28/03/2011 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Nhà hát Bolshoi là một trong những thiết chế nổi tiếng nhất của nền văn hóa Nga. Nhưng giờ đây, Bolshoi đang bị cho là xuống dốc không phanh cả về mặt chất lượng nghệ thuật lẫn cung cách quản lý và tài năng, phẩm hạnh của những người lãnh đạo nhà hát.
Sự ra đi đầy bất ngờ của Gennady Yanin, Phó Giám đốc Nhà hát ballet Bolshoi hồi tuần trước là vụ scandal mới nhất làm rung chuyển thiết chế này. Giới phê bình cho rằng, sự thiếu tầm nhìn và thiếu phẩm hạnh của lãnh đạo nhà hát đang phá vỡ lịch sử danh giá của Bolshoi - nền tảng của các loại hình nghệ thuật đầy ấn tượng ở Nga.
Yanin buộc phải rời khỏi nhà hát sau khi những hình ảnh “chăn gối” của anh cùng với những người đàn ông khác bị phát tán lên mạng. Ở Nga, chuyện quan hệ đồng giới vẫn chưa được nhìn nhận “thoáng” như ở các nước phương Tây khác. Yanin từ chối bình luận về sự việc om sòm đó mà chỉ nói rằng anh quyết định rời vị trí của mình bởi cảm thấy mệt mỏi. “Đây là một công việc rất phức tạp và khó khăn. Và do những gì đã xảy ra, cách phản ứng của các đồng nghiệp đã khiến tôi làm điều mà từ lâu tôi đã muốn là rời khỏi vị trí làm việc”, Yanin nói.
Gennady Yanin - Phó giám đốc Nhà hát Bolshoi từ chức vì scandal
Các cựu nghệ sĩ của nhà hát và giới phê bình cho rằng các vụ scandal đang làm lu mờ danh tiếng của nhà hát lớn nhất thế giới - nơi có 200 nghệ sĩ. Anastasia Volochkova, cựu diễn viên ballet chính, người đã bị sa thải hồi năm 2003 vì bị cho là quá béo, mô tả nhà hát đã trở thành nơi chỉ thích chạy theo các nhà bảo trợ giàu có.
“Nhiều buổi tiệc tùng được tổ chức để tiếp đãi các nhân vật chính trị và người bảo trợ. Họ mời các nghệ sĩ ballet từ nhà hát tới diễn. Nhưng các nghệ sĩ không được mời trực tiếp mà thông qua ban giám đốc của nhà hát, nhưng kèm theo lời “dọa”: Nếu các cô tới buổi tiệc thì sẽ có tương lai. Còn nếu không thì sẽ không được tham gia chuyến lưu diễn tới. Tình thế như vậy thì chúng tôi có thể làm gì. Họ nói trắng ra như thế chứ có cần giấu giếm gì đâu” - Volochkova kể.
Vụ scandal mới nhất này xảy ra vào thời điểm không hề thích hợp với Nhà hát Bolshoi. Vào tháng 10 tới, nhà hát định tổ chức một chương trình gala lớn sau khi đóng cửa thực hiện trùng tu hồi năm 2005. Dự án trùng tu đã bị kéo dài thêm hơn 3 năm trời so với kế hoạch, còn kinh phí thì bị “đội” lên gấp hơn 16 lần - tổng chi phí dự án trùng tu đã lên tới hơn 600 triệu bảng. Năm 2009, các công tố viên đã mở cuộc điều tra nhà thầu chính và biết được rằng công ty này đã “dính” vào một vụ tham nhũng 10 triệu bảng. Cuộc điều tra này vẫn đang xúc tiến.
Theo Volochkova và Rinat Arifulin - cựu nghệ sĩ ballet, người đã rời Bolshoi hồi năm ngoái - thì sự tham nhũng không dừng lại ở đó. Họ cho biết, các nhà quản lý “ăn” mọi thứ, từ trang phục biểu diễn đến thiết kế sân khấu. “Nạn tham nhũng ở Nga đã tới nhà hát Bolshoi từ vài năm trở lại đây. Ban lãnh đạo chẳng hề quan tâm gì tới sự sáng tạo, mà chỉ chú tâm tới việc kinh doanh, thương mại và tiền”- Volochkova cho hay.
Nhà hát Bolshoi
Theo kế hoạch, các nghệ sĩ ballet của Nhà hát Bolshoi sẽ lưu diễn ở Paris (Pháp) vào tháng 5 tới và họ đã có một tour diễn thành công ở London (Anh) hồi Hè năm ngoái. Thế nhưng, ở Nga - nơi loại hình nghệ thuật này rất được ngưỡng mộ - thì họ lại không giành được lời ca ngợi của giới phê bình như trước. Theo Raymond Stults, cây bút chuyên viết về ballet cho tờ The Moscow Times đã 17 năm: “Họ phải làm gì đó thật cơ bản chứ không thể hoạt động như hiện nay. Trong nhà hát hiện không có ai có đủ khả năng điều hành và giám sát các chương trình mới”. Giám đốc hiện nay của nhà hát là Anatoly Iksanov bị cho là một người quan liêu, người đáng lẽ đã phải rời khỏi vị trí khi nhiệm kỳ đã kết thúc từ năm ngoái. Giờ tuy ông đã được bổ nhiệm lại, song các trách nhiệm mang tính quyết định như việc bổ nhiệm các chức vụ trong nhà hát đều không nằm trong thẩm quyền của ông mà do Bộ Văn hóa quyết định.
Nhà hát Bolshoi đã mất đi nhiều tài năng xuất chúng nhất khi tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Alexei Ratmansky, cựu giám đốc rất được kính trọng của nhà hát đã từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình hồi năm 2008 do không đồng thuận quan điểm. 1 năm sau đó là vụ từ chức gây kinh ngạc của Giám đốc âm nhạc Alexander Vedernikov ngay trong ngày đầu tiên đoàn thực hiện chuyến lưu diễn mùa Hè ở Italia. “Nhà hát nuôi dưỡng thói quan liêu còn hơn cả nghệ thuật. Rõ ràng, nhà hát không còn có những nét tiêu biểu của một tổ chức nghệ thuật”, Vedernikov nói như vậy khi từ chức.
Nhà báo Stults bình luận về tình trạng hiện nay của Bolshoi: “Trong 2 năm trở lại đây, nhà hát Bolshoi không có ai nghiêm túc suy nghĩ về những việc họ đang làm”.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất