Dư âm đắng cho Yahoo

10/09/2011 06:52 GMT+7 | Cuộc sống Số

Tương lai nào đang chờ đợi thế lực một thời của thế giới Internet là Yahoo, sau khi CEO Carol Bartz phải “khăn gói quả mướp” ra đi theo cách không lấy gì làm hay ho cho lắm: bị sa thải!

Carol Bartz chỉ là cái tên đầu tiên báo hiệu một cuộc “thay máu” lớn hơn bên trong Yahoo? Ảnh minh họa: Internet.

CEO chưa đủ, cổ đông Yahoo muốn thay cả… ban lãnh đạo

Một cổ đông lớn (5%) của Yahoo là Daniel Loeb đã bán cổ phiếu của mình trong công ty, đồng thời ra yêu sách đòi ban lãnh đạo của Yahoo phải ra đi, với lý do thành viên ban quản trị đã có những “quyết định sai lầm nghiêm trọng” và “hủy hoại quyền lợi” của cổ đông.

Là chủ tịch quỹ đầu tư Third Point LLC, Daniel Loed cho hay đã có những cuộc tiếp xúc với nhiều ứng cử viên sáng giá để thay thế ban lãnh đạo công ty, vốn cần phải bị loại bỏ ngay, cụ thể là chủ tịch Roy Bostock và các giám đốc Arthur Kern, Vyomesh Joshi và Susan James.

Tuy không phản đối việc sa thải Carol Bartz, song Third Point cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tất cả những thất bại của Yahoo đều thuộc về ban quản trị, và rằng Carol Bartz chỉ vô tình làm mọi thứ trầm trọng thêm, đặc biệt là tại thị trường châu Á.

Bước đi tiếp theo cho Yahoo?

Tuy hiện nay cựu CEO Tim Morse đang tạm giữ chiếc ghế nóng, song Yahoo vẫn cần tìm cho mình một CEO thực thụ mới, càng sớm càng tốt.

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày này chính là Jason Kilar. Kilar hiện là CEO của Hulu, công ty đang rất được Yahoo thèm khát. Có rất nhiều lý do để giải thích cho việc Kilar sẽ là một lựa chọn hợp lý cho Yahoo, và một trong số đó chính là khả năng của người này trong việc đương đầu với các cơn khủng hoảng. Nhưng lý do quan trọng nhất, đó chính là việc Hulu cũng đang được rao bán, và một trong những kẻ đang nhăm nhe – là Yahoo - lại cũng “tình cờ” có nhu cầu tuyển CEO mới.



Ảnh minh họa: Digitaltrends


Tiếp tục, Yahoo rất cần phải mua Hulu. Dịch vụ truyền tải phim trực tuyến này đang trở thành đề tài cực nóng trong giới công nghệ khi tuyên bố tự rao bán, và cùng với đó là sự quan tâm thấy rõ đến từ Yahoo. Tuy nhiên không phải “cứ muốn là được”, khi Hulu đang có mối quan hệ rất “nồng ấm” với Amazon, cũng như có rất nhiều hãng công nghệ khác có khả năng chi nhiều tiền hơn Yahoo, chẳng hạn như Google và Apple…

Vấn đề ở chỗ, Yahoo hiện chỉ còn hai lựa chọn, hoặc tạo ra một cuộc cách mạng, hoặc đóng cửa công ty để “về quê chăn vịt”. Thuê Jason Kilar làm CEO và tái định hình như một doanh nghiệp chuyên về truyền thông – giải trí là một ý hay nhưng chưa đủ, họ cần phải có cả Hulu để củng cố.

Và quan trọng nhất, việc trở thành một doanh nghiệp truyền thông – giải trí sẽ giúp ích rất nhiều cho Yahoo tại thị trường hải ngoại (ngoài sân nhà Mỹ). Khác với sự “ghẻ lạnh” của người dùng trong nước, Yahoo vẫn là “gã khổng lồ” tại nhiều nước khác, đặc biệt là khu vực châu Á. Yahoo Nhật Bản vẫn duy trì là công cụ tìm kiếm số một tại đây, hơn cả Google.

Yahoo sẽ phải bán mình?

Ngay sau khi Carol Bartz ra đi, tờ Businessinsider đưa tin ban lãnh đạo Yahoo cũng cho rằng đã đến lúc phải rao bán toàn bộ công ty. Tuy nhiên ngay sau đó, đồng sáng lập kiêm giám đốc và cựu CEO của Yahoo là Jerry Yang đã phủ nhận thông tin trên.

“Yahoo không phải để bán” là những gì Jerry Yang tuyên bố trước cuộc gặp mặt cùng 13.500 nhân viên Yahoo vào ngày 7-9 vừa qua.

Bị sa thải, cựu CEO phản pháo



“Là lá la thế là mụ phù thủy đã toi đời” là những gì viết trên tài khoản Twitter của… cựu CEO Yahoo, Brad Garlinghouse sau khi nghe tin “bạn đồng nghiệp” bị ban quản trị sa thải - Ảnh: Cnet.

Có thể Carol Bartz không biết cách lèo lái con thuyền Yahoo, nhưng rõ ràng bà biết cách làm cho ban lãnh đạo nơi này phải sửng sốt bằng thái độ của mình.

Cụ thể, trong bài phỏng vấn với tạp chí Fortune, Bartz không ngần ngại nói thẳng: “Đây là ban lãnh đạo tệ nhất đất nước này”.

Bartz cũng tiết lộ khi Roy Bostock, chủ tịch Yahoo gọi điện thoại cho bà và đọc một bản thông báo (được soạn sẵn) với nội dung sa thải, bà đã nói: “Roy à, sao phải đọc kịch bản chi vậy. Anh không có gan nói thẳng vào mặt tôi à?”.

Có vẻ như chứng kiến việc giá cổ phiếu Yahoo tăng ngay sau khi bị sa thải đã làm tổn thương đến lòng tự ái của Bartz?

Được biết đến nhiều nhất với những chính sách mạnh tay như cắt giảm việc làm và giảm ngân sách, Carol Bartz còn nổi tiếng với lối nói chuyện khá thô lậu với một mật độ khá dày đặc những từ chửi thề được chèn vào câu nói. Trong một buổi trò chuyện với giới phân tích vào năm 2010, bà đã không giấu nỗi thất vọng: “Bọn tôi có rất nhiều người chạy loăng quăng và chỉ tay năm ngón, nhưng đ** có ai thực sự động tay động chân hết!”.

Khi trả lời phỏng vấn Reuters năm 2010, Bartz cho biết thói quen chửi thề của bà cũng chỉ để làm rõ ý mình muốn nói một cách… vô hại, và nhấn mạnh nếu bà là đàn ông, thì đã không có ai để ý đến điều này.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link