Hội thảo văn chương đang không “lành mạnh” lắm

28/08/2012 07:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Rặt một chiều, không hướng đến giá trị văn chương mà nghiêng về “du dương ca tụng” (chữ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý), còn lâu mới có hội thảo chất lượng cao - các nhà nghiên cứu, phê bình văn học VN nhận định như vậy.

Ồn ào trên báo chí và blog xung quanh các hội thảo văn chương vừa qua khiến dư luận hoài nghi về chất lượng. Khi được hỏi về điều này, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đáp: “Thực ra, các hội thảo văn học ở nước ta đang không lành mạnh lắm đâu”.

Không thích chê và cũng không biết cách chê

“Lành mạnh” hiểu đơn giản là hội thảo có sự bày tỏ thẳng thắn, kể cả ý kiến trái chiều cũng được phát biểu một cách văn minh, không xúc phạm lẫn nhau. “Thiếu lành mạnh” cũng là nhận định của nhà phê bình Inrasara (trong một bài viết trên blog riêng) về không khí tranh luận văn chương ở Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phân tích: “Cái nét không lành mạnh cho lắm ở các hội thảo ở ta hiện nay là tính chất một chiều ngự trị quá rõ trong mỗi hội thảo. Những người dự buộc phải xử sự, nói năng cho hợp. Họ không có tâm thế nghe ý kiến trái chiều. Chính đó là tính chất thiếu tự do tư tưởng của hầu hết các hội thảo hiện nay”.

Ông cho rằng, nhược điểm này ít nhiều mang tính khách quan: “Dường như bạn văn, nhà nghiên cứu, và cả công chúng đều chưa đủ khả năng phát ngôn tự do mà vẫn lịch sự, văn minh tại các hội thảo”.


Hội thảo Hoàng Quang Thuận. Ảnh: Gia Miên.

Có thể kể đến hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” cuối tháng 6. Trên blog, nhà phê bình Inrasara đánh giá, hội thảo này đã chia dư luận thành hai luồng: Bên chính thống thì tụng ca (chủ yếu trên báo chí), bên kia thì tìm cách vùi dập (chủ yếu trên blog). Còn người đứng ngoài chứng kiến như ông thì thấy toàn bộ cuộc tranh cãi này “lạc thời, vô bổ, đáng thất vọng” khi đặt trong bối cảnh oi ả tình hình thời sự hôm nay.

Vì sao đắt khách?

Không thể không nhắc đến hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận (một nhà thơ “không ai biết” - Lại Nguyên Ân) vì đây là hội thảo ồn ào nhất gần đây, lại diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn VN, người đến dự đông chật kín, có đến 7 đài truyền hình, hàng chục báo, thiếu chỗ ngồi đến nỗi BTC phải cuống quít đi thuê ghế.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, người theo dõi sự kiện cho rằng nếu nói báo chí đồng loạt đưa tin vì tiền là không có căn cứ. Bởi cũng là khách mời, anh cho biết, chỉ có 12 phóng viên được mời chính thức, và phong bì cho báo chí cũng không hơn gì các sự kiện khác, 200.000 đồng (phải có giấy mời).

“Vậy nhiều phóng viên chẳng có giấy mời, tài liệu và phong bì mà vẫn đến đưa tin thì sao?”, anh đặt câu hỏi. “Nói ông Thuận mua truyền thông thì hóa ra đánh giá quá cao. Dù có tài thánh ông Thuận cũng không làm được việc đó. Và hệ thống truyền thông của Việt Nam cũng không dễ “mua” như thế”.

“Lý do chỉ có thể là: sự tò mò”, Nguyễn Xuân Thủy tổng kết. Bởi, trước hội thảo, nhiều giai thoại tung hỏa mù xung quanh thơ Hoàng Quang Thuận đã được đồn đại (“hiển linh” một đêm làm 121 bài thơ ở Tràng An, Ninh Bình, gửi đi dự… Nobel), lại gắn với tâm linh kỳ bí, thêm cuốn sách độc bản khổng lồ đạt kỷ lục quốc tế nên thu hút dư luận và báo chí hiếu kỳ.

