26/10/2015 06:10 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - “Công trình là một kiệt tác chẳng thể tranh cãi, không chỉ trong thế kỷ XX mà còn với cả lịch sử của nhân loại". Bằng những dòng tôn vinh này, năm 2007, UNESCO tuyên bố nhà hát opera Sydney là Di sản thế giới.
Công trình biểu tượng này của Australia vừa kỷ niệm 42 năm khai trương. Tòa nhà trứ danh, với các mái vòm vươn cao giống cánh buồm no gió hay những vỏ sò tuyệt đẹp, thường được xem là công trình giúp tạo dấu ấn bản sắc cho thành phố Sydney, đất nước Australia và thậm chí là cả châu Úc.
Bản thiết kế tuyệt vời
Nhiều người xếp nó sánh ngang hàng với kim tự tháp Ai Cập, Vạn lý trường thành của Trung Quốc và các nhà thờ ở vùng Chartres của Pháp. Việc tòa nhà được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO) tôn vinh hẳn phải là khoảnh khắc đáng nhớ với Jorn Utzon (1918-2008), kiến trúc sư tài năng đã đứng sau tòa nhà này.
Nhưng ngày hôm nay, chẳng mấy ai trong số khoảng 7 triệu người tới ngắm công trình này mỗi năm có thể tưởng tượng được rằng kiến trúc sư của nó từng bị chính quyền Australia đối xử như kẻ "hạ đẳng".
Câu chuyện bắt đầu khá vui vẻ vào năm 1959, khi thiết kế của Utzon được lựa chọn từ 233 ý tưởng gửi tới một cuộc thi quốc tế do chính quyền bang New South Wales tổ chức, nhằm phác thảo diện mạo một nhà hát opera cỡ lớn tại nơi từng là ga tàu điện, nhìn ra cảng Sydney.
Các giám khảo của cuộc thi liên tục cầm lại những bản vẽ rất ấn tượng của kiến trúc sư trẻ người Đan Mạch, bất chấp việc họ từng ném bỏ nó vài lần để chọn các thiết kế thực dụng hơn. Cuối cùng, trực giác đã chiến thắng.
"Chúng tôi đã bị thuyết phục, rằng chúng (các bản vẽ thiết kế của Utzon) đại diện cho ý tưởng về một nhà hát opera có khả năng trở thành công trình thuộc hàng vĩ đại nhất thế giới" - các giám khảo tuyên bố khi chọn thiết kế của Utzon.
Xa rời thực tế
Hoạt động xây dựng bắt đầu vào năm 1957, với việc đóng 588 cọc bê tông trên đất liền và quanh cảng Sydney để hỗ trợ phần móng của tòa nhà khổng lồ. Nhưng khi tiến độ xây dựng bị chậm lại và chi phí tăng lên, giới chức Australia bắt đầu sốt ruột. Một chính quyền liên minh có xu hướng bảo thủ lên nắm quyền vào năm 1965 đã tăng sức ép với Utzon, bắt ông đẩy nhanh tốc độ.
Giống Gaudi, kiến trúc sư đứng sau nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelona, Tây Ban Nha, Utzon tin rằng thiết kế của một tòa nhà lớn như nhà hát opera Sydney cần phải biến đổi theo thời gian. Nhưng David Hughes, tân Bộ trưởng Bộ các công trình công cộng, đại diện cho một chính quyền không có nhận thức tốt về văn hóa, đã cho rằng Utzon xa rời thực tế.
Hughes yêu cầu Utzon lập tức đưa ra một giải pháp "tức thời" cho nhà hát opera. Trong giải pháp đó phải có một bộ các bản vẽ đầy đủ nội thất nhà hát, để đẩy nhanh tốc độ xây dựng.
Nhằm tăng sức ép, Hughes từ chối trả lương cho Utzon, khiến kiến trúc sư không có tiền chi trả cho các trợ lý của ông. Hughes còn lên tiếng chất vấn về năng lực của Utzon. Hành động của chính quyền khiến Utzon từ chức, bỏ mặc công trình cho Australia tự xử vào năm 1966.
Ông đóng cửa văn phòng, tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại Australia nữa. Kết quả của việc này là về sau một số phần nội thất của công trình đã không đáp ứng được kỳ vọng gây sốc như thiết kế ban đầu.
Một ngàn kiến trúc sư Australia đã đổ xuống phố để lên án Hughes. Thực tế hành động kiểu bắt nạt của Hughes cũng chẳng thể đẩy nhanh tiến độ của công trình. Vào thời điểm khai trương trong tháng 10/1973, nhà hát opera Sydney đã chậm tiến độ tới 10 năm và vượt ngân sách dự kiến tới 14 lần.
Bất chấp việc các chính trị gia như Hughes tìm cách để tên của Utzon không được nêu tại lễ khai trương tòa nhà, chính họ đã bị lịch sử Australia chôn vùi, trong khi vị kiến trúc sư tài năng càng lúc càng trở nên nổi tiếng.
Một công trình đi trước thời đại
Cuối thế kỷ XX, Quỹ tín thác nhà hát opera Sydney mới cải thiện quan hệ với Utzon và mời ông cải tiến phòng giải lao trong nhà hát opera. Utzon đã không tới Australia mà ngồi ở nhà tại Mallorca và tư vấn cho các kiến trúc sư về ý tưởng chỉnh sửa kiệt tác của ông.
Năm 2009, sau khi Utzon qua đời, một buổi lễ tượng niệm cấp quốc gia được tổ chức nhằm tôn vinh vị kiến trúc sư từng bị Australia khinh rẻ, tại chính nhà hát ông đã tạo ra.
Ngày hôm nay, tòa nhà của Utzon trông càng tuyệt vời hơn bao giờ hết. Phóng viên hãng tin BBC nói rằng mỗi mái vòm hình vỏ sò của nhà hát là một kỳ quan về kỹ thuật mà các kỹ sư phải mất 10 năm mới xây dựng xong.
Phía dưới những mái vòm đáng nhớ đó, du khách sẽ thấy 6 khu vực biểu diễn, chứa tổng cộng 5.738 khán giả. Bên ngoài nhà hát là một quảng trường rộng lớn, một nhà hàng cao cấp nằm dưới các mái vòm như cánh buồm và tất nhiên là khung cảnh tuyệt đẹp.
"Utzon đã khiến công trình này đi trước thời đại" - Frank Gehry, kiến trúc sư đứng sau bảo tàng Guggenheim mạ titanium ở Bilbao, nhận xét vào năm 2003, khi Utzon được trao giải kiến trúc Pritzker danh giá. Ông nói rằng đây là một công trình "đi trước cả các công nghệ có vào thời đó" và "đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một quốc gia theo hướng tốt đẹp hơn".
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất