Nhà buôn nổi tiếng Hans Mayer: Khan hàng khiến tranh quý tăng giá điên loạn

22/04/2015 07:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hans Mayer là một chủ phòng trưng bày nghệ thuật, đã góp phần định hình nên khung cảnh nghệ thuật Đức trong nửa thế kỷ qua. Ông đồng thời cũng là người đồng sáng lập Art Cologne - hội chợ nghệ thuật quan trọng nhất nước Đức.

Mayer từng tổ chức triển lãm tranh của các nghệ sĩ nổi tiếng như Warhol, Beuys, Haring… khi họ mới nổi. Năm 1965, Mayer đã mở phòng trưng bày nghệ thuật đầu tiên tại ngôi làng nhỏ Esslingen. Kể từ những năm 1970, Mayer đã nổi tiếng là một trong những nhà buôn nghệ thuật quan trọng nhất của nghệ thuật Mỹ đương đại.

Mới đây, Mayer đã có cuộc trò truyện với trang tin Deustche Welle, để bàn về việc tại sao nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng lại đạt những mức giá cao khó tưởng tượng khi được đem ra bán.

* Ông là một trong những chủ phòng tranh nổi tiếng nhất thế giới. Vậy ông có điểm gì khác biệt so với những người khác cùng nghề?

- Có lẽ là cách tiếp cận nghệ thuật chẳng giống ai của tôi. Khi tôi mở phòng trưng bày tranh đầu tiên ở Esslingen, rất nhiều sử gia nghệ thuật và những người làm việc trong bảo tàng đã lên tiếng can ngăn. Rồi họ nói tôi là gã điên khi kết hợp cuộc triển lãm tranh đầu tiên với trình diễn nhạc rock.

Thực ra cuộc triển lãm đó chỉ là màn nổi dậy chống lại những điều đã trở thành nền tảng của thị trường nghệ thuật khi ấy.


Nhà buôn nghệ thuật nổi tiếng người Đức, John Mayer

* Năm 1979, ông gặp nghệ sĩ Mỹ Andy Warhol và nghệ sĩ trình diễn Đức Joseph Beuys tại Phòng trưng bày Dusseldorf. Sau đó ông đã giới thiệu họ với nhau phải không?

- Warhol đã được mời tới một sự kiện do tạp chí Capital tổ chức. Năm nào Capital cũng đánh giá và xếp loại các nghệ sĩ nổi tiếng nhất.

Năm ấy, Warhol được xếp thứ 1 và Beuys đứng thứ 2. Tôi đã tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của Warhol và đã nói với Beuys rằng, anh nên tới buổi khai mạc triển lãm.

Khi Beuys hỏi vì sao phải làm thế, tôi đáp, “Anh sẽ có một triển lãm ở New York trong năm sau và hẳn nhiên anh sẽ vui khi Warhol tới triển lãm của mình”. Kể từ đó, 2 nghệ sĩ ấy đã thân thiết với nhau.

* Ông là người đồng sáng lập hội chợ nghệ thuật Cologne. Sự kiện đó được ra đời trong bối cảnh nào?

- Vào cuối những năm 1960, tôi và các chủ phòng trưng bày nổi tiếng Cologne là Stunke và Zwirner nhận thấy giới sưu tầm ở Paris và New York đã bắt đầu mua tranh từ các cuộc triển lãm của chúng tôi.

Lúc ấy, chúng tôi nghĩ cần phải có một hội chợ nghệ thuật hay điểm trưng bày tranh ở Rhineland, nơi từng được coi là một trung tâm văn hóa.

Sau đó, “Tổ chức các nhà buôn nghệ thuật cấp tiến Đức” được sáng lập. Hội chợ nghệ thuật đầu tiên diễn ra tại một phòng tổ chức sự kiện ở Gurzenich, Cologne, với sự tham gia của hơn 10 phòng trưng bày.

Trong 5 năm đầu tiên, chúng tôi được hưởng lợi lớn, bởi không phải chi trả bất cứ thứ gì. Sau đó, Hội chợ nghệ thuật Basel ra đời vào năm 1970. Lúc ấy hội chợ ở Cologne bắt đầu rã đám và Basel ngày càng trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của giám đốc mới, Daniel Hug, Hội chợ Art Cologne đã trở thành một sự kiện nghệ thuật nổi bật.

* Ông nghĩ sao về sự phát triển trên thị trường nghệ thuật hiện nay? Giới phê bình cho rằng thị trường đang “quá nóng”.

- Tôi chẳng bao giờ tin vào những tuyên bố đó, bởi cuối những năm 1960 và trong những năm 1970 người ta đã luôn nói như vậy. Nhưng phải thừa nhận hiện nay người ta đổ tiền vào các tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ xuất chúng nhiều hơn hẳn trước đây.

* Theo ông, nguyên nhân gì khiến giá các tác phẩm nghệ thuật xuất chúng lại ở mức “trên trời” như vậy?

- Hãy lấy ví dụ về một bức tranh bị thổi phồng giá quá mức. Mới đây, một bức tranh của Rothko đạt giá 120 triệu USD, gồm cả thuế. Lùi lại 15 năm, chính tôi đã bán bức tranh đó, với giá vỏn vẹn 500.000 USD.

Đó là tác phẩm đẹp và có ý nghĩa nhất của Rothko, thường xuyên nằm trong một bộ sưu tập. Nhưng người ta đã quyết định bán nó, chỉ vì mức giá quá cao.

Tới đây, một tác phẩm khác của Rothko cũng có nhiều khả năng sẽ được bán với giá 40 triệu USD. Mức giá cao như thế bởi nhu cầu về các tác phẩm nghệ thuật của Rothko đang vô cùng lớn, trong khi nguồn cung lại đặc biệt hạn chế.

Đó chính là lý do tại sao giá nhiều bức tranh lại tăng một cách điên khùng đến vậy. Trong thời điểm này, phán đoán thị trường nghệ thuật sẽ phát triển theo hướng nào về mặt giá cả sẽ là điều bất khả thi.

Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link