Thứ cần hay thì lại không hay

Tóm lại, lý do thì nhiều, nhưng tuyệt nhiên không phải vì thơ ông Thuận hay.

Theo nhà phê bình Văn Giá, muốn tổ chức một hội thảo về một tác giả, có hai điều kiện: “Thứ nhất, tác giả phải có tác phẩm đủ hay, đủ tầm; Thứ hai, phải nhận được sự cộng hưởng từ đồng nghiệp”.

Hai điều kiện trên nghe qua tưởng như không bắt kịp với nhu cầu của “thị trường” hội thảo đang nở rộ. Những tác giả mới, tác phẩm mới cũng có nhu cầu hội thảo để được công chúng biết đến. Mặc dù thường thì không có nhiều tác giả mới xứng làm đề tài hội thảo, nhưng hiện nay ai thích thì cứ bỏ tiền ra làm.

Dù mang danh giới thiệu thơ nhưng ông Thuận “đính kèm” một loạt chuyện ngoài thơ, từ chuyện “tiền nhân mượn bút”, “nhập đồng làm thơ”, “thơ dự Nobel”, “cuốn thơ khổng lồ” đến cả chuyện ngoài ý muốn là nghi vấn đạo văn và nhiều tin đồn đời tư đăng trên các blog. “Nhân vật” chính (đáng ra là thơ), sau khi được tâng lên mây xanh lại bị ném phịch xuống đất, thỉnh thoảng bị lôi lên giễu cợt trên các blog. Nhiều người cho rằng nó cũng chỉ đáng vậy thôi.

Đến đây lại thấy hai điều kiện của nhà phê bình Văn Giá rất có lý. Trước hết, thơ phải hay. Ai thích bỏ tiền tổ chức hội thảo thì tùy nhưng cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý chịu hiệu ứng ngược.

Riêng điều kiện thứ hai, cộng hưởng với đồng nghiệp, thực ra hơi khó xét. Những nhà văn lớp trước, còn sống hoặc đã mất, dễ có điều kiện này hơn vì họ được giới hậu sinh nể phục. Còn trong đời sống văn học, các nhà văn khen nhau thì khó chứ chê thì rất hăng. Có điều chê lại không đăng báo hoặc nói trong hội thảo được, chỉ có thể nói ngoài đời hoặc viết blog, kiểu như nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Giới nhà văn mạnh nhất là chữ nghĩa, họ khen chê cũng đủ đường thâm thúy.

Còn nhớ trong bộ phim về văn chương Paris In Midnight (Mỹ), nhân vật Hemingway nói với một nhà văn khác: “Đừng đưa sách của anh cho tôi đọc vì chắc chắn tôi sẽ ghét nó. Nếu nó dở, tôi ghét vì nó dở. Nếu nó hay, tôi ghét vì anh viết hay hơn tôi”.

Đã đến “Giọt nước tràn ly”?

Nếu đúng thì đó là đóng góp hữu ích nhất của hội thảo Hoàng Quang Thuận, bởi khi đã tràn ly thì buộc người ta phải tìm cách giải quyết… cốc nước, chẳng hạn đổ bớt đi.

Hội Nhà văn đã có vài cuộc họp bất thường, gỡ bài về hội thảo trên trang web của hội. Theo nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, một điều khiến Hội Nhà văn “bực mình” là “chúng nó cứ nhằm vào hội mà chửi” vì tưởng hội trực tiếp đứng ra tổ chức.

Sau khi họp, hội ra thông báo đã lên kế hoạch soạn thảo các quy chế hội thảo, trong đó có lưu ý việc sử dụng hội trường Hội Nhà văn Việt Nam tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội “một cách sang trọng và đúng mục đích”, bởi uy tín của hội đã ít nhiều bị ảnh hưởng sau một hội thảo kém chất lượng.

Còn theo dự báo của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì: “Những nỗ lực thay đổi dù sao cũng chỉ khiến ta có thể hy vọng có những hội thảo có mức chất lượng trung bình thôi. Hội thảo chất lượng cao là chuyện của một thời chưa đến”.

Hạ Huyền


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link