Ví dụ như khi Yann Martel giành giải Man Booker với cuốn Life Of Pi (Cuộc đời của Pi), thành công của ông đã khiến không ít kẻ ghen tị, lên tiếng tố cáo ông đạo văn. Tuy nhiên các cáo buộc này không trụ lại được lâu, bởi Martel khẳng định rằng nội dung cuốn truyện của ông được truyền cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Brazil Moacyr Scliar.
Ngay cả các tác giả nổi tiếng như J.K. Rowling cũng không thoát cáo buộc đạo văn. Nhà văn viết cho thiếu nhi Ursula Le Guin đã liên tục tố cáo Rowling chôm chất liệu từ tác phẩm của mình.
Guardian chỉ ra rằng hiện nay, số lượng cốt truyện cơ bản mà một tiểu thuyết gia hoặc nhà viết kịch có thể sử dụng là rất hạn chế. Một vài người nói rằng con số này chỉ là 10, 7 hoặc 5 cốt truyện cơ bản. Với sự hạn chế như thế, việc trùng lắp tác phẩm của nhau là rất dễ xảy ra.
Ngoài ra ngay cả khi một nhà văn tưởng như mình đang khám phá một con đường mới trong văn chương, nghĩ rằng văn mình độc đáo, thì vẫn không loại trừ khả năng anh hoặc cô ta chỉ đang viết lại một câu chuyện đã có từ lâu. Vì thế, có lẽ trước khi ta phán xét ai đó đạo văn, cần phân biệt rõ ràng giữa việc sao chép trắng trợn câu chữ - điều hết sức sai trái - với việc kể lại các câu chuyện cũ, một hướng sáng tạo có thể hiểu và chấp nhận được.
Các nghi án đạo văn nổi tiếng Ian McEwan bị cáo buộc đã chôm một số đoạn trong trong cuốn hồi ký của tác giả Lucilla Andrews, xuất bản vào năm 1977, để sử dụng trong cuốn tiểu thuyết Atonement (2001) của ông. Năm 1997, Graham Swift vướng cáo buộc đã đạo nội dung cuốn tiểu thuyết As I lay Dying (1930) của William Faulkner. Các nhà chỉ trích nói rằng cuốn tiểu thuyết Last Orders giành giải Man Booker của ông rất giống tác phẩm của Faulkner. Ông bào chữa rằng sách của mình chỉ “mang âm hưởng” tác phẩm của nhà văn Mỹ. Năm 1995, P.D. James đã phải chống lại cáo buộc đạo văn, do các nhà chỉ trích thấy cuốn Original Sin của bà giống cuốn End of Chapter của nhà thơ Cecil Day-Lewis. James nói bà đã đọc cuốn sách của Day-Lewis, nhưng không hề đạo nó. |
Tường Linh (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất