06/12/2015 07:03 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Một nhà khoa học Trung Quốc đứng sau “nhà máy nhân bản vô tính lớn nhất thế giới” đã gây sốc khi tuyên bố rằng ông này có đủ sự tiến bộ về công nghệ để nhân bản con người.
Tập đoàn Boyalife Group và các đối tác đang xây dựng một nhà máy khổng lồ nằm tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc.
1 triệu con bò vô tính mỗi năm
Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong 7 tháng tới, với mục tiêu tới năm 2020 sẽ cho ra lò 1 triệu con bò nhân bản vô tính mỗi năm. Nhưng gia súc chỉ là bước khởi đầu trong tham vọng của giám đốc điều hành tập đoàn, ông Xu Xiaochun. Nhà máy của ông cũng sẽ nhân bản ngựa nòi, thú nuôi và chó nghiệp vụ, chuyên tìm kiếm cứu nạn và phát hiện ma túy.
Boyalife hiện đã hợp tác với đối tác Hàn Quốc Sooam và Học viện Khoa học tự nhiên Trung Quốc để cải thiện khả năng nhân bản động vật linh trưởng, nhằm tạo ra các loại động vật thử nghiệm tốt hơn, phục vụ nghiên cứu điều trị bệnh.
Và từ nhân bản vô tính khỉ tới nhân bản vô tính người là một bước đi rất gần. Thực tế thì Boyalife tuyên bố đã có đủ điều kiện để nhân bản vô tính người, nhưng không thực hiện điều này vì sợ phản ứng từ dư luận, cũng như các tranh cãi liên quan tới đạo đức.
"Công nghệ đã có sẵn ngoài kia” – ông Xu nói – “Nếu hoạt động này (nhân bản người) được cho phép, tôi không nghĩ có công ty nào khác giỏi hơn Boyalife." Theo Xu, công ty của ông hiện chưa tiến hành bất kỳ hoạt động nhân bản vô tính người nào. Tuy nhiên ông nói rằng tiêu chuẩn giá trị của xã hội có thể thay đổi. Ông chỉ ra việc nhiều xã hội đang thay đổi quan điểm với người đồng tính và tin rằng trong tương lai, nhân loại sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tái sản xuất con người.
"Thật không may, hiện nay cách duy nhất để tạo ra đứa trẻ là phải có sự tham gia của cả ông bố và bà mẹ” – ông nói – “Nhưng tương lai, có thể bạn sẽ có 3 sự lựa chọn thay vì một. Bạn có thể lựa chọn 50% bộ gene ông bố, 50% bộ gene bà mẹ, hoặc 100% gene của bố hay 100% gene mẹ”.
Chó vô tính Snuppy
Xu, 44 tuổi, đã từng theo học tại các trường đại học ở Canada và Mỹ. Ông cũng đã làm việc cho tập đoàn dược Pfizer của Mỹ và tham gia vào hoạt động phát triển thuốc
Coi nhân bản vô tính như cách để bảo vệ đa dạng sinh học, công ty của Xu sẽ lập một ngân hàng gene, có khả năng chứa tới 5 triệu mẫu tế bào, được bảo quản trong nitơ lỏng. Đây sẽ là một kho lưu trữ quan trọng, giúp hồi sinh các động vật quý hiếm của thế giới trong tương lai.
Hiện đối tác Sooam của Boyalife đang triển khai một dự án với tham vọng hồi sinh loài voi mamoth đã tuyệt chủng, thông qua việc nhân bản vô tính các tế bào được bảo quản tự nhiên trong hàng ngàn năm qua ở vùng đóng băng vĩnh cửu tại Siberia, Nga.
Sooam cũng phục vụ nhu cầu hồi sinh thú nuôi đã chết của các khách hàng giàu có. Có tin nói, những người muốn chú cún cưng của họ sống lại dưới hình thức bản sao vô tính phải bỏ ra tới 100.000 USD.
Sáng lập viên Sooam, ông Hwang Woo-Suk, từng là một người hùng ở Hàn Quốc, trước khi vướng vào bê bối hồi năm 2005. Theo đó, tuyên bố của ông Hwang về việc nhân bản vô tính thành công phôi người, đã bị xác định là lừa đảo. Sau bê bối, Hwang bị một trường đại học đuổi việc, bị bác kết quả hai công trình nghiên cứu, bị buộc nhiều tội danh, từ vi phạm luật liên quan tới đạo đức sinh học cho tới biển thủ tiền nghiên cứu.
Dù vậy Hwang không phải là kẻ bất tài. Ông đã tạo ra Snuppy, chú chó vô tính đầu tiên của thế giới. Đầu năm nay, Hwang nói với tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc rằng công ty ông lên kế hoạch hợp tác kinh doanh với Trung Quốc. Sự bắt tay hợp tác là do luật sinh học ở Hàn Quốc cấm việc sử dụng trứng người trong nghiên cứu.
"Chúng tôi quyết định chuyển tới một số cơ sở ở Trung Quốc để chuẩn bị cho tình huống áp dụng công nghệ (nhân bản vô tính) lên cơ thể người” – ông nói.
Các thử nghiệm dị thường
Hiện nay, Xu đang tìm cách trở thành nhà cung cấp thịt bò vô tính số một thế giới. Ông muốn cho ra lò những con bò “phi thường”, hứa hẹn có vị ngon như bò Kobe và sẽ cho nhiều thịt hơn, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của tầng lớp trung lưu đang lên tại Trung Quốc.
Tuy nhiên đã có tranh cãi về việc thịt bò vô tính có an toàn cho hoạt động tiêu dùng của con người. Nghiên cứu do Cơ quan thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ thực hiện cho thấy thịt bò nhân bản vô tính an toàn, nhưng Nghị viện châu Âu đã ủng hộ một lệnh cấm nhân bản vô tính động vật, cũng như việc dùng thịt của chúng để ăn.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) hiện vẫn chưa xem xét vấn đề này. Tuy nhiên Han Lanzhi, một chuyên gia an toàn thực phẩm biến đổi gene tại Học viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc, đánh giá tuyên bố của Boyalife về sự an toàn, quy mô và lịch trình tung thịt vô tính ra thị trường là rất đáng báo động.
"Cần phải có sự quản lý chặt chẽ vì khi một công ty theo đuổi lợi ích riêng, họ có thể làm những điều mờ ám trong tương lai” – bà nói. Về phần mình, Xu lên tiếng trấn an: “Chúng tôi muốn công chúng biết rằng nhân bản vô tính không hề điên rồ, rằng các nhà khoa học không hề kỳ quái. Họ không mặc áo choàng trắng và nấp sau các cánh cửa đóng kín để làm những thí nghiệm dị thường”.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất