03/10/2018 08:39 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến việc sửa chữa vết nứt dầm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, Tổng công ty Cửu Long đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cấm cửa hai nhà thầu thi công sau khi hoàn thành sửa chữa xong cầu này, không cho tham gia vào các dự án của Bộ quản lý.
Báo cáo của nhà thầu chính tại dự án là GS E&C (Hàn Quốc) cho thấy, tiến độ sửa chữa sự cố đang chậm khoảng 60 ngày với nguyên nhân là do các cơ quan chậm phê duyệt hồ sơ, nhà thầu gặp vướng mắc về tài chính do chưa được thanh toán tiền thuế giá trị gia tăng, đơn vị bảo hiểm chưa tạm ứng tiền bảo hiểm công trình,…
Trong khi đó, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải công tác sửa chữa, khắc phục vết nứt dầm ngang CB6 của cầu Vàm Cống sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và đưa công trình vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2019.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, tiến độ sửa chữa vết nứt dầm ngang cầu Vàm Cống bị chậm do nhà thầu GS E&C không chủ động và không quyết liệt vào cuộc. Đặc biệt, trong các báo cáo GS E&C không chỉ đạo được nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Thành Long trong công tác sửa chữa, khắc phục.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, Cầu Vàm Cống chưa hoàn thành, việc sửa chữa khắc phục sự cố là trách nhiệm của nhà thầu chính.
“Mặc dù Tổng công ty Cửu Long đã mời lãnh đạo cao nhất của nhà thầu là Chủ tịch GS E&C sang làm việc tuy nhiên phía GS E&C hoàn toàn phớt lờ, không có bất kỳ hành động và phản hồi nào,” ông Thành nói rõ.
Về giải pháp xử lý đối với hai nhà thầu GS E&C và Thành Long, Tổng công ty Cửu Long đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sau khi hoàn thành sửa chữa xong cầu Vàm Cống sẽ cấm cửa hai nhà thầu này, không cho tham gia vào các dự án của Bộ quản lý.
Khẳng định việc thi công và xây dựng công trình thuộc trách nhiệm của nhà thầu chính, phải thực hiện và tuân thủ theo đúng hợp đồng đã ký kết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, dự án này chưa kết thúc nên trách nhiệm của nhà thầu chính là sửa chữa và khắc phục hoàn chỉnh công trình, chứ không thể đổ lỗi do thiếu vốn hay bảo hiểm chưa cho ứng 50% phần chi trả tiền đền bù.
Theo Thứ trưởng Nhật, cầu Vàm Cống là công trình trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do đó các đơn vị khẩn trương, nỗ lực vào cuộc để sớm hoàn thành công tác sửa chữa và đưa cầu Vàm Cống vào khai thác, sử dụng.
Trước đó, chiều 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.
Kết quả kiểm tra, đo đạc thời điểm phát hiện sự cố cho thấy, cầu không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra (ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên), kích thước hình học của công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế. Qua đó, kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định.
Cầu Vàm Cống thuộc dự án thành phần 3-dự án kết nối Khu vực trung tâm Đồng bằng Mêkông, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án được thực hiện bởi các nhà thầu của Hàn Quốc: Tư vấn thiết kế-giám sát Hàn Quốc là Liên danh Dasan-Kunhwa-Pyunghwa; nhà thầu thi công Hàn Quốc là Liên danh Công ty GS E&C và Hanshin. Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu Vàm Cống được khởi công vào tháng 9/2013, hợp long ngày 29/9/2017. Đây là cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu. Cầu được xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng chiều dài gần 3km, chiều cao thông thuyền 37,5m. |
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất