Nhà hát lớn Hà Nội: Trăm năm một biểu tượng

05/06/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Cần sử dụng Nhà hát Lớn Hà Nội đúng với chức năng của “biểu tượng văn hóa - lịch sử” này - đó là chia sẻ của ông Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam) với TT&VH trong câu chuyện về Nhà hát Lớn Hà Nội, khi hay tin Bộ VH,TT&DL vừa có quyết định kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành công trình này.

Ông Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam).

Cụ thể, theo quyết định số 1700 vào đầu tháng 6 vừa qua, Lễ kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội (NHL) sẽ diễn ra vào ngày 11/11/2011với tính chất như một trong những sự kiện văn hóa đối ngoại lớn nhất của năm. Trong chuỗi hoạt động của sự kiện này sẽ có Hội thảo khoa học về 100 năm tuổi của Nhà hát Lớn, Chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật Cộng hòa Pháp và nhiều màn nghệ thuật sử thi của các đoàn nghệ thuật Việt Nam. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét:

- Nếu rạch ròi, Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ có giá trị đơn thuần về kiến trúc. Rộng hơn, từ đầu thế kỷ XX, đó cũng là nơi chứng kiến những cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa- nghệ thuật phương Tây, cụ thể là âm nhạc và sân khấu. Rồi, cũng do vị trí địa lý đặc thù giữa Hà Nội, NHL được lịch sử Việt Nam lựa chọn làm nơi diễn ra hàng loạt sự kiện khác nhau trong dòng chảy của mình - mà ngày Cách mạng 19/8/1945 hay những kỳ họp Quốc hội giai đoạn trước 1975 là ví dụ điển hình. Nhìn tổng quát, có thể coi đây là một trong những di sản gắn chặt với lịch sử văn hóa - chính trị của Việt Nam.

* Theo quan điểm của ông, cách khai thác công năng biểu diễn của một di tích lịch sử - văn hóa như vậy đã hợp lý chưa, khi mà trong vài năm qua, có khá nhiều chương trình nhạc nhẹ và thời trang từng diễn ra tại NHL?

- Như tôi được biết, khi tu bổ NHL xong, chúng ta cũng đã có chủ trương tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại đây một cách có chọn lọc. Nôm na thì đó là những chương trình nghệ thuật thiên về sang trọng, hàn lâm trong mặt bằng văn hóa chung, chẳng hạn như giao hưởng, opera, kịch nói... Nếu nhẹ nhàng, hãy tạm coi việc sử dụng NHL cho quá nhiều chương trình biểu diễn trong thời gian qua là do sự hạn chế của hoàn cảnh. Thậm chí, như giai đoạn 1946, chúng ta chưa có Nhà Quốc hội nên từng sử dụng NHL vào mục đích này, tuy nhiên hiện không ai thấy rằng nên khai thác NHL theo hướng ấy.

Hiện tại, chất lượng đời sống tại Hà Nội cao dần theo mỗi ngày và từ đó, các chương trình nghệ thuật mỗi ngày một đa dạng hơn. Bởi thế, sự phân khúc về địa điểm biểu diễn là cần thiết. Như tôi biết, rất nhiều rạp diễn đã và đang được xây dựng, và sân khấu chuyên dụng tại đó thì phù hợp hơn cho từng loại hình. Việc tổ chức biểu diễn tại NHL cũng cần diễn ra chừng mực để đúng với tính chất của di tích này.



Nhà hát Lớn Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20.

* Ở góc độ một cá nhân từng nhiều năm làm việc cạnh NHL (Hội Sử học tại phố Tông Đản), ông có thể so sánh một chút về cảnh quan không gian khu vực NHL giữa thời điểm bây giờ và giai đoạn trước?

- Nhìn chung, những gì thuộc về kỷ niệm bao giờ cũng đẹp. Giai đoạn trước, không gian quanh NHL đẹp và yên bình hơn. Còn hiện tại, nói thật lòng là việc quy hoạch chưa hợp lý khiến không gian tại đây bị phá vỡ đi nhiều quá. Tôi nghĩ trong tương lai, cùng với phố cổ Hà Nội, khu vực từ NHL dọc ra Tràng Tiền cũng cần được quy hoạch và bảo tồn để trở thành phố đi bộ, gắn liền với không gian văn hóa - lịch sử- ký ức như nó vốn có.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